A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nỗ lực phát huy giá trị Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột (Kỳ 1)

13:56 | 29/10/2018

Nhà đày Buôn Ma Thuột ngày càng được nhiều người biết đến nhờ những giá trị lịch sử đặc biệt.

.Hiện chính quyền địa phương đang nỗ lực đầu tư, tôn tạo và từng bước phát huy giá trị của di tích này nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững và hiệu quả hơn.

Kỳ 1: Hướng tới cấp Di tích Quốc gia đặc biệt

Năm 1980, Nhà đày Buôn Ma Thuột được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) đặc cách công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Theo ông Trần Hùng, Trưởng Ban quản lý di tích tỉnh, do đặc cách nên hồ sơ về di tích này không được đầy đủ và khoa học lắm. Đến nay, Bộ VH-TT-DL đồng ý cho phép tỉnh lập hồ sơ khoa học gửi cấp thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt nên đã gặp không ít khó khăn. Nghĩa là phải làm lại từ đầu theo hướng dẫn của Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL), trong đó quan trọng nhất là phải thể hiện rõ tính chất, giá trị lịch sử nổi bật và đặc biệt của nó, cũng như xây dựng phương án bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích một cách khả thi.

Khu vực lõi Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột

Để làm được việc đó, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tiến hành triển khai nhiều hoạt động thiết thực và cấp bách như lấy ý kiến thống nhất khoanh vùng bảo vệ di tích trên; nghiên cứu, thu thập, củng cố các yếu tố lịch sử gốc cấu thành di tích và mới đây là tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột” với sự tham gia của các bộ, ngành, cơ quan chức năng cũng như nhiều nhân chứng lịch sử còn sống trên địa bàn cả nước. Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đây thực sự là diễn đàn để những ai có trách nhiệm và giàu tâm huyết tham luận, góp ý và tranh biện nhằm thống nhất, khẳng định vấn đề quan trọng nhất là giá trị lịch sử đặc biệt của di tích này nằm ở đâu, được nhìn nhận như thế nào trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc của nhiều thế hệ cách mạng tiền bối? 

 

“Nhìn lại giá trị lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột để thấy được những bước ngoặt chuyển biến đáng nhớ của cách mạng Việt Nam, gắn với nhiều nhân vật lịch sử tiêu biểu như Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Võ Chí Công, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Trần Hữu Dật - những chiến sĩ cộng sản đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh hơn”.

 
 
TS. LÊ HỒNG QUÝ, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia

Từ yêu cầu và cách đặt vấn đề trên của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, nhiều ý kiến và góc nhìn của các chuyên gia, nhà quản lý, nghiên cứu lịch sử - văn hóa lẫn người trong cuộc được đưa ra khá sâu sắc và toàn diện về sự đặc biệt của di tích này. Phó GS,TS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định, sự đặc biệt của nó đã nằm trong tên gọi - Nhà đày Buôn Ma Thuột. Với thiết chế cai trị hà khắc của chế độ thực dân Pháp tại các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 thì nhà đày là một trong năm hình thức quản lý, giam cầm những người yêu nước bản xứ tàn khốc nhất (trên cả khám – lao – ngục – tù) mà kẻ thù đã đặt ra trên toàn cõi Đông Dương vào thời kỳ ấy.

Theo ông Trần Hữu Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (con trai của cụ Trần Hữu Dật), tính chất đặc biệt của Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột còn thể hiện ở chỗ: Trong hoàn cảnh bị đày ải, khổ sai như vậy, nhưng hầu hết tù chính trị ở đây vẫn nêu cao tinh thần yêu nước. Họ đã biến nơi giam cầm, xiềng xích ấy thành “Trường học lớn về cách mạng”, đấu tranh trực diện với kẻ thù dưới nhiều hình thức, đối sách cụ thể và phù hợp, trong đó cuộc duyệt binh ngay tại Nhà đày Buôn Ma Thuột vào đầu tháng 1-1944 là một trong những điển hình tiêu biểu. Ông Trần Hữu Thắng nhấn mạnh sự kiện này là “có một không hai” trong hệ thống nhà tù của thực dân Pháp ở Đông Dương nói riêng và các nước thuộc địa trên toàn thế giới nói chung. Trong cuốn hồi ký “Những ký ức về Nhà đày Buôn Ma Thuột”, cựu tù chính trị Trần Hữu Dật (sau này trở thành Phó Thủ tướng của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa) nhớ lại, cuộc diễu binh lịch sử ngày ấy đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến với đồng bào, đồng chí khiến kẻ thù phải khiếp sợ trước sự nghiệp cách mạng lớn lao và vẻ vang của nhân dân ta.

Hội thảo khoa học về Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Có thể nói, từ nơi bị đày ải và khổ sai như thế, những chiến sĩ cộng sản cùng nhiều người yêu nước ở đây đã biến nó trở thành “Trường học lớn về cách mạng”, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là nét độc đáo và đặc biệt của Nhà đày Buôn Ma Thuột trong giai đoạn 1930 – 1954. Vì vậy, nhiều người cho rằng “địa chỉ đỏ” này xứng đáng được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt để con cháu hôm nay và mai sau tìm về tri ân, ngưỡng vọng.

(Còn nữa)

Đình Đối

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ