A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thông điệp từ Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam

15:47 | 16/01/2019

Phát triển bền vững làng nghề thổ cẩm truyền thống đang là vấn đề được xã hội hết sức quan tâm.

Trong đó, việc tạo ra các sản phẩm thổ cẩm có tính ứng dụng để cung ứng cho thị trường cũng như xây dựng thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch là giải pháp đang được các địa phương hướng đến để vừa bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống, vừa giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các nghệ nhân và người dân tộc thiểu số.

Nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng được làm từ chất liệu thổ cẩm như: khăn, ví tiền, túi xách… được trưng bày và giới thiệu tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I

Gắn với xây dựng sản phẩm du lịch

Tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I, người dân và du khách có thể dễ dàng chứng kiến rất nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng được làm từ chất liệu thổ cẩm như khăn, ví tiền, túi xách, vỏ gối, chăn đệm… được trưng bày và giới thiệu. Mỗi sản phẩm đều được làm bằng những chất liệu thổ cẩm, hoa văn, họa tiết và màu sắc khác nhau đặc trưng cho từng dân tộc, vùng miền.

Nghệ nhân Vừ Mí Chá đến từ huyện Đồng Văn (Hà Giang) cho biết: “Ngày trước, thổ cẩm dệt ra chỉ để dùng may váy, quần áo để mặc. Hiện nay, các nghệ nhân đã từng bước cải thiện kỹ thuật dệt, từ đó làm được nhiều sản phẩm khác nhau để bán cho du khách, nhất là du khách nước ngoài”.

Tại tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa thổ cẩm cũng được quan tâm đẩy mạnh. Một trong những hoạt động được triển khai gần đây là cải tiến khung dệt và tập huấn chuyển giao ứng dụng các kỹ thuật dệt thổ cẩm mới cho các nghệ nhân các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Khung dệt và các kỹ thuật mới cũng đã được các nghệ nhân của tỉnh giới thiệu tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam.

Nghệ nhân H’rui ở xã Tâm Thắng, Cư Jút (Đắk Nông) cho biết: “Với khung dệt mới này, các nghệ nhân dệt nhanh hơn, thuận lợi hơn. Nếu như trước đây dệt một tấm vải khoảng 2 tuần thì dệt khung mới này chỉ mất 3-4 ngày. Ngoài ra, chúng tôi còn được học thêm cách thiết kế, may các sản phẩm cách tân để phục vụ nhu cầu thị trường”.

Nghệ nhân H’rui ở xã Tâm Thắng, Cư Jút (Đắk Nông) giới thiệu về khung dệt mới tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam

Thực tế, việc ứng dụng chất liệu thổ cẩm trong may mặc, thời trang kết hợp giữa thủ công, truyền thống với công nghệ hiện đại và phục vụ du lịch như một cách tạo cầu cho sản phẩm thổ cẩm là vấn đề đã được các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, chính quyền các địa phương quan tâm. Đây cũng là một trong những nội dung chính được thảo luận nhiều tại Hội thảo Văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam do Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa mới đây.

TS Trần Hữu Sơn (Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Ứng dụng) cho biết: “Riêng tại tỉnh Đắk Nông, hiện nay, việc xây dựng danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu là nguồn lực tự nhiên để tỉnh phát triển du lịch mà thổ cẩm chính là “cái hồn” của Công viên địa chất. Vì vậy, việc xây dựng thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch của địa phương là hướng đi cần được nghiên cứu, ứng dụng một cách bài bản để đem lại hiệu quả. Điều quan trọng nhất là phải tạo ra những sản phẩm mang tính đặc thù”.

“Thổi hồn” thổ cẩm vào thời trang

Không dừng lại ở các sản phẩm phục vụ du khách, thời gian gần đây, chất liệu thổ cẩm cũng được ứng dụng vào thời trang hiện đại. Tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I, những bộ sưu tập của các nhà thiết kế đã đem đến cho người dân và du khách một cái nhìn hoàn toàn mới về chất liệu thổ cẩm truyền thống. Với bàn tay tài hoa của các nghệ nhân và sự sáng tạo, tinh tế của các nhà thiết kế, những chiếc áo dài, áo sơ mi, áo vest, váy dạ hội, váy công sở…được may bằng chất liệu thổ cẩm đã khoác lên một vẻ đẹp mới.

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, tác giả bộ sưu tập áo dài mang tên “Làng phố” chia sẻ: “Những chiếc áo dài trong bộ sưu tập này được thiết kế từ chất liệu nhung sang trọng kết hợp những hoa văn, họa tiết thổ cẩm truyền thống của 3 dân tộc Mông, Mạ và Tày. Việc đưa chất liệu, hoa văn, họa tiết thổ cẩm của các dân tộc Việt Nam lên chiếc áo dài không chỉ tạo nên sự độc đáo, tinh tế mà còn góp phần kết nối văn hóa truyền thống với nhịp sống hiện đại”.

Bộ sưu tập áo dài mang tên “Sắc Pà Thẻn” của Hoa hậu Việt Nam Ngọc Hân được trình diễn tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I

Với bộ sưu tập áo dài mang tên “Sắc Pà Thẻn”, Hoa hậu Việt Nam Ngọc Hân cũng đem đến lễ hội 15 mẫu áo dài cách tân với những gam màu nổi bật như đỏ, cam, vàng cùng điểm nhấn là họa tiết hoa mùa xuân.

Hoa hậu Ngọc Hân cho biết: “Sau bộ sưu tập này, tôi sẽ tiếp tục xây dựng ý tưởng để thiết kế thêm nhiều bộ sưu tập mới kết hợp chất liệu thổ cẩm. Tôi hy vọng, trong thời gian tới, chất liệu thổ cẩm sẽ trở nên gần gũi hơn với cuộc sống hàng ngày của mọi người cũng như được bạn bè quốc tế biết đến, chứ không còn giới hạn là trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số”.

Có thể nói, Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I chính là sự khởi đầu, gửi thông điệp đến du khách, người tiêu dùng cũng như giới thời trang về cái đẹp của từng hoa văn, sản phẩm thổ cẩm cũng như ý nghĩa, giá trị của thổ cẩm trong đời sống văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, việc tìm kiếm đầu ra cho thổ cẩm cũng là định hướng để bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa thổ cẩm một cách bền vững.

Bài, ảnh: Vũ Trang-Hoàng Hoài

    "Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo Đắk Nông"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ