A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nỗi lo biến mất lễ hội cộng đồng

15:24 | 23/04/2019

Lễ hội cộng đồng ở Tây Nguyên cũng như ở Đắk Nông đang tiếp tục bị mai một và có nguy cơ biến mất.

Nguyên nhân chủ yếu là do không gian sinh tồn biến đổi, các điều kiện thực hành văn hóa bị xâm hại, nhất là tín ngưỡng truyền thống đã thay đổi, các vị yang linh thiêng xưa kia không còn hiện diện trong phần lớn đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, sự đổi thay về phương thức sản xuất, về tập quán, lối sống… các lễ hội cộng đồng không còn đất để nương tựa, để sống và thăng hoa trong đời sống cộng đồng như xưa.

Không gian diễn xướng cồng chiêng tại các lễ hội rất cần được gìn giữ và phát huy. Ảnh tư liệu

Thực tế, đã nhiều năm trở lại đây trên các bon làng ngày càng thưa vắng lễ hội và tiếng cồng chiêng rộn rã. Cho dù tính cố kết cộng đồng chưa hoàn toàn mất đi nhưng các lễ thức và lễ hội cộng đồng nhiều năm qua đã bị biến dạng, thậm chí biến mất dần. Hệ thống các nghi lễ, lễ hội nông nghiệp và vòng đời luật tục gắn liền tín ngưỡng đa thần giáo của đồng bào Tây Nguyên, nay gần như vắng bóng. Thay vào đó là một vài lễ hội tiêu biểu được các cấp, ngành tổ chức nhưng nội dung, hình thức, ý nghĩa và giá trị tinh thần đã được chuyển dịch, biến thể.

Hiện nay, ngoại trừ các lễ hội do ngành văn hóa tổ chức nằm trong khuôn khổ chương trình khôi phục bảo tồn văn hóa, còn những nghi lễ khác chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình, dòng họ, có khi chỉ vài ba người già ngồi nhâm nhi với nhau bên ché rượu. Tại một số vùng nay chỉ còn một vài nghi lễ như lễ cúng kho lúa, lễ xả xui hoặc mừng nhà mới với lễ thức đơn giản. Một số nghi lễ còn lại ở các bon làng thì đồng bào không còn tổ chức theo truyền thống, từ lễ thức cộng đồng đến lễ thức trong gia đình, lễ tạ ơn hay cầu xin… Thậm chí, trong nhiều lễ (cưới xin, thôi nôi, tang ma, mừng thọ…) nếu có thì cũng biến thể hoặc theo những hình thức tương tự như người miền xuôi.

Hầu như đa số bà con, nhất là lớp trẻ hiện nay không mấy mặn mà với các lễ hội truyền thống nói chung. Giờ đây, môi trường diễn xướng đã nhiều thay đổi, không còn như xưa nữa nên tiếng chiêng, những câu hát dân gian đối đáp nam nữ và các điệu múa xoang cổ truyền cũng không còn nhiều dịp được cất lên. Bởi thế, những lễ hội, tiếng chiêng, những câu hát dân gian và các điệu múa cổ truyền hầu như chỉ xuất hiện trong những ngày hội văn hóa các dân tộc, liên hoan nghệ thuật dân gian hay nghệ thuật quần chúng do ngành văn hóa các cấp tổ chức thường niên hoặc định kỳ theo lịch hoạt động.

Những năm qua, ngành văn hóa và các cấp chính quyền cũng đã có nhiều cố gắng để khôi phục lại một số lễ hội truyền thống tại cộng đồng. Ở một vài địa phương, lễ hội cộng đồng còn được chính quyền hỗ trợ bà con kinh phí để tổ chức… Nhưng việc này chưa được thực hiện thường xuyên và hiệu quả cũng còn hạn chế. Đa phần các lễ hội đều chưa xuất phát từ nhu cầu tự thân của chính cộng đồng. Thậm chí, có những lễ hội cộng đồng được các đạo diễn dàn dựng, hướng dẫn nghệ nhân thực hiện theo kịch bản, rồi khoác cho nó cái áo “lễ hội dân gian” để phục vụ du lịch và công tác tuyên truyền…

Hiện nay ở Tây Nguyên cũng như tỉnh ta, bên cạnh đồng bào dân tộc bản địa còn có khá đông cộng đồng các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc như Tày, Nùng, Mường, Thái, Mông, Dao… Ở những cộng đồng này vẫn còn duy trì những lễ hội không kém phần độc đáo và phong phú như lễ hội Lồng Tồng của người Tày và hội thi Chọi Bò của người Mông tại xã Quảng Hòa, hay chợ phiên của người Mông ở xã Đắk Som (Đắk Glong) được tổ chức hàng năm vào dịp tết Nguyên đán... Tuy nhiên, văn hóa truyền thống các dân tộc này hiện cũng không tránh được nguy cơ mai một các giá trị trong quá trình di cư khỏi quê hương bản quán.

Vậy việc bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống phải được thực hiện như thế nào? Rất nhiều việc phải làm, nhưng trước hết là những việc trước mắt và có thể trong tầm tay. Các cơ quan Nhà nước chỉ nên đóng vai trò định hướng, quản lý, huy động các nguồn lực phục vụ nghiên cứu và phục dựng các giá trị lễ hội cộng đồng. Cần hạn chế những buổi trình diễn lễ hội mang tính chất “sân khấu hóa” vì nó bị biến thể và cách điệu hóa. Phải tạo các điều kiện thực tế để lễ hội cộng đồng tự cất lên tiếng nói trong “không gian thực” của nó. Trong đó, người dân vừa là chủ thể lại vừa là khách thể của lễ hội, bởi chính họ mới có khả năng nuôi dưỡng và phát huy tốt nhất các giá trị lễ hội truyền thống.

Mặt khác, lãnh đạo các địa phương nên bàn bạc thống nhất với ngành văn hóa, chọn một ngày truyền thống của cư dân tại chỗ, gắn với các ngày lễ dương lịch hoặc âm lịch, hoặc ngày thành lập cơ sở, địa phương để tổ chức “Ngày hội văn hóa các dân tộc” định kỳ của chính địa phương mình. Qua đó, vừa tăng cường giao lưu văn hóa vùng, miền, vừa củng cố mối đại đoàn kết toàn dân, vừa góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Các phương tiện thông tin đại chúng cần và nên có nhiều hơn nữa những chương trình tuyên truyền quảng bá bản sắc và giá trị lễ hội truyền thống, cộng đồng...

Vũ Hà

    nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ