A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sắc Xuân cao nguyên

09:28 | 11/02/2018

Mùa Xuân đã gõ cửa khắp muôn nơi. Trên cao nguyên Đắk Lắk, từ phố núi Ban Mê đến mỗi buôn làng, từng ánh mắt nụ cười mỗi người đều rạng ngời sắc Xuân…

Buôn làng đón Tết cổ truyền

Hơn 10 năm nay, cứ sau mỗi vụ thu hoạch cà phê, chị H’Thanh Êban (48 tuổi, ở buôn Cuôr Dăng B, xã Cuôr Dăng, huyện Cư M’gar) đều dành ra một khoảng tiền để sắm thêm đồ dùng sinh hoạt, mua quần áo mới cho các thành viên trong gia đình mặc đón năm mới. Chị H’Thanh chia sẻ, trước kia người Êđê chỉ có ngày vui, ngày sum họp cùng buôn làng trong các dịp lễ truyền thống như ăn mừng cơm mới, lễ cúng bến nước, cầu mưa, cầu mùa trước và sau mỗi vụ thu hoạch. Sau này sống hòa nhập với các dân tộc anh em, người Êđê có thêm niềm vui đón Tết cổ truyền. Tùy vào điều kiện kinh tế, mỗi nhà có cách sắm Tết khác nhau sao cho thật no đủ, ấm cúng. Tuy nhiên bánh chưng, bánh tét, dưa kiệu… là hương vị đặc trưng ngày Tết nên dù khó khăn hay bận rộn, người dân đều tự tay chuẩn bị chu đáo.

Du Xuân chợ hoa Tết.  Ảnh: H.Gia
Du Xuân chợ hoa Tết. Ảnh: H.Gia

Theo bà H’Clok Êban (68 tuổi, ở buôn Cuôr Dăng B), phụ nữ Êđê hầu như ai cũng biết gói bánh tét; nhưng để gói ngon, đẹp mắt và lâu bị hỏng thì chỉ có các bà, mẹ lớn tuổi khéo tay trong buôn mới làm được. Do vậy, họ thường hẹn nhau gói cùng một ngày rồi mang nguyên liệu đến nhà các bà, mẹ nhờ chỉ dẫn làm. Bánh gói xong còn phải nấu 2 ngày, một đêm, thức khuya thay nước, vớt bánh, đốt củi… rất nhọc công nhưng các chị vẫn thích làm hơn mua ngoài chợ. “Gạo nếp, đậu xanh tự trồng; heo nhà nuôi; lá chuối, dong có sẵn ngoài vườn; ta tự gói sẽ ngon hơn chất lượng. Hơn nữa, việc gói bánh còn thể hiện sự đảm đang của người phụ nữ nên Tết nào bà cũng làm và chỉ dạy con cháu làm theo”, bà H’Clok nói.

Một nét đẹp đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết của đồng bào dân tộc thiểu số là hòa tấu cồng chiêng. Ông Ama Rô Ni (buôn Tring 1, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) lý giải: Trong mọi cuộc vui – buồn của người Êđê đều có sự xuất hiện của tiếng cồng, tiếng chiêng. Khi lâng lâng trong men rượu cần, người dân sẽ mang cồng chiêng ra đánh làm cho cuộc vui càng thêm náo nhiệt. Người nào say mê tiếng chiêng sẽ tự tìm đến và cứ thế vòi rượu cần lần lượt chuyền hết người này đến người khác như tiếng chiêng vang vọng khắp núi rừng. Ông Ama Rô Ni nói: “Với tôi, Tết là dịp để người dân, nhất là nông dân có thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm nương rẫy vất vả; ông bà, con cháu trong gia đình, dòng tộc có cơ hội sum vầy; buôn làng càng thêm gắn kết nên phải chuẩn bị chu đáo. Trước Tết vài tháng, tôi đã thủ sẵn vài hũ rượu cần, nuôi nhiều heo, gà để đãi anh em, họ hàng. Người Êđê chúng tôi cũng không coi trọng việc xông đất, lì xì,  mừng tuổi nên tâm lý rất thoải mái, họ quý nhà ai thì đến chúc Tết tùy ý”.

“Cô đồ” phố núi

Sau thời gian dài trầm lắng, những tưởng thú chơi chữ, nghệ thuật thư pháp của người dân Đắk Lắk đã bị mai một. Song thời gian gần đây có sự xuất hiện của “cô đồ” Đinh Thị Huế, người dân phố núi có dịp chiêm ngưỡng những bức thư pháp đầy ý nghĩa.

 “Cô đồ” Đinh Thị Huế.
“Cô đồ” Đinh Thị Huế.

Đến nhà chị Đinh Thị Huế (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) ta như lạc giữa “rừng” thư pháp được viết trên nhiều chất liệu khác nhau như giấy, mành trúc, miếng gỗ… Chị Huế hiện đang là giáo viên dạy môn Mỹ thuật, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột), nhưng rất đam mê nghệ thuật thư pháp. Năm 2017, chị xuống TP. Hồ Chí Minh tìm thầy học chữ. May mắn được một gia đình người Hoa tận tình truyền dạy kỹ thuật vận bút (bút pháp) cùng với sự thông minh, sáng dạ của mình, chị Huế đã làm chủ được cây bút, vẽ nên những nét chữ thư pháp đầy sắc sảo.

Thời gian đầu, chị hay viết tặng bạn bè, người thân, ai được cho chữ cũng đều thích thú và gọi chị là “cô đồ” phố núi. Dần dần, nhiều người từ tò mò đến yêu mến kiểu chữ “rồng bay phượng múa” đã tìm đến chị đặt viết vài chữ ý nghĩa để treo trong nhà và làm quà tặng nhau trong năm mới. Không chỉ khách trong tỉnh mà nhiều người ở tỉnh khác như Gia Lai, Đắk Nông, TP. Hồ Chí Minh… cũng nhờ chị viết thư pháp. Những chữ khách thường đặt viết là: Tâm, Nhẫn, Phúc, Lộc, Thọ, Bình an… với mong ước mọi điều tốt đẹp, may mắn nhất sẽ đến với người thân yêu của mình; hoặc là những câu đối, ca dao, tục ngữ nói về hiếu nghĩa, đạo pháp, tình yêu quê hương đất nước. Có người thích viết trên giấy, có người lại thích viết mành trúc, miếng gỗ. Trong đó, thư pháp viết trên gỗ cần đầu tư thời gian, công sức nhiều nhất. Chị Huế cho hay, điều thú vị nhất ở thư pháp là sự phóng khoáng, người viết tha hồ phóng bút, thả bút để thể hiện cái thần trong từng con chữ. Tuy nhiên khi cầm bút, người viết phải nhập tâm, cẩn trọng từng nét chữ, bởi mỗi chữ viết ra không chỉ thể hiện tài hoa của người viết mà còn là hoài bão, ước vọng đầu Xuân của người xin chữ.

Mong muốn nghệ thuật thư pháp truyền thống của người Việt “sống lại” trên mảnh đất Buôn Ma Thuột, Tết Mậu Tuất 2018 này, chị Huế quyết định cho chữ từ thiện tại Tịnh Xá Ngọc Ban (đường Nguyễn Văn Cừ, phường Tân Lập) vào lúc 8 giờ 30 phút, Mùng một Tết. Chị Huế tâm sự, xin chữ đầu năm là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội… ngày Tết thường có phố ông đồ cho người dân xin chữ, hái lộc. Còn ở Đắk Lắk chưa có nên chị muốn khôi phục, truyền lửa đam mê thư pháp cho người dân nơi đây, vừa gây quỹ cho Tịnh Xá. Chị đã chuẩn bị bút mực, giấy, mành trúc cho buổi viết thư pháp, người dân nào muốn xin chữ gì, viết trên chất liệu nào chị sẽ vui lòng đáp ứng, tiền công thì tùy phát tâm của mỗi người gửi vào hòm công đức…

Huỳnh Thủy – Djuang Niê

    Nguồn "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ