A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cùng hành động để giữ gìn văn hóa dân tộc

08:03 | 15/01/2018

Tuần qua, Bộ VHTT&DL; đã công bố 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm 2017, đồng thời tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2018.

Lễ hội làng Diềm (Bắc Ninh). (Ảnh: Hữu Thái).

Những dấu son của ngành văn hóa thì đã được bình chọn, công bố. Nhưng dư luận vẫn còn băn khoăn về việc, nên chăng, bắt đầu từ năm nay, Bộ VHTT&DL cần bình chọn, công bố thêm những mặt hạn chế để mọi người đều biết, đồng thời có hướng khắc phục. Có như vậy, bức tranh toàn cảnh về văn hóa mới được nhận chân đúng đắn, để kịp thời có những căn chỉnh.

Thêm nhiều di sản được ghi danh

Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2018 diễn ra hôm 11/1 vừa qua, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết, năm 2017, nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO đưa ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nâng tổng số di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh lên 26.

Năm qua, thống kê cho thấy, di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là 228 (năm 2017 là 37 di sản). Ngoài ra, đã có 61.669 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê trên 62/63 tỉnh, thành phố; tổng số di tích quốc gia hiện có 3.447 di tích (năm 2017 thêm 55 di tích); di tích quốc gia đặc biệt là 95 (năm 2017 là 10 di tích); bảo vật quốc gia có 142 (năm 2017 là 24 bảo vật quốc gia).

Trong lĩnh vực Điện ảnh, năm 2017, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 3/5/2017 phê duyệt đề án Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Xây dựng Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển Điện ảnh; Tổ chức thành công LHP Việt Nam lần thứ XX và trao Giải thưởng Điện ảnh ASEAN lần thứ nhất… Cả nước hiện có 277 đội chiếu phim lưu động, phục vụ khoảng 12 triệu lượt khán giả vùng miền núi, hải đảo.

Nguy cơ mai một

Công tác sưu tầm, kiểm kê được thực hiện khoa học, bài bản sẽ giúp các địa phương nhận diện giá trị văn hóa điển hình của các dân tộc, phục vụ tốt việc bảo tồn và phát huy di sản, tránh nguy cơ mai một, biến đổi. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là văn hóa truyền thống của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một, biến dạng. Nhiều chính sách được thực hiện thông qua đề án, dự án còn thiếu nguồn kinh phí triển khai hoặc được đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu. Theo Giám đốc Sở VHTT&DL Đắk Lắk H’Lim Niê, những năm gần đây, do mặt trái kinh tế thị trường, không gian văn hóa cồng chiêng chịu tác động rất lớn.

Không ít thanh niên coi văn hóa cồng chiêng là lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp với hiện đại, không thiết tha với cồng chiêng và nhạc cụ do ông cha để lại. Do đó, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang đứng trước thách thức cần được bảo vệ khẩn cấp.

Bên cạnh đó, nhiều ngôi nhà dài đang bị người dân thay thế bằng chất liệu bê tông… Muốn bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa ấy cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ban, ngành, đặc biệt không thể không nói đến chuyện đầu tư kinh phí. Bà H’Lim Niê kiến nghị: “Trong khi kinh phí bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng của các tỉnh Tây Nguyên nói chung rất khó khăn, đề nghị Bộ VHTT&DL kêu gọi tài trợ cho bảo tồn phát huy, mở các lớp truyền dạy, xem xét cấp chiêng cho đồng bào dân tộc thiểu số...”.

Trong thực tế, những năm qua, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể dành cho văn nghệ sĩ, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số đã được tổ chức. Cụ thể, năm 2017, đã có 3 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho các dân tộc có số dân rất ít người tại Quảng Bình, Điện Biên, Cao Bằng; 2 lớp tập huấn tại Gia Lai. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, nên công tác tuyên truyền, truyền dạy chưa lan sâu, tỏa rộng khiến nhiều di sản văn hóa vẫn đứng trước sự mai một, nhiều mặt trái của văn hóa xuất hiện…

Theo ông Nguyễn Ngọc Ân- Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ, trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, điều quan trọng là phải bám vào cộng đồng, và các cấp chính quyền phải vào cuộc. Nếu chính quyền không ủng hộ thì không làm được. 

Không chỉ hứa hẹn, hãy hành động

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong năm 2018, Bộ VHTT&DL sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của ngành. Trong đó, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu, ban hành, đề nghị ban hành các nghị định, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực quản lý văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, sẽ không để những tồn tại của năm 2017 tái diễn trong năm 2018. Trong đó, ở lĩnh vực lễ hội, Bộ  sẽ có hội nghị triển khai công tác chuẩn bị Lễ hội 2018 để công tác quản lý  đi vào chiều sâu, khắc phục tồn tại, hạn chế của năm cũ. Lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn cũng sẽ được Bộ VHTT&DL tập trung chỉ đạo, để khắc phục những tồn tại trong cấp phép bài hát, thi hoa hậu, biểu diễn phản cảm... 

Liệu bức tranh văn hóa của năm 2018 sẽ sáng sủa hơn? Câu hỏi đó không dễ trả lời, khi cả nước đang chuẩn bị bước vào mùa lễ hội. Nếu không có những biện pháp kịp thời, sâu sát và quyết liệt thì một mùa lễ hội xấu xí lại có nguy cơ tái diễn. Và tiếp đó, những cuộc thi hoa hậu, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ… 

Hải Nhung

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ