A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

“Hùm xám” giữa đại ngàn Tây Nguyên

08:19 | 25/07/2013

Trung tá M’lô Minh, nguyên chỉ huy trưởng Trung đoàn đặc công 304 với những chiến công huyền thoại. Trở về với đời thường, ông vẫn là ngọn đèn sáng, là cây cao bóng cả giữa đại ngàn Tân Nguyên.

Nụ cười hiền hậu giữa đời thường của M'lô Minh

Bị thương nặng vẫn xung phong trở lại chiến đấu

Trung tá M’lô Minh (trú buôn Kô Tam, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột) có 7 năm làm chủ tịch xã Ea Bông (1951-1957), tổ chức kháng chiến trong lòng địch; 19 năm bộ đội đặc công, tham gia gần trăm trận đánh lớn nhỏ thời kháng chiến chống Mỹ. Khi hòa bình lập lại, ông tham gia công tác chính quyền địa phương.

Đã ở tuổi 83, nhưng người lính già M’lô Minh vẫn còn giữ được sức khỏe tốt. Tác phong của người lính đặc công năm nào dường như vẫn còn nguyên.

Ông đi lại, tập thể thao, ngồi kể chuyện về những ngày kháng chiến gian khổ nhưng rất hào hùng cho đàn con, cháu nghe mỗi ngày sum họp.

Chàng trai M’lô Minh sinh năm 1930 ở buôn Drung, nay là xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

M'lô Minh đang kể về những chiến công của mình và đồng đội

Ông lớn lên gặp cảnh áp bức, đất nước chiến tranh chia cắt, giặc đốt buôn làng đau thương… Không cam chịu cảnh nô lệ, chàng trai Ê đê đã sớm giác ngộ đi theo kháng chiến: Năm 1957, M’lô Minh chính thức nhập ngũ. Ông được biên chế vào Đại đội V12, bảo vệ B5- một trong những căn cứ kháng chiến quan trọng của Đắc Lắc. Ông gan dạ, lập nhiều chiến công, liên tục được giao đảm trách những nhiệm vụ tối quan trọng.

Năm 1961, ông được cấp trên điều động bổ sung Đại đội Mai Phương, chiến đấu ở Quảng Đức. Năm 1962, M’lô Minh được phong quân hàm trung tá, Chỉ huy trưởng Trung đoàn đặc công 304, chiến đấu vùng Hoóc Môn, ngoại vi Sài Gòn.

Chiến tranh kéo dài, gian khổ, nhưng những người lính đặc công vẫn luôn kiên cường với niềm tin tất thắng. Năm 1968, trong một trận đánh lớn ở Phước Long, một Đại đội của Trung đoàn 304 gồm 32 người hi sinh, chỉ còn duy nhất M’lô Minh sống sót nhưng ông bị thương rất nặng, tổn thương 2 mắt, rồi phải chuyển về tuyến sau dưỡng thương.

Nhờ được đưa sang Hung-ga-ri chữa trị kịp thời, 2 mắt ông được hồi phục. Về nước, mặc dù là thương binh, ông vẫn xung phong trở lại phục vụ kháng chiến. Năm 1972, một lần nữa ông lại lĩnh chức Chỉ huy trưởng Trung đoàn đặc công 304 anh hùng. Tên tuổi của ông, những chiến công thọc sâu vào lòng địch diệt Mỹ ngụy của Trung đoàn 304 luôn là nỗi khiếp đảm của quân thù.

Đã 39 năm qua, nhưng người lính già M’lô Minh vẫn còn nhớ rõ những ngày tháng chiến đấu ác liệt, cùng đơn vị làm nên những chiến công vang dội, ông Minh tâm sự: “Ngày 27-4-1975 lệnh trên chúng tôi đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất, để phá hoại nó, địch không kịp trở tay. Đến trước 30-4 thì Quân khu chỉ thị anh em là đúng 0 giờ 30-4 phải áp sát Dinh Độc Lập.

Đánh Dinh Thống Nhất có 12 cửa, 12 đội đặc công áp sát đó, chưa được nổ súng, khi được lệnh bắn mới bắn. Nghe nhiều nơi miền Nam giải phóng rồi, anh em phấn khởi lắm, không sợ chết nữa, đột nhập vào Dinh Độc Lập. Lúc xe tăng ủi cổng rồi, tôi làm nhiệm vụ hỗ trợ để treo cờ, nhưng lúc đó tôi bị ngã gãy xương sống, ngất đi”.

Ông Minh chia sẻ: “Tôi theo cách mạng để giải phóng đất nước, giải phóng nhân dân, thống nhất đất nước, giải phóng bản thân không làm nô lệ nữa.”

Trọn đời theo Đảng

Sau ngày giải phóng, Trung tá M’lô Minh được chuyển về Tỉnh đội Quảng Đức, rồi Tỉnh đội Đắc Lắc, vừa làm công tác dân vận, giúp nhân dân khôi phục sản xuất, vừa tham gia truy quét Fulrô. Ông còn được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng khác như: Trưởng Ban nông nghiệp thị xã Buôn Ma Thuột, Hiệu phó Trường Chính quyền tỉnh Đắc Lắc (năm 1978).

Ở cương vị nào ông cũng làm tốt nhiệm vụ được giao. Về hưu ở buôn Kô Tam, xã Ea Tu, dù tuổi cao nhưng cựu binh M’lô Minh vẫn không một ngày ngơi nghỉ. Ông tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, làm kinh tế, cùng chính quyền xã xây dựng hệ thống chính trị ở buôn làng. Mỗi chuyện lớn, chuyện nhỏ của buôn, bà con đều lắng nghe ông nói. Mọi người trong buôn làng vừa nể phục, kính cẩn, vừa tự hào về người thương binh M’lô Minh. Ông Y Drin Niê, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh buôn Kô Tam, xã Ea Tu nói:

“Ông Mlô Minh hết lòng giúp đỡ bà con, hướng dẫn cách làm kinh tế. Ông kể chuyện về truyền thống yêu nước cho bà con và con cháu trong làng. Ông sống trong buôn có uy tín, ông biết tôn trọng dân, mọi người rất quý ông Mlô Minh”.

Buôn Drung, xã Ea Bông, nơi sinh chàng trai M’lô Minh anh dũng, hay buôn Kô Tam, xã Ea Tu nơi người thương binh M’lô Minh nghỉ dưỡng tuổi già, ngày nay đều là những buôn làng giàu mạnh. Sau 37 năm giải phóng, những buôn làng Tây Nguyên đều phát triển mạnh mẽ.

Cựu binh M’lô Minh luôn nghĩ: “38 năm, từ ngày giải phóng đến giờ cuộc sống đồng bào đã đổi thay rất khác trước. Các cháu nhỏ có trường học, đau ốm có trạm y tế, ai đói khát có nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào nghèo làm nhà. Đường sá trong buôn hiện nay toàn đường nhựa rồi, có điện chiếu sáng công cộng. Có được như vậy là nhờ ơn Bác Hồ. Bác là người cha dân tộc, trái tim Bác vẫn sống mãi trong lòng người Ê đê. Con đường mình đã lựa chọn là rất đúng” .

    Nguồn: tamnhin.net

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ