A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đến Tây Nguyên xem “Tượng nhà mồ”.

13:49 | 16/08/2013

Đến các khu nhà mồ ở Đắk Lắk ta sẽ như lạc vào cả một mê cung của rừng tượng gỗ với rất nhiều hình tượng và cách thể hiện khác nhau.

Tượng nhà mồ vừa là một công trình kiến trúc độc đáo, vừa là một nét văn hóa tâm linh của người đồng bào dân tộc Tây Nguyên và ẩn trong đó là những điều huyền bí.

Người Tây Nguyên quan niệm “chết” nghĩa là bắt đầu cuộc sống mới ở một thế giới khác, thế giới bên kia, thế giới của hồn ma. Bởi vậy, khi người chết ra đi là ra đi vĩnh viễn để sống một cuộc sống khác. Ngôi nhà mồ, những pho tượng mồ được làm ra để phục vụ cho lễ bỏ mả hay cuộc chia tay, cuộc vui cuối cùng của người sống và người chết. 

Để người chết ra đi thanh thản và có cuộc sống đầy đủ ở thế giới bên kia, hôm làm lễ bỏ mả, người sống không chỉ làm nghi thức sinh thành cho người chết mà còn chia của cải cho người chết đem đi.
 


Tượng nhà mồ ở Đắk Lắk ngày càng hiếm
 
Người giữ hồn cho tượng nhà mồ.

Già làng Ay Bép xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk năm nay đã gần 65 tuổi nhưng đã có hơn 40 năm làm nghề đẽo tượng nhà mồ.Với kinh nghiệm của mình ông được xem là người truyền lửa và giữ hồn cho nét văn hóa độc đáo của người đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Nghệ nhân Ay Bép cho biết ông bắt đầu làm quen với nghề làm tượng nhà mồ lúc hồi còn thanh niên. Thời đó, văn hóa làm tượng nhà mồ nở rộ khắp buôn làng, trở thành nghề hái ra tiền của nhiều người đồng bào. Bản thân Ay Bép trong một lần chứng kiến các nghệ nhân gạo cội trong bản đục, đẽo những khối gỗ khô cứng thành những hình hài đủ dạng nên Ay Bép thích, sau mê mẩn lúc nào không hay.

“Mình đến với nghề đục tượng nhà mồ cũng tình cờ lắm. Thời đó bạn bè ai cũng đi làm nương rẫy, mình cũng thế. Trong một lần đi chơi, thấy các già làng đục tượng hay, lại mang ý nghĩa văn hóa tâm linh nên mình mê và quyết tâm theo học từ đó”: nghệ nhân Ay Bép nói.

Đam mê là thế nhưng để trở thành một nghệ nhân không hề dễ như Ay Bép nghĩ. Chàng thanh niên Ay Bép thời đó hàng ngày gùi cơm gạo đi theo các thầy học nghề, sai gì Ay Bép cũng làm. Đến khi bắt đầu tập đẽo tượng, những vết rìu, dao cứa vào đôi bàn tay rỉ máu. Dù khó khăn nhưng Ay Bép không nản, hàng ngày vẫn cặm cụi, kiên trì theo học đến cùng.

Vốn thông minh, siêng năng, lại sẵn lòng đam mê nên Ay Bép sớm nổi trội trong nhóm người đi học nghề đẽo tượng và luôn được các thầy khen ngợi. Thấy học trò có tài, có duyên với nghề, các thầy bắt đầu chia sẻ “mối lái”, “đơn đặt hàng” cho Ay Bép làm.

Hơn 40 năm đẽo tượng nhà mồ, Ay Bép không nhớ mình đã đẽo bao nhiêu tượng, con số được ông ước tính lên đến hàng trăm, thậm chí cả nghìn. Không chỉ đục tượng cho người trong buôn làng, Ay Bép còn đi khắp các huyện, tỉnh để “nhận hợp đồng”. Công việc đẽo tượng nhà mồ ngoài giúp giữ gìn nét văn hóa của người đồng bào còn giúp Ay Bép trở nên giàu có. Năm 2006, Ay Bép vinh dự được mời ra Huế đẽo tượng nhà mồ phục vụ Festival Huế.

Ay Bép cho biết, các bức tượng chôn bên cạnh người chết có ý nghĩa riêng của nó như: “Tượng chim đậu ngà voi thể hiện sự giàu có của gia đình người chết, tượng chim công thể hiện vẻ đẹp của người dưới mồ, tượng ngà voi thể hiện sức mạnh của người chết khi còn sống…”. 
 
 
Nghệ nhân Ay Bép bên sản phẩm tượng “chim đậu ngà voi” do chính mình làm.

Tượng nhà mồ tuy chế tác đơn giản nhưng mang ý nghĩa văn hóa riêng, đòi hỏi kĩ thuật cao là biểu hiện của tâm tư, tình cảm không chỉ của cá nhân mà còn là của cộng đồng, nó vừa là cái đẹp của con người vừa là tiếng nói, hơi thở của người nghệ nhân.

Ông tâm sự: “Tượng nhà mồ dùng những công cụ đơn giản như rìu, con rựa để đẽo, gọt thành hình dáng, và chỉ chú trọng vào hình thể chung. Còn đồ gỗ mỹ nghệ được đục bằng đồ nghề, máy móc hiện đại nên thường tinh xảo. Dù tượng nhà mồ chỉ phác thảo hình tượng nhưng tượng phải có hồn, có nét, phải thể hiện được ý nghĩa của tượng, điều đó mới khó và đòi hỏi tay nghề cao”.

Tượng nhà mồ mang tính biểu trưng và ước lệ không nhầm lẫn với bất cứ nền điêu khắc dân gian nào khác. Ngoài ra, sự phong phú về các thể loại tượng cho thấy khả năng sang tạo và trí tưởng tượng tuyệt vời của các nghệ nhân thể hiện nỗi đau, khát vọng về sự hồi sinh từ cái chết, ước nguyện vĩnh hằng của con người.

Để tạc một tượng nhà mồ việc đầu tiên là phải chọn loại gỗ bền, dai, để tránh biến dạng, mục nát theo thời gian như gỗ mật, căm xe, cà chít… mỗi khúc gỗ dùng đục tượng dài khoảng 2.5 m, trong đó chôn xuống đất 1/3, phần còn lại đẽo, gọt thành hình. Gỗ được chọn phải là gỗ tốt để tránh bị nứt nẻ, làm hỏng hình dạng tượng khi chôn ở ngoài trời.

Nỗi lo về một nét văn hóa đang mất dần.

Trong suốt cuộc trò chuyện với PV, nghệ nhân Ay Bép đau đáu một nỗi lo là nghề làm tượng nhà mồ đang mai một dần và có nguy cơ biến mất trong tương lai.

Hiện nay do nhu cầu người đến thuê làm tượng nhà mồ ít nên nhiều nghệ nhân đã phải bỏ nghề đẽo tượng chuyển sang các nghề khác có thu nhập cao hơn để lo cho cuộc sống hàng ngày, hiện tại  số lượng người đẽo tượng nhà mồ trên địa bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có nhiều lí do, có thể do cuộc sống càng ngày khó khăn không có điều kiện làm, cũng có thể là do suy nghĩ thay đổi, có thể gỗ dùng làm tượng ngày càng hiếm, khó tìm hơn xưa và bản thân người làm tượng cũng thưa thớt.

Gia đình ông có 2 người con trai theo nghiệp làm tượng nhà mồ cũng vì nghề đẽo tượng nhà mồ đang ế nên nhiều lúc các con ông nản chí, định bỏ nghề nhưng ông vẫn kiên trì động viên con theo nghiệp cũng là giữ lại một nét văn hóa độc đáo của Tây Nguyên.

“Mình đã già, chỉ sợ sau này không còn ai để đẽo tượng nhà mồ. Bây giờ phải động viên con nối nghiệp để giữ gìn nét văn hóa độc đáo của đồng bào mình, lớp trẻ bây giờ không còn mấy người đam mê nghề này nữa nên việc bảo tồn và duy trì rất khó khăn”, Ay Bép chia sẻ.

Lắng nghe nghệ nhân Ay Bép tâm sự về số phận sau này của nghề đẽo tượng nhà mồ mà trong lòng chúng tôi cũng nao nao buồn, tiếc cho một nét văn hóa độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc Tây Nguyên đang dần mai một và có nguy cơ biến mất trong tương lai.

 

Nguyễn Phương Nam

 

    Nguồn: tamnhin.net

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ