A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chút mặc tưởng trong 'Văn minh vật chất của người Việt'

07:39 | 26/01/2019

Cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt” của họa sĩ, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho người đọc hình dung về cha ông mình, một thời đã sinh sống ra sao.

 Những đồ vật câm lặng, những câu chuyện thường ngày của người xưa cứ lần lượt hiện lên như những thước phim quay chậm qua cách kể chuyện. 

Cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt” do NXB Thế giới ấn hành.

Theo đó, cuốn sách gần 700 trang giúp người đọc hiểu thêm về lịch sử dân tộc mình thông qua những câu chuyện. Đó là hành trình từ những công cụ đá thô sơ, từng gắn bó với những thế hệ xa xôi của tổ tiên người việt từ cách đây 300 ngàn năm ở khu vực núi Đọ, cho tới tận chiếc áo dài của những năm 30 của thế kỉ trước khi họa sĩ Cát Tường phác họa những sáng tạo của mình khiến áo dài trở thành một trong những vẻ đẹp Việt ngày nay.

Hay đơn giản chỉ là hình ảnh bà cụ bận váy sồi vuông, đầu đội nón thúng, hông giắt xà tích hay những manh chiếu in hình rồng bay phượng múa, đến chiếc cày bừa, rổ rá, chum vại… là những hình ảnh, đồ vật vô cùng ấn tượng, có thể được gọi là văn minh Việt Nam. Đặc biệt, cuốn sách cũng cung cấp cho người đọc số lượng hình ảnh đồ sộ với 959 ảnh, 505 hình minh họa thật sự đặc sắc…

Bên cạnh đó, sinh hoạt vật chất của một con người, một gia đình hay một triều đình có lẽ không có gì bí ẩn, nhưng cũng không quá hiển hiện cũng sẽ được tái hiện chân thực trong cuốn sách. Ở đó, đôi khi chỉ là chuyện nhỏ như một người bình dân thì ăn uống và làm việc thế nào, rồi một ngày của vị hoàng đế ra sao đều phản chiếu tập tục sinh hoạt vật chất của một dân tộc. Tại sao người Việt ăn xong hay ngậm một chiếc tăm, tại sao trong cả hoàng cung đồ sộ lại không có lấy một cái phòng vệ sinh, đấy là cả những câu chuyện thú vị… Khảo sát một ngày thường của người Việt, với 4 giai tầng sỹ nông công thương, ngõ hầu cho chúng ta biết dân Việt đã có một đời sống như thế nào, cái gì trong đời sống ấy đã mất, cái gì còn tiếp tục, và cái gì mới được du nhập.

Trong cuốn sách, tác giả thẳng thắn nhận định: “Nịnh hót, xun xoe, khúm núm là hành vi hay là phẩm chất, hay đôi khi là cả hai, thì cũng rất thông thường ở người Việt. Mặc dù không ai thích như vậy, nhưng ít ai tránh khỏi vì đó là một tính cách bản năng mất rồi”. 

 “Văn minh vật chất của người Việt” được giới chuyên môn đánh giá là hay và lạ với cách viết ngẫu hứng và lôi cuốn về những công cụ, đồ dùng giản đơn nhưng lại là sự tích tụ sâu sắc của tâm hồn và văn hóa dân tộc. Những đồ vật trong cuốn sách này hay nói rộng nữa là nền văn minh vật chất của xã hội tiền công nghiệp Việt Nam đã thực sự lùi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho những tiện nghi vật chất của đời sống công nghiệp gấp gáp. Nhiều thửa ruộng bờ xôi ruộng mật có thể cấy trồng lúa nước quanh năm mà tiền nhân mất cả nghìn năm bồi đắp giờ đã nhường chỗ cho các công trình xây dựng và sân golf. Không biết dòng sông mà bao đời người ta có thể tắm bơi giặt giũ và có thể đánh cá giờ chỉ còn cảnh ô nhiễm. Tranh dân gian cũng chỉ một vài dòng truyền thống mà mỗi dòng thì cũng chỉ còn lại một, hai gia đình nối nghề. Có thể tìm thấy một chút mặc tưởng và cũng là nỗi xót xa cho những gì là của ngày hôm qua khi chúng ta mở cuốn sách.

Đánh giá về cuốn sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân cho rằng: “Cuốn sách dày với lượng minh họa lớn và đẹp là một món quà trí tuệ quý giá. Ở đó, ta biết rất nhiều về thế giới vật chất mà ông cha, tổ tiên ta, chính chúng ta đã và đang tạo ra, sử dụng, hưởng thụ”. Cũng theo ông Quân, nhờ phương pháp khảo cứu và lối viết đặc sắc nên lối viết mới bao quát được diện rộng, sắp xếp ngăn nắp, mạch lạc các chủ đề tưởng như sẽ quá dàn trải, đồng thời tùy hứng đi sâu vào những chủ đề mình đặc biệt quan tâm, những lập luận mình đặc biệt cam kết, những chi tiết mình đặc biệt hứng thú.     

Minh Quân

    Nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ