A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Độc đáo những bộ sưu tập vốn văn hóa bản địa

06:21 | 26/09/2013

Tìm kiếm, sưu tầm và lưu giữ lại tất cả những gì thuộc về vốn văn hóa của các tộc người bản địa Tây Nguyên là đam mê của nhiều người.

Họ làm việc đó với nhiều mục đích khác nhau: để chơi, nghiên cứu, bảo tồn… hay cho dù bất kỳ lý do nào đi nữa thì cũng đáng được khích lệ, nhất là đối với người dân tộc thiểu số tại chỗ.

Ở buôn Kon H’rin (Cư M’gar), ông A Wét đã âm thầm sưu tập được khá đầy đủ các loại nhạc cụ của dân tộc Sê đăng sinh sống nơi đây từ những năm 70-75 của thế kỷ trước. Nào là kèn Klông Pút, R’wai, đàn T’rưng… được ông xin, hoặc mua từ Dak Tô, Tân Cảnh (Kom Tum) về và gìn giữ cẩn thận như  báu vật. A Wét tâm sự: khách đến thăm nhà, thấy thích thì lấy xuống chơi, rồi thi thoảng ông lại tặng cho ai đó thật sự hiểu biết và trân trọng vốn văn hóa độc đáo này. Anh A Man-Phó phòng VH-TT huyện Cư M’gar chia sẻ thêm: ông làm việc đó cũng vì cộng đồng, từ những nhạc cụ truyền thống ấy, người Sê Đăng muốn gửi thông điệp chân thành đến với mọi người. Điều mà nghệ nhân này tâm niệm là qua bộ sưu tập nhạc cụ truyền thống của mình sẽ giúp con cháu, bạn bè chung quanh hiểu thấu đáo và trọn vẹn hơn vốn văn hóa của dân tộc mình. Và cũng từ ý thức gìn giữ cội nguồn  ấy, ông A Wét đã “truyền lửa” đam mê đến cho bao thế hệ người Sê Đăng ở dưới chân núi Cư M’ley M’nông này. Những cuộc liên hoan văn hóa-văn nghệ được huyện Cư M’gar tổ chức hàng năm, bao giờ điệu kèn, tiếng đàn của ông đã dạy cho lớp trẻ dự thi luôn thu hút mọi người. A Man khẳng định: việc làm và đam mê của ông A Wét đã thật sự mở ra cánh cửa giao lưu, hội nhập…, giúp mọi người tiếp cận và hiểu biết sâu sắc hơn hình ảnh con người Sê Đăng với vốn văn hóa lâu đời và hết sức đặc sắc của họ.

Du khách đến ngôi nhà sàn của Y Thim để thưởng thức diễn tấu nhạc cụ truyền thống.

Cùng suy nghĩ ấy, nhiều người như ông Y Ngoan Êban (buôn Kô Tam), Y Thim Byă (buôn Ea Bông-xã Cư Ê bur), Y Kít Ê Nuôl (buôn Chua Káp), Y Nắc (buôn Tu) và Y Míp (buôn Kô sia)-TP. Buôn Ma Thuột cũng đều có chung niềm đam mê trên. Họ cho rằng, sưu tập, gìn giữ chiêng, ché và nhiều loại nhạc cụ của ông bà để lại là cách bảo tồn và phát triển di dản văn hóa của dân tộc mình một cách tự thân và hữu hiệu nhất. Một số ít trong đó như Y Thim, Y Míp tỏ ra năng động và thiết thực hơn khi kết hợp việc sưu tập, gìn giữ vốn văn hóa này với hoạt động biểu diễn phục vụ du khách có nhu cầu thưởng lãm dưới hình thức tổ chức trọn tour văn hóa-ẩm thực tại gia đình, hoặc từng sô diễn riêng lẻ tại các nhà hàng, khách sạn… hay tụ điểm sinh hoạt công cộng trên địa bàn Buôn Ma Thuột. Y Thim thừa nhận: niềm đam mê, trân trọng vốn văn hóa của cha ông mình và lấy đó làm kế sinh nhai là điều đáng khuyến khích, tự hào... Những giá trị văn hóa đó đang nuôi sống họ - và ngược lại, chính họ đã làm thăng hoa thêm cho những giá trị văn hóa ấy bằng sự hiểu biết và nỗ lực của mình trước đời sống hiện đại đang lấn lướt.

 Ở một khía cạnh khác, ông Y Míp cho rằng: từ sự hụt hẫng, thiếu chân thật trong việc mở ra không gian văn hóa của các tộc người bản địa cho bạn bè hiểu biết và cảm nhận thêm, thì việc một số cá nhân tự thân tích cực sưu tầm, gìn giữ các giá trị văn hóa đó, để nó không còn bị thất lạc, hay méo mó trong con mắt mọi người là điều đáng quan tâm, khích lệ. Ở TP. Buôn Ma Thuột hiện nay có gia đình Y Míp là địa chỉ hấp dẫn và tin cậy cho những ai say mê nghiên cứu, thưởng lãm cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống mà ông đã dày công sưu tập, gìn giữ được. Y Míp tự hào: cũng do du khách đã nhàm chán, quay lưng lại với các sản phẩm văn hóa bản địa “giả cầy”, hời hợt tại các tour du lịch văn hóa- sinh thái, cũng như tại nhiều tụ điểm giải trí trên địa bàn Dak Lak, nên nhiều người tìm đến đây để được nhìn thấy và thưởng thức vốn văn hóa của người Ê đê đúng nghĩa. Ngoài ra, ngôi nhà của Y Thim Byă (buôn Ea Bông - xã Cư Buar) cũng là điểm đến hấp dẫn nhờ những bộ sưu tập mà anh có được. Có thể nói, ngôi nhà dài của Y Thim được ví như một bảo tàng thu nhỏ. Ở đó có đủ cồng chiêng, nhạc cụ và cả dụng cụ sinh hoạt, sản xuất và săn bắn của các tộc người bản địa. Du khách đến không những được “mục sở thị” các giá trị văn hóa vật thể này, mà còn được nghe diễn tấu cồng chiêng, nghe hát Aray, hát kưưk, thổi đing buốt, đing năm tak tar, tù và, đing pah, đàn T’rưng… Và cái độc đáo của “điểm đến” này là ở chỗ, những nghệ nhân trong nhóm là người thân trong gia đình Y Thim và những người am hiểu văn hóa dân tộc Ê đê được mời từ buôn Ea Bông trực tiếp tham gia.

Rõ ràng, chính những nỗ lực để có được và nắm giữ vốn văn hóa của dân tộc mình ông Y Míp, Y Thim, A Wét và nhiều người khác nữa đã tạo nên sức sống, lan tỏa mới mẻ cho nền văn hóa bản địa nói chung trong tiến trình phát triển và hội nhập hiện nay. Điều đó cũng giống như việc muốn có một ngọn lửa thật sáng, thật to thì phải có củi thật nhiều. Bảo tồn và phát huy vốn văn hóa của bất kỳ dân tộc nào cũng vậy thôi, cần có những con người như thế!

Phương Đình

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ