A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lại chuyện đốt vàng mã

08:44 | 11/03/2018

Một lần nữa, câu chuyện hạn chế, thậm chí loại bỏ tục đốt vàng mã khỏi các cơ sở thờ tự Phật giáo được đặt ra, khiến nhiều người quan tâm. Quả thực, nhìn lại tập tục này trong đời sống văn hóa, chúng ta không khỏi quan ngại.

1. Đầu mùa lễ hội năm nay, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Theo đó, tại Công văn số 31 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký, đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trị các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường) nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hóa tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo.

“Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam”- công văn nêu rõ.

Đồng thời, công văn cũng nhấn mạnh, trong các bài giảng tại các tự viện cần chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội, lan toả giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn.  

Trên trang web chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Tố Liên bày tỏ, với quan niệm thông thường, sau cái chết, con người cũng có một đời sống, cũng có các nhu cầu như khi đang ở dương thế. Một số người vì quá thương tiếc người thân đã mất, sắm đủ thứ vàng mã để đốt cúng nhân ngày giỗ hoặc các dịp lễ để người ở đã chết sử dụng ở cõi âm. Việc làm đó đôi khi thái quá, người ta có thể sắm vàng mã với hình dáng nhà lầu, xe hơi, máy lạnh, điện thoại di động, tiền mô phỏng đô la Mỹ… để cúng cho người đã chết. Hòa thượng Tố Liên khẳng định Đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên. 

“Tại sao ngày Rằm tháng Bảy là ngày lễ trọng thể của Phật giáo mà thấy một số tín đồ nhà Phật đốt rất nhiều vàng mã để cúng gia tiên. Xin hỏi giới trí thức Việt Nam hiện tại tìm thấy Phật giáo và Nho giáo dạy về thuyết đốt vàng mã ở kinh sách nào?”- Hòa thượng Tố Liên băn khoăn.

2. Quan sát mùa lễ hội năm nay, đặc biệt là trong dịp dâng sao giải hạn vừa qua, hoặc ở một số giá đồng, người ta thấy việc lạm dụng đốt vàng mã không chỉ gây tốn kém, lãng phí, hủy hoại môi trường mà còn làm sai lệch ý nghĩa, đồng thời cho thấy nhiều người quá mê tín.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, trong quá trình phát triển, tục đốt vàng mã đang dần đi xa khỏi mục đích ban đầu tốt đẹp của nó, và đến bây giờ thì đã trở nên thái quá. Ngày xưa các cụ dạy “lễ bạc tâm thành”, đốt vàng mã là để con cháu nhớ đến tổ tiên, mong tổ tiên có được cuộc sống an lành ở thế giới bên kia, cầu mong và cũng là báo cho tổ tiên biết là con cháu sống yên ổn, ăn nên làm ra.

“Nhưng bây giờ ý nghĩa tốt đẹp đó đã nhường chỗ cho sự mê tín, cho rằng càng đốt nhiều càng được nhiều tài lộc, ganh đua nhau để đốt, “con gà tức nhau tiếng gáy”, nhà giàu có, nhà khó cũng cố theo, dẫn đến sự thái quá tràn lan trong toàn xã hội. Nhiều khi người ta quan niệm lễ vàng mã nhà mình phải to hơn nhà khác, nhưng tâm chưa chắc đã thành. Điều nguy hại nhất không phải là kinh tế, hay môi trường, mà là mê tín, và đang ngày càng bùng phát. Sự mê tín sẽ dẫn đến kém cỏi về mọi mặt”- ông Vĩ nhấn mạnh.

Chính vì vậy, nhà nghiên cứu văn hóa này cho rằng, việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra công văn đề nghị loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa phật giáo Việt Nam là việc làm cần thiết. “Công văn này tuy muộn nhưng thà muộn còn hơn không”- nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nhận xét.

Đồng quan điểm này, đại đức Thích Không Nhiên- Phó thư ký Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho rằng, “đề nghị này là quá cần thiết, và lẽ ra công văn này phải được gửi sớm hơn nữa. Tuy nhiên, công văn cũng chỉ có tính chất đề nghị và chỉ áp dụng đối với các cơ sở Phật giáo trực thuộc sự quản lý của Giáo hội, chỉ đề nghị và không có chế tài, vì Giáo hội không có quyền hạn đó. Quyền đó là của Nhà nước.

“Nếu nhà chùa kêu gọi đừng cúng vàng mã, mà vàng mã vẫn cứ sản xuất, vẫn cứ mua bán như một mặt hàng bình thường, vẫn được cấp phép sản xuất, mua bán thì công văn của Giáo hội Phật giáo cũng không có tác dụng nhiều. Phải thấy rằng sự biến tướng của vàng mã là một vấn nạn xã hội chứ không phải chỉ là hiện tượng cá biệt xảy ra tại các cơ sở thờ tự hay các chùa”- đại đức Thích Không Nhiên nhấn mạnh, đồng thời cho rằng: Nếu chỉ một mình Giáo hội Phật giáo lên tiếng mà không có giải pháp quyết liệt của Nhà nước thì tình hình vẫn như cũ trong các mùa lễ hội năm sau.

3. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cũng đã nêu rõ quan điểm của Bộ VHTTDL là hoàn toàn hoan nghênh và ủng hộ. Theo bà Thủy, trong những năm gần đây, Bộ VHTTDL đã tích cực tuyên truyền, thuyết phục, vận động để cộng đồng nhận thức đầy đủ để hạn chế đốt vàng mã trong đời sống đương đại. Bộ cũng đã có những văn bản hướng dẫn hoặc những quy định về việc đề nghị người dân khi tham gia lễ hội hoặc các hoạt động tại các cơ sở, di tích… hạn chế đốt vàng mã. 

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, về phía cơ quan quản lý, Bộ cũng đã có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ về việc hạn chế đốt vàng mã ở một số lễ hội cũng như di tích. “Đặc biệt, trong những năm gần đây có những di tích đốt quá nhiều vàng mã và dư luận đã có phản ánh gay gắt. Chúng tôi đã giao cho các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương nghiên cứu để đề xuất một số giải pháp cụ thể  - bà Thủy nói và cho biết: “Một số nơi như đền Bà chúa Kho (Bắc Ninh), chúng tôi đã có những chỉ đạo rất cụ thể để hạn chế đốt vàng mã và ở đây đã có những chuyển biến”.    

Thúy Hiền

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ