A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nghề đan lát của người Bru-Vân Kiều ở Ea Hiu

10:00 | 28/11/2018

Từ mây tre, với đôi bàn tay khéo léo của mình, người Bru-Vân Kiều ở xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc) đã tạo nên những sản phẩm đan lát đặc sắc, tinh tế và bền chắc, phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt gia đình.

Cùng với nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống khác, nghề đan lát bằng mây tre của người Bru-Vân Kiều đã có từ lâu đời. Từ mây tre, người Bru-Vân Kiều chủ yếu đan, tạo dáng, trang trí các vật dụng như: A chói (gùi), A dăng (gùi đeo nhỏ), A đư (dụng cụ để đựng dao đi rừng), Tà ving (mẹt sàng sảy), Pa điền sang (mâm đựng cơm), Tấp (dụng cụ đựng cơm đi rừng), Trùa (đơm cá), Xàng (gùi đeo có lỗ sưa để đựng củi)…

Bà Ruông bên "bộ sưu tập" những sản phẩm đan truyền thống của gia đình.

Để làm nên một sản phẩm đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ và trải qua nhiều công đoạn. Người Bru-Vân Kiều thường chọn những cây tre có độ tuổi từ 3 năm trở lên và tránh chặt vào mùa thu, mùa xuân bởi vì lúc này cây cối đang lên chồi non, thân yếu, nhiều nước dễ bị sâu mọt. Tre già được cho ngâm nước một thời gian cho săn chắc, phòng ngừa mối mọt, sau đó vớt lên, sấy khô rồi đem chế tác đan lát. Kỹ thuật đan lát của người Bru-Vân Kiều không khác mấy so với kiểu đan của người Kinh nhưng về hoa văn thì có nhiều điểm khác biệt do phối hợp các cách đan và có sự nhấn nhá khác nhau như: loại hoa văn sóng đuổi, bố cục chạy dọc trên A chói, Ta ving; hoa văn chữ V đơn tuyến nằm ngang và nằm dọc trên các A điền; hoa văn dây thừng lệch pha trên A chói….

Như mạch nước ngầm, nghề đan lát truyền thống vẫn âm thầm “chảy” trong cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở Ea Hiu. Đến buôn Tà Đỗq, hỏi thăm thì ai cũng biết vợ chồng ông Khâm thường gọi Pá Ruai, là người có thâm niên về nghề đan lát. Trong ngôi nhà sàn truyền thống, cứ chiều về, ông Khâm và vợ lại cùng nhau cặm cụi chuốt từng nan tre, tỉ mẩn đan từng sợi lạt làm thành những chiếc gùi, chiếc nia đẹp mắt, đủ mọi kích cỡ. Giới thiệu “bộ sưu tập” những sản phẩm đan lát do chính tay chồng mình làm nên, bà Ruông hào hứng kể: “Ông ấy đan đẹp lắm, cái gì cũng đan được, toàn bộ vật dụng trong nhà như gùi, đơm, khay mời cơm, nôi cho cháu ngủ… đều do tay ông làm. Mỗi đứa con dâu khi về nhà tôi đều được ông ấy đan tặng một cái gùi để đi rẫy”. Ngắm bộ sưu tập của ông bà chúng tôi không khỏi bất ngờ vì độ sắc sảo, đẹp mắt và chắc chắn thể hiện sự khéo léo của người tạo ra nó.

Người dân Bru-Vân Kiều vẫn thường xuyên đan lát trong các buổi lễ quan trọng

 

"Để làm nên những sản phẩm đẹp mắt, quan trọng nhất là kỹ thuật vót tre phải đẹp, mềm mại thì khi đan sản phẩm mới bóng và sắc sảo. Điều quan trọng nữa là tình yêu, niềm đam mê với nghề đan lát thủ công truyền thống gửi gắm vào từng nan tre, sợi mây...".

 
Ông Achuaih Dơ

Trong những người biết đan lát ở Ea Hiu mà chúng tôi gặp có ông Achuaih Dơ, ở buôn Tà Cỡng. Tuy đã ngoài 90 tuổi nhưng ông vẫn miệt mài với từng nan tre, sợi mây để tạo nên những vật dụng trong gia đình, mặt khác như để gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình. “Từ khi còn nhỏ tôi đã thấy ông nội và bố đan. Trong nhà lúc nào cũng có sẵn mây tre nên cái nghề ngấm vào người từ lúc nào không hay. Trước đây mọi người còn thích dùng đồ đan lát thủ công, nhưng bây giờ mọi người không dùng nhiều nữa, thỉnh thoảng mới có vài người đặt làm, khi cái lồng gà, khi cái gùi”, ông Achuaih Dơ tâm sự.

Theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại, nghề đan lát truyền thống của người Bru-Vân Kiều ở xã Ea hiu không còn phổ biến nhiều nữa mà chỉ còn tồn tại ở quy mô một số hộ gia đình. Do sự cạnh tranh từ các sản phẩm công nghiệp với mẫu mã đa dạng, tiện lợi hơn nên các sản phẩm đan lát truyền thống không còn được nhiều người lựa chọn như trước. Hơn nữa những người biết đan chỉ tập trung ở người lớn tuổi, còn thế hệ trẻ phải đi làm ăn và không mặn mà với nghề truyền thống. Trước thực tế ngày càng mai một nghề đan lát của người Bru-Vân Kiều, chị Niang Bích, cán bộ văn hóa - xã hội xã Ea Hiu cho biết: Chúng tôi vẫn thường tuyên truyền, vận động bà con ở 6 buôn có người Bru-Vân Kiều sinh sống cố gắng gìn giữ nghề truyền thống. Người già biết nghề hướng dẫn, truyền dạy cách đan lát các vật dụng đơn giản cho lớp trẻ, còn thế hệ trẻ thì chịu khó học, góp phần làm giàu thêm văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Thúy An

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ