A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sức sống trường tồn của Di sản văn hóa cồng chiêng

11:51 | 17/07/2013

Đối với hầu hết các tộc người vùng Tây Nguyên, cồng chiêng là nhạc cụ mang sức mạnh thiêng, tiếng nói tâm linh, tinh thần, diễn tả những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Cồng chiêng có lịch sử từ rất lâu đời, cách đây khoảng 3.000 năm từ thời kì phát triển của đồng thau tại vùng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Cồng chiêng như cái tên vốn có của nó bao gồm hai loại nhạc cụ chính là cồng và chiêng. Cồng và chiêng gần giống nhau đều có dạng hình tròn như chiếc nón quai thao bằng đồng và chỉ khác nhau ở chỗ cồng có thêm núm ở giữa. Loại nhạc cụ này gắn liền với các lễ hội hay sự kiện quan trọng trong đời sống của đồng bào. Vì vậy cồng chiêng được xem như một vật thiêng, là phương tiện để con người giao lưu với những bậc vô hình, là sợi dây nối kết giữa người trần và các đấng linh thiêng. Do đó âm nhạc ở đây không đơn thuần là nghệ thuật mà có chức năng phục vụ một sự kiện đặc biệt trong xã hội hoặc trong đời sống hàng ngày của dân gian.

Có thể nói đối với hầu hết các tộc người vùng Tây Nguyên, cồng chiêng là nhạc cụ mang sức mạnh thiêng, tiếng nói tâm linh, tinh thần, diễn tả những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Họ coi mỗi chiếc cồng chiêng ẩn chứa một vị thần, cồng chiêng càng cổ thì vị thần càng quyền lực. Vì thế, cồng chiêng cũng là phương tiện tín ngưỡng dùng để giao tiếp với các đấng siêu nhiên, là thứ tài sản quý giá, biểu tượng của quyền lực và sự giàu có.

Có thể nói di sản văn hóa cồng chiêng là hình thức sinh hoạt cộng đồng có từ lâu đời, gắn bó mật thiết với cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Không gian văn hóa cồng chiêng trải rộng suốt 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) và chủ nhân của nó là các dân tộc Bana, Xê-đăng, M nông, Cơho, Ê đê, J’rai… Mỗi buôn làng có một đội cồng chiêng riêng phục vụ đồng bào trong những dịp sinh hoạt cộng đồng, lễ hội. Mỗi dân tộc lại sáng tạo ra những bản nhạc cồng chiêng khác nhau, mang đặc trưng của dân tộc mình. Công chiêng có mặt trong hầu hết các sinh hoạt văn hóa, lễ hội của người Tây Nguyên. Cồng chiêng được đánh lên để mừng những ngày hội mùa màng như lễ mừng cơm mới, lễ đâm trâu… đến những lễ ma chay, cưới hỏi, thổi tai cho trẻ sơ sinh…

Vào những ngày lễ tết, ngày hội, già trẻ gái trai quây quần bên đống lửa, vừa đánh cồng, gõ chiêng, vừa cùng nhau nhảy múa, uống rượu cần… Trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, Tây Nguyên như được bao trùm trong một không gian văn hóa lãng mạn và huyền ảo; nghe cồng chiêng như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội... của Tây Nguyên. Chính điều này đã tạo nên và khẳng định giá trị nét sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật nhất, đặc trưng nhất nhưng cũng đầy sức quyến rũ của vùng đất sử thi hùng tráng này.

Như vậy, văn hóa và âm nhạc cồng chiêng thể hiện tài năng sáng tạo văn hóa - nghệ thuật ở đỉnh cao của các dân tộc Tây Nguyên. Và vì thế, tại phiên họp của UNESCO ngày 25/11/2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được vinh danh. Đây là di sản thứ hai của Việt Nam (sau Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam) được UNESCO công nhận là "Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại".

Cần bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Vì đây là một loại hình văn hóa có ý nghĩa hết sức to lớn đối với nền văn hóa dân tộc nó khẳng định chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa. Nên cần xây dựng kế hoạch dài hạn cho việc phục hồi, bảo tồn và phát huy di sản cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Trong đó cần chú trọng công tác đào tạo trong các trường nghệ thuật, trường phổ thông về cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Song song với việc đó, cần phục dựng các lễ hội gắn với vòng đời người và vòng đời cây nông nghiệp ở các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ để tạo môi trường diễn xướng của cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Điều quan trọng là làm cho văn hóa cồng chiêng sống cùng buôn làng, trong đời sống thường nhật và trong các nghi lễ truyền thống như lễ cúng rừng, lễ cơm mới, lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mã…

Đẩy mạnh các hoạt động tăng cường hợp tác, giao lưu văn hóa để quảng bá cồng chiêng trong phạm vi quốc gia và quốc tế cũng là việc làm cần thiết nhằm xây dựng các chương trình nghiên cứu và phục hồi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

 

    Theo TTVN

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ