A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chuyện những anh em một nhà - Kỳ 1: Một dân tộc chỉ thích… sống trên cao

11:33 | 15/02/2014

Từ ngày 15 đến 17-2 (tức 16-18 tháng Giêng năm Giáp Ngọ), tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội) sẽ diễn ra Chương trình ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”.

Ngày hội tái hiện nhiều lễ hội, nghi lễ mùa xuân của cộng đồng dân tộc thiểu số với sự tham gia của khoảng 250 người đại diện cho 10 cộng đồng dân tộc từ nhiều tỉnh sẽ đến tham dự.

 
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong các dân tộc sinh sống trên "dải đất hình chữ S”, người Mông là một cộng đồng khá lớn. Ngoài một số truyền thống văn hóa riêng biệt, người Mông còn được mệnh danh là dân tộc rất thích sống ở độ cao.
 
Vươn lên trong khắc nghiệt!
 
Không biết do bản tính bắt nguồn từ lịch sử thiên di của mình hay không, mà người Mông luôn tìm những miền đất thường có độ cao từ 800m trở lên làm nơi cư trú cho mình. Với độ cao này, như sự quy định nghiệt ngã của tự nhiên thì những phần đất ấy đều là nơi có khí hậu khắc nghiệt và không thuận lợi cho cuộc sống. Ấy thế mà không hiểu sao, người Mông vẫn thích và luôn có xu hướng tìm đến những miền đất ấy làm nơi sinh kế cho mình.
 
Trên những miền đất có độ cao này, phần lớn chỉ thích hợp cho sự sinh trưởng của cây ngô, nên người Mông đã lấy thứ cây này làm lương thực chủ yếu cho mình. Có người còn đưa ra nhận định, người Mông trước đây có tổ tiên sinh sống tại những vùng đồng bằng. Họ đã biết trồng lúa và lấy gạo làm thức ăn. Nhưng sau đó, trong những cuộc chiến, người Mông bị bại trận. Mất đất và bị xua đuổi, họ đành phải chọn những vùng đất cao, ít người sinh sống làm nơi cư trú. Đời này qua đời khác, bản lĩnh và sự thích nghi đã cho họ một thói quen luôn tìm lên độ cao để sinh sống.
 
Người ta bảo dân tộc Mông thuộc dân tộc mà tổ tiên gắn liền với những thiên di lớn lao cùng những biến cố của lịch sử. Điều này ghi dấu ấn lớn nhất và được thể hiện qua câu ca, bài hát và mảnh vải đỏ người Mông hay treo nơi cửa ra vào. Những bài hát của người Mông luôn mang âm hưởng của những man mác buồn và tủi. Ngay cả trong những khúc hát tìm vợ, tìm chồng của họ cũng vậy, nó cũng chẳng vui lên được. Vẫn gây cho người ta cảm giác buồn bằng những nốt trầm kể cả những người không biết và hiểu tiếng của họ. 
 
Còn mảnh vải đỏ treo nơi bậu cửa, bất cứ nhà người Mông nào cũng có thì cũng có rất nhiều ý kiến được đưa ra. Ban đầu người ta cho rằng, đó chỉ đơn thuần là "mảnh bùa” treo cửa để tránh tà ma như một số các dân tộc thiểu số ở khu vực phía Bắc khác. Nhưng sau nhiều tìm tòi, nghiên cứu, đã có ý kiến xác định rằng mảnh vải đỏ có nguồn gốc từ lần xé cờ để làm bảo vật nhận ra nhau khi người Mông bại trận trước đó cả ngàn năm. Mảnh vải đỏ này được người Mông giữ và khi gặp nhau, để nhận dân tộc họ sẽ đưa mảnh vải đó ra. Từ vật bảo bối trong sự bại trận và li tán này, sau người Mông đã lấy đó làm vật treo cửa để khẳng định dân tộc mình và vị trí ở của mình.
 
 
Thiếu nữ Mông trong ngày hội
 
Luật tục bảo lưu văn hóa
 
Theo ông Nguyễn Trung Thu, Phó giám đốc sở VHTT&DL Hà Giang, người Mông cũng như lịch sử và cuộc sống của họ luôn tạo ra những đam mê và có những trầm tích không thể "xới xáo” trong ngày một ngày hai. Xuất thân từ dân làm báo, giờ lên làm lãnh đạo một ngành liên quan đến văn hóa nhưng theo ông Thu mỗi khi tìm đến với cộng đồng người Mông, lúc nào cũng có những thú vị trong các chuyến đi. 
 
Đến với Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” lần này, tỉnh Hà Giang cũng như cộng đồng người Mông trên đây dự định sẽ đem đến những điều mới mẻ. Ngoài dệt thổ cẩm, lễ hội chơi núi, trổ tài nấu thắng cố thì họ sẽ đem về góp với Ngày hội một tập tục hết sức mới lạ đó là "vỗ mông kén chồng”. Đây là tập tục đã có, rất riêng biệt, vốn bị mai một trong nhiều năm và giờ được phục dựng lại.
 
Trong các dân tộc miền núi phía Bắc, hiện người Mông đang được coi là dân tộc có điều kiện để bảo lưu các giá trị văn hóa của mình. Ngoài tập quán cư trú xa, ít bị tác động với điều kiện bên ngoài thì nhiều người còn đưa ra nhận định người Mông còn bản sắc là do tập tục riêng biệt quy định. Quy định từ dụng cụ nhạc và trang phục dân tộc.
 
Không như các dân tộc khác đang đứng trước báo động về sự mai một trang phục dân tộc, thì người Mông lại hầu như đứng ngoại lệ. Theo ông Sùng Đại Dùng, một cán bộ thâm niên và rất uy tín của khối MTTQ thì tập tục người Mông quy định rất hà khắc về trang phục. Tập tục này quy định, tất cả những nam hay nữ Mông trước khi nhắm mắt xuôi tay để về với tổ tiên bắt buộc ai cũng phải có cho mình một bộ váy áo để mặc. Mà quan trọng là bộ váy áo ấy phải có mồ hôi và hơi hướng của cơ thể mình nên không thể dùng đồ mặc mới được. Phải có bộ trang phục này thì khi chết, người Mông mới được qua cửa trời và mới được tổ tiên nhận họ hàng. Vì tập tục nên việc may, mặc và dùng váy áo truyền thống của người Mông mặc nhiên ít bị mai một và không có sự tác động nào có thể xâm nhập được.
 
Phương Nguyên
 
Kỳ 2: Người "anh cả” của Tây Nguyên

    Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ