A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Người giữ hồn nhạc cụ tre truyền thống Ê Đê

10:56 | 03/04/2018

Nghệ nhân Ama H’Loan (hay Y Bông Niê), buôn Ako Dhong, phường Tân Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được nhiều người biết đến nhờ tài chế tác nhạc cụ truyền thống, dân gian của dân tộc Ê Đê.

Tư chất của nghệ sỹ bẩm sinh

Ông vốn sinh ra và lớn lên ở buôn làng người Ê Đê thuộc xã Cư Pơng, một xã thuộc vùng sâu của huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. Tuy nghèo nhưng bà con nơi đây lại có đời sống văn hóa, tinh thần vô cùng phong phú, đậm bản sắc dân tộc. Trong ký ức của ông, những lễ hội truyền thống ở buôn làng khi dựng nhà rông, khi mừng lúa mới hay lễ trưởng thành, lễ bỏ mả, những đêm dài nghe kể khan mà nhạc cụ truyền thống không thể vắng mặt đã thấm vào ông từ khi còn bé.

 

Nghệ nhân Ama H’Loan diễn tấu đing năm do chính mình chế tác với nguyên liệu bằng gỗ. Ảnh: Thanh Hà

Bằng đôi bàn tay khéo léo và niềm đam mê của mình đối với nhạc cụ truyền thống, ông chịu khó học hỏi, tìm hiểu từ nghệ nhân lớn tuổi. Hơn 10 tuổi, ông đã chế tác được những nhạc cụ tre nứa đầu tiên. Khi trưởng thành, tham gia làm cách mạng và đảm nhiệm những công việc khác nhau, ông không chỉ giữ được niềm đam mê ấy mà còn bồi đắp thêm bằng sự học hỏi không ngừng của mình.

Âm nhạc truyền thống song hành cùng ông trên mọi nẻo đường. Những năm kháng chiếng chống Mỹ cứu nước, khi bước vào tuổi trưởng thành, chàng trai trẻ Ama H’Loan tự nguyện tham gia làm giao liên, làm công tác dân vận và trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ vùng căn cứ kháng chiến. Năm 1969, ông được ra miền Bắc học tập, đến năm 1972 trở lại chiến trường Tây Nguyên tiếp tục tham gia kháng chiến. Sau giải phóng, ông làm Phó Bí thư Tỉnh Đoàn và công tác ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk đến năm 2000 thì nghỉ hưu.

Được đi nhiều, ông có điều kiện tiếp xúc, học hỏi về nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê nói riêng, nhạc cụ của các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung. Ông cẩn thận chép lại những điều cần thiết để lưu giữ. Nhờ đó, ông là người am hiểu và nắm vững cấu trúc cũng như diễn xướng nhạc cụ truyền thống, dân gian từ tre nứa đến cồng chiêng Ê Đê.

Lúc đầu, để hoàn thành một nhạc cụ có âm thanh chuẩn, ông phải làm đi làm lại nhiều lần. Sau đó, ông chỉ cần ước lượng bằng mắt và dùng tay để đo những vị trí cần khoan lỗ thoát âm hay thông hơi và khoảng cách dài, ngắn của ống nứa làm nhạc cụ mà không cần đến thước. Trong đó, việc khoét lỗ tạo âm trên mỗi ống nứa hoặc trúc phải tuyệt đối chính xác, nếu sai lệch vị trí các lỗ là sai âm.

Ông cho biết, bí quyết để có được nhạc cụ chuẩn về hình dáng chất lượng và âm thanh là “ống nứa làm nhạc cụ phải chọn không quá già với độ mỏng cần thiết để có độ vang lớn. Nếu nguyên liệu già quá sẽ cứng, khó chế tác. Nếu non thì âm thanh bị méo và hình dáng dễ biến dạng. Quả bầu chọn làm nhạc cụ phải là giống bầu truyền thống có kích thước và độ già vừa đủ, được để khô tự nhiên”.

Ông là một trong số rất ít nghệ nhân Ê Đê không chỉ có hiểu biết sâu rộng về nhạc cụ truyền thống, dân gian Ê Đê mà còn là người chế tác, diễn tấu hầu hết những nhạc cụ này. Sự thuần thục của ông trong việc chế tác cũng như diễn tấu nhạc cụ là kết quả của một quá trình dài lâu tìm tòi, thử nghiệm.

Để âm nhạc truyền thống Ê Đê lan tỏa

Theo thời gian, bằng sự quan sát và học hỏi của mình, Ama H’Loan đã tích lũy được vốn hiểu biết sâu rộng về việc chế tác nhạc cụ truyền thống của cha ông để lại. Cũng từ những nguyên liệu tự nhiên thô sơ như tre nứa, gỗ, quả bầu khô, sừng trâu… và con dao sắc, ông đã làm sống dậy những nhạc cụ ngủ quên trong trí nhớ nhiều người Ê Đê như đing năm, ching kram…

 

Nghệ nhân Ama H’Loan chế tác đing năm. Ảnh: Thu Loan

Ông chế tác cũng như diễn tấu thuần thục các nhạc cụ tre nứa: đing năm, đinh tắk, đing tăkta, đĭng buôt, ching kram, t’rưng, kipăh (tù và), đing klut… Đến nay, ông không nhớ mình đã làm nên bao nhiêu nhạc cụ, phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở buôn làng mình, bán cho du khách và các đoàn nghệ thuật trong tỉnh.

Đặc biệt, ông là người đầu tiên sử dụng gỗ xoan, gỗ hương, gỗ tắc để chế tác kipăh (tù và) để thay thế sừng trâu. Những chiếc kipăh của ông chế tác bằng nguyên liệu này có âm thanh không kém so với làm bằng sừng trâu.

Ông là người được Bảo tàng Đắk Lắk nhờ chỉnh chiêng, phục chế nhạc cụ và là người giới thiệu với du khách về các sản phẩm nhạc cụ dân tộc Ê Đê trong phần trải nghiệm cùng nghệ nhân. Ngoài ra, nhờ khả năng thẩm âm chính xác và đôi bàn tay khéo léo, ông đã được tín nhiệm sửa chữa, hoàn thiện nhiều bộ chiêng hỏng ở các buôn làng trong tỉnh.

Năm 2014 khi được mời cùng các nghệ nhân ở Đắk Lắk sang biểu diễn trong chương trình Festival âm nhạc dân gian quốc tế Sommelo tại Phần Lan, ông đã mang theo một thùng to nhạc cụ và vật liệu tre nứa để giới thiệu văn hóa Ê Đê. Công chúng nước bạn đã vô cùng thích thú và thán phục trước những nhạc cụ đơn sơ và khả năng diễn tấu của ông.

Từ năm 2015 đến nay, vợ chồng ông cùng con gái tham hoạt động hàng ngày, giới thiệu những nét văn hóa tiêu biểu của người Ê Đê tới du khách tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Nhờ sự tích cực của ông, nhạc điệu truyền thống, dân gian của người Ê Đê từ những nhạc cụ do ông chế tác và diễn tấu lại vang, lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở buôn làng quê hương ông. Đã 80 tuổi, ông vẫn nhiệt huyết: “Đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để các dân tộc anh em, du khách khắp mọi nơi biết được cái hay cái đẹp của văn hóa Ê Đê chúng tôi. Làm nhạc cụ để những vốn quý của cha ông không bị ngủ quên”.

Ths. Đào Thu Loan

    Nguồn:langvietonline.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ