A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chuẩn bị cho... voi sinh con

10:17 | 21/08/2017

Sau nhiều năm Đắk Lắk không có voi nhà sinh sản, giấc mơ bảo tồn đàn voi nhà tưởng chừng lụi tàn, nhưng nay đã “sống lại” khi một voi cái mang bầu đang chờ ngày sinh nở....

...Để đáp ứng điều kiện cần thiết cho voi sinh con, những người làm công tác bảo tồn đang tất bật với công tác chuẩn bị.   

Tại Hội thảo quốc tế về voi tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột tháng 1-2017, Trung tâm Bảo tồn voi đã công một thông tin rất vui đối với công tác bảo tồn đàn voi là đã có một voi cái trên địa bàn mang thai được hơn 1 năm. Con voi mang bầu tên  Ban Nang (38 tuổi) của ông Y Mứ Bkrông ở buôn M’Liêng (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk). Thông tin trên khiến các đại biểu ai cũng rạng ngời niềm vui, bởi vài chục năm trở lại đây đã không có con voi nhà nào sinh con và nhiều chuyên gia trước đó đã cho rằng: Nếu voi nhà không sinh sản thì 20 năm nữa Đắk Lắk vắng bóng voi nhà.

Chăm sức khỏe cho “bà bầu” voi

Để chăm lo sức khỏe cho “bà bầu” voi này, từ cuối năm 2016, Trung tâm Bảo tồn voi đã gặp gỡ gia đình chủ voi, vận động gia đình dừng việc chở khách du lịch, thả voi vào kiếm ăn trong rừng và làm các thủ tục hỗ trợ kinh phí cho voi mang bầu theo quy định. Voi Ban Nang đã được tháo bỏ chiếc bành to tướng, nặng nhọc trên lưng, được về với rừng ăn uống và nghỉ ngơi, dưỡng thai. Ngoài thức ăn kiếm trong rừng, gia đình còn cắt cử người hàng ngày vào cắt chuối cho voi ăn thêm, dẫn voi đi uống nước. “Đây là lần đầu tiên voi mang bầu, gia đình cũng rất bối rối trong việc chăm sóc, nhưng được sự hỗ trợ tận tình của các cán bộ Trung tâm Bảo tồn voi nên mới yên tâm được cho voi nghỉ ngơi để voi mẹ lẫn voi con được khỏe mạnh. Từ khi voi Ban Nang nghỉ làm du lịch, gia đình đã mất một nguồn thu kha khá, nhưng nay đã có thể yên tâm vì Trung tâm Bảo tồn voi đã hoàn thành hồ sơ đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ với số tiền 603 triệu đồng”, anh Y Mứ Bkrông cho hay.

Voi Ban Nang đã mang thai khoảng 20 tháng. Ảnh: P. Thịnh

Nàng voi Ban Nang có bầu, đối với những người làm công tác bảo tồn voi là cả niềm vui khôn xiết, niềm hy vọng lớn để tái sinh đàn voi nhà, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít trăn trở, lo lắng. Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi chia sẻ: Từ khi thành lập đến nay, đây là lần đầu tiên có một voi nhà mang bầu nên cán bộ, nhân viên Trung tâm cũng chưa có kinh nghiệm thực tế trong chăm sóc voi mang thai. Đặc biệt, voi Ban Nang đã lớn tuổi nên chuyện sinh nở sẽ gặp không ít khó khăn. Do đó công tác chuẩn bị cho voi sinh sản dự kiến vào tháng 9-2017 được triển khai hết sức chặt chẽ. 

Tìm “bà đỡ” cho voi

Việc đầu tiên để chuẩn bị cho voi “vượt cạn” là phải lựa chọn một khu rừng yên tĩnh, cách xa khu dân cư để đưa voi về sinh sống. Khu rừng được lựa chọn thuộc tiểu khu 1341 (do Ban quản lý Rừng Lịch sử - Văn hóa - Môi trường hồ Lắk quản lý) - đây là một ốc đảo nằm ở giữa hồ Lắk không khí mát mẻ, yên tĩnh. Một điều quan trọng mà Trung tâm đặc biệt chú ý là với tập tính của voi sống bầy đàn ở ngoài tự nhiên, khi sinh con sẽ có các voi khác trong đàn “đỡ đẻ”, làm tổ cho voi con. Do đó, trong lần sinh hạ đầu tiên này voi Ban Nang rất cần một voi cái có kinh nghiệm để làm “bà đỡ” hướng dẫn, giúp đỡ và giúp giảm căng thẳng trong giai đoạn này. Tìm hiểu qua các chủ voi, nài voi ở huyện Lắk, Trung tâm Bảo tồn voi được biết một thông tin hết sức quý báu, voi Ban Nang mất mẹ khi còn nhỏ và được voi cái H’Băn (55 tuổi) chăm sóc nên 2 voi này luôn thân thiết, gắn bó như mẹ con, việc chọn H’Băn làm “bà đỡ” cho Ban Nang là hợp lý. Khi chủ voi chấp thuận cho Trung tâm thuê, voi H’Băn được đưa về sinh sống cùng voi Ban Nang. Trong khu rừng Ban quản lý Rừng Lịch sử - Văn hóa - Môi trường hồ Lắk, hai con voi nhanh chóng thân thiết, quấn quýt, voi Ban Nang vui vẻ hơn từ khi có H’Băn đến ở cùng. Cùng với đó, Trung tâm cũng cử cán bộ thay nhau cùng với chủ voi túc trực theo dõi, chăm sóc “bà bầu”.

“Đơn vị cùng các chuyên gia trong và ngoài nước đã lên kế hoạch đỡ đẻ với nhiều phương án được đặt ra nhằm kịp thời xử lý những tình huống xảy ra trong quá trình voi sinh sản. Ngoài ra, khi voi Ban Nang sinh, sẽ có các chuyên gia nước ngoài đến để theo dõi, hỗ trợ”, ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi cho biết thêm.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 44 con voi nhà, trong đó có 25 con voi cái và 19 con voi đực. Số voi còn trong độ tuổi sinh sản là 25 con gồm 16 voi cái và 19 voi đực. Trung tâm Bảo tồn voi đang triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu khả năng sinh sản trên voi thuần dưỡng tại Đắk Lắk”, trong đó chú trọng việc lấy mẫu máu voi cái, xác định chu kỳ động dục và thời gian rụng trứng rồi thông báo cho chủ voi biết, triển khai ghép cặp với voi đực giao phối để nâng cao khả năng đậu thai.


Vạn Tiếp

 

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ