A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

"Cổ vật" ngày càng rời xa buôn làng

07:26 | 25/04/2016

Vấn nạn “chảy máu” cồng chiêng trên địa bàn Tây Nguyên đã được chặn đứng từ 5-7 năm nay. Thời gian gần đây lại rộ lên tình trạng “cổ vật” (bao gồm các loại vật dụng được dùng trong đời sống sinh hoạt ngày xưa)...

... của đồng bào các dân tộc thiểu số bị săn tìm, mua bán ráo riết… khiến không ít hiện vật có giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử - văn hóa trong các buôn làng lại lần lượt biến mất.

Cái gì cũng mua (!)

Cách đây vài năm, giới sành chơi đồ cổ chỉ chọn mua những món có giá trị như chiêng, chóe cổ, tượng nhà mồ, trống bịt da trâu rừng hai mặt đực- cái, hoặc các loại hàng “độc” khó bắt gặp, là dùi đánh chiêng được bọc bằng bộ phận sinh dục thú rừng thuộc bộ móng guốc, bành voi được chạm trổ bằng gỗ quý, dây thừng bện bằng da trâu đủ kích cỡ… Hiện nay, những thứ đó không còn và người thích sưu tầm cổ vật Tây Nguyên sục tìm bất kể vật dụng gì liên quan đến đời sống cổ xưa của các tộc người bản xứ: thuyền độc mộc, cung, ná, giáo, mác, ly, chén thờ cúng… có tuổi đời vài chục năm trở lên để mua với bất cứ giá nào.

Nhiều trống, chiêng và chóe cổ của bà Ngô Thị Kim Cúc sưu tầm, cất giữ tại nhà.

Mới đây, ông Y D’Phia (ở buôn M’rơng - xã Ea Tu - Buôn Ma Thuột) đã bán cặp dao đi rừng, có cán được tra bằng nanh lợn lòi với giá 30 triệu đồng cho một doanh nhân làm du lịch ở Đà Lạt. Ông Y D’Phia cho biết thêm, trước đó nhiều người trong buôn này cũng như các buôn lân cận cũng đã không giữ được những “báu vật” của gia đình, dòng họ trước túi tiền rủng rỉnh của dân chơi “thời thượng”. Như Y Phai chẳng hạn - vốn là người M’nông Gar ở xã Krông Nô - huyện Lắk lên đây lấy vợ, được mẹ đẻ dày công dệt tặng cho chiếc áo “chiến binh” truyền thống bằng sợi vỏ cây làm “của hồi môn” từ hơn bốn chục năm nay, vừa rồi cũng đã bán cho một nhà thiết kế thời trang ở TP. Hồ Chí Minh để bổ sung vào bộ sưu tập thổ cẩm còn khuyết thiếu. Tương tự, ở nhiều địa phương khác cũng vậy, cái gì đáng giá trong nhà đều bán đi khi có người gạ gẫm, hỏi mua. Bà H’Ploát Buôn Krông (buôn Ky - phường Thành Nhất - Buôn Ma Thuột), hay ông Y Kin HD’her (buôn N’Drếk - xã Ea Huar - huyện Buôn Đôn) đã không một chút đắn đo để cho người ta chở đi bộ chày cối giã gạo, cuộn thang dây làm bằng mây rừng có tuổi thọ bằng một đời người chỉ với khoản tiền trên dưới một triệu đồng. Hỏi họ vì sao phải bán đi, thì được trả lời: “Có dùng vào việc gì đâu mà để lại, nó lăn lóc trong góc bếp, xó nhà…

Đến nay, chưa ai kiểm soát, thống kê được có bao nhiêu cổ vật của các tộc người bản địa ở Tây Nguyên rời khỏi buôn làng (trừ cồng chiêng ra). Có thể hiểu các cổ vật ở đây - nhiều khi chỉ là những vật dụng sinh hoạt thường ngày gắn bó với đời sống của mọi người và cộng đồng như một sắc thái văn hóa độc đáo, đặc trưng và khó lẫn lộn. Cũng chính vì điều đó mà nhiều tay chơi cổ vật bị cuốn hút và muốn sở hữu cho bằng được mỗi khi có dịp nhìn thấy. Đổi lại, người bán là chủ nhân của một phần bản sắc ấy đã không ngần ngại rút hết những gì mình có cho người khác nắm giữ chỉ vì nhu cầu mưu sinh trước mắt.

Những bộ sưu tập đáng giá

Thực tế cho thấy có không ít cổ vật (với hàm nghĩa nói trên) đã biến mất trong đời sống sinh hoạt của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Nó đang được các cá nhân, tổ chức trên nhiều tỉnh, thành phố cả nước sở hữu nhằm phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là vốn văn hóa ấy, hiện đang được một số người ở địa phương có tâm huyết cất công sưu tầm, cất giữ để chờ cơ hội đưa ra phục vụ trở lại cho cộng đồng, nhưng đáng tiếc là ý hướng đó chưa nhận được sự chia sẻ từ phía những cơ quan có trách nhiệm.

Bành voi làm bằng gỗ quý hơn trăm năm được trưng bày tại Khu Du lịch sinh thái Thanh Hà - Buôn Đôn.

Bà Ngô Thị Kim Cúc (phường Tự An - TP. Buôn Ma Thuột) hiện đang sở hữu gần 3.000 hiện vật là chiêng, chóe, trống, vật dụng sinh hoạt và đồ trang sức bằng đá, kim loại của nhiều tộc người bản địa. Bà Cúc cho biết vì không có nơi trưng bày, giới thiệu nên phải xếp trong nhà kho, chái bếp, mái hiên của gia đình. Những món đồ đáng giá này được bà mua lại từ các buôn làng Tây Nguyên trong hơn 30 năm làm công tác bảo tàng. Qua tâm sự của chủ nhân bộ sưu tập trên, thì đơn giản chỉ vì thấy tiếc và không nỡ nhìn vốn văn  hóa của bà con “chảy máu” nên bà gom góp tiền mua về. Đã không ít lần bà Cúc đề nghị với các sở, ngành liên quan tạo điều kiện để đưa bộ sưu tập này ra giới thiệu trước công chúng tại một địa điểm nào đó thích hợp, góp phần vào việc bảo tồn, bảo tàng giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn Đắk Lắk. Song, cho đến nay chính quyền địa phương, mà trực tiếp là ngành Văn hóa vẫn chưa có động thái nào tỏ ra ủng hộ đề nghị đó. Bà Cúc cho rằng, nếu không có cơ sở, phương tiện bảo quản tối ưu thì số hiện vật trên sẽ khó lòng giữ được. Đến một lúc nào đó, bà không đủ kiên nhẫn để níu giữ vốn di sản này; và nó sẽ được sang tay cho người khác (dù dưới hình thức nào), vì đã có nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh dịch vụ văn hóa - du lịch ở nơi khác ngỏ lời mua lại…

Còn ông Nguyễn Trụ - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Du lịch sinh thái Thanh Hà (Buôn Đôn) - chủ nhân của bộ sưu tập “Văn hóa voi” cũng hết sức trăn trở trước những gì mình đang nắm giữ và muốn để lại cho mai sau. Ông Trụ chia sẻ, trước thực trạng không thể kiểm soát nổi khi người M’nông, Lào đua nhau bán hết “gia tài” có liên quan đến hoạt động săn bắt và thuần dưỡng voi nức tiếng một thời ở vùng đất huyền thoại này, ông đã can thiệp kịp thời bằng cách thương lượng, thuyết phục nhiều gia đình để mua lại một số vật dụng quý hiếm như chiếc bành voi bằng gỗ hơn trăm năm, áo vỏ cây, dây thừng bện từ da trâu dành cho các Gru (dũng sĩ) săn bắt voi cách đây hơn nửa thế kỷ cùng nhiều đồ đạc bày biện trong nghi thức cúng tế voi truyền thống. Ông Trụ làm việc đó với tâm niệm góp chút công sức gìn giữ nét văn hóa giàu bản sắc cho cộng đồng người bản địa, để khi ai đó muốn tìm hiểu về “Văn hóa voi” thì có vật chứng mà giới thiệu, thuyết trình… Nhờ thế mà “gia tài voi” ở Buôn Đôn đỡ mất đi, nó chỉ chuyển từ sở hữu của người này sang người khác ở trong cùng một vùng (chứ không vĩnh viễn biến mất) như khá nhiều trường hợp đã nêu tại nhiều buôn làng khác trên địa bàn Đắk Lắk. Có điều, như ông Trụ tâm sự: Vấn đề mất - còn vốn văn hóa ở đây cũng hết sức mong manh, bởi nó tùy thuộc vào những yếu tố cần thiết như nhận thức của cộng đồng, sự quan tâm, hỗ trợ của những người có trách nhiệm và đặc biệt là cần gấp một thiết chế quản lý văn hóa-xã hội nói chung đủ mạnh, hữu hiệu để vừa hạn chế mất mát trên; đồng thời vừa khuyến khích, tạo điều kiện cho những cá nhân, đơn vị có tâm huyết gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa.

Rõ ràng, nhìn từ góc độ “chảy máu” cổ vật nói trên, đã đến lúc chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng phải vào cuộc với tinh thần, trách nhiệm cao cùng cơ sở, hành lang pháp lý có tính khả thi và bắt buộc nhằm giúp người dân tích cực gìn giữ nguyên vẹn các giá trị văn hóa (vật thể và phi vật thể) trong các buôn, làng truyền thống đang đối mặt với nguy cơ mai một dần và mất đi trước đời sống hiện đại.

Đình Đối

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ