A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Những già làng tài hoa ở xã Ea Hồ

15:50 | 24/07/2019

Không chỉ giỏi đánh cồng chiêng, một số nghệ nhân ở xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) còn biết chế tác nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc, biết hát những làn điệu dân ca Êđê sâu lắng, ngọt ngào.

Mê chế tác nhạc cụ

Ông Y Á Mlô (SN 1944) ở buôn Hồ B không chỉ đánh giỏi, đánh hay nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mà còn biết hát ay ray, k'ứt. Dù tuổi đã cao, công việc gia đình bận rộn, nhưng ông Y Á vẫn cùng bạn bè trong xã luyện tập ca hát, chơi nhạc cụ. Đây cũng là dịp để ông Y Á chia sẻ những cái hay, cái đẹp trong văn hóa dân tộc cho thế hệ sau.

Ông Y Á nhớ lại: "Hồi còn nhỏ, sau môt thời gian tập luyện ki pah, một loại nhạc cụ làm bằng sừng trâu, chỉ được biểu diễn trong một số ít các ngày lễ như khi có người già trong buôn qua đời, nhưng tôi vẫn không thể thổi được thành những âm thanh có nghĩa, thường bị hụt hơi. Không nản lòng, tôi tìm đến các già làng nhờ chỉ bảo thêm, đồng thời thường xuyên đi xem các già làng biểu diễn ki pah để học hỏi cho đến khi thổi thành thạo mới thôi". Với niềm say mê cháy bỏng dành cho nhạc cụ của dân tộc và chăm chỉ luyện tập, ông Y Á không chỉ thổi được ki pah mà các nhạc cụ khác ông đều thuần thục.

Các già làng ở xã Ea Hồ thường tề tựu tại nhà ông Y Á Mlô (bên trái) để chơi nhạc cụ.

Càng học càng say mê, ông Y Á quyết định tìm hiểu kỹ thuật chế tác các loại nhạc cụ của dân tộc. Qua đôi bàn tay khéo léo của ông nhiều loại nhạc cụ truyền thống như: đàn goong, đàn brô, đing tắk ta, đing năm, đing puốt, ki pah... ra đời và được ông lưu giữ trong nhà cẩn thận. Ông Y Á bộc bạch: “Vì yêu thích âm nhạc, ban đầu tôi theo các già làng học biểu diễn cồng chiêng, nhạc cụ, hát ay ray, k'ứt trong các lễ hội của buôn. Sau đó tôi tự trồng bầu, lên rừng tìm tre, nứa và mua dây cước về để khi có thời gian rảnh lại mang ra đẽo gọt, căng dây, thẩm âm. Sau nhiều lần thất bại, đến nay tôi đã chế tác được 7 nhạc loại nhạc cụ truyền thống".

 

"Xã Ea Hồ có 19 thôn buôn, trong đó có 12 buôn đồng bào Êđê, hiện nay số lượng người biết đánh cồng chiêng, chơi và chế tác nhạc cụ, sáng tác lời bài hát rất ít, người biết hầu như đã già. Chính quyền xã đã có kế hoạch mở một lớp truyền dạy cồng chiêng, hát dân ca… cho thế hệ trẻ để văn hóa truyền thống không bị mai một".

 
 Bà H'Phi La Niê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ (huyện Krông Năng)

Mến mộ sự tài hoa của ông Y Á, nhiều người dân trong và ngoài xã Ea Hồ đã tìm đến học hỏi về cồng chiêng, chế tác nhạc cụ, hát dân ca… và được ông chỉ dạy nhiệt tình. Ông Y Á là nghệ nhân tiêu biểu của huyện Krông Năng, thường xuyên được mời tham gia trình diễn cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống tại nhiều sự kiện văn hóa trong và ngoài huyện. Là người lớn tuổi, am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc, ông Y Á còn làm thầy cúng trong các lễ hội của buôn làng như cúng bến nước, mừng lúa mới…

Say theo làn điệu dân ca

Từ nhỏ ông Y Nuk Niê (SN 1956, ở buôn Giêr) được bố đưa đi học và biểu diễn cồng chiêng tại nhiều lễ hội lớn trong buôn. Vì vậy, ông đánh thành thạo nhiều bài chiêng và sớm được tham gia đội chiêng của xã Ea Hồ. Bên cạnh cồng chiêng, ông Y Nuk có một niềm đam mê mãnh liệt đối với điệu hát ay ray. Ông Y Nuk cho biết: "Tôi được làm quen với hát ay ray từ rất sớm, rất yêu thích làn điệu dân ca sâu lắng, ngọt ngào này nhưng chưa hiểu cặn kẽ. Tôi quyết định tìm đến ông Y Á Mlô ở buôn Hồ B để học hỏi thêm và được ông chỉ dạy tận tình". Sau nhiều năm dày công học tập, ông Y Nuk không chỉ hát ay ray, thổi đing năm giỏi mà ông còn sáng tác được lời bài hát.

Ông Y Nuk Niê (buôn Giêr) biểu diễn nhạc cụ đing năm.

Ông Y Nuk tâm sự: “Có nhiều người biết hát ay ray, nhưng lại không cảm nhận được hết ý nghĩa của nó do chỉ học thuộc lời rồi hát. Theo tôi muốn hát dân ca hay, đầu tiên phải hiểu được hết ý nghĩa của bài hát, thế nên tôi tìm đến các già làng giỏi để học thêm. Vì hiểu rõ nên tôi còn có thể sáng tác được lời bài hát để biểu diễn trong các dịp lễ hội.”

Đến nay, ông Y Nuk đã soạn được trên 50 lời bài hát ay ray với nhiều nội dung như: ca ngợi Đảng, Bác Hồ; khuyên người dân trong buôn làng không tin lời kẻ xấu xúi dục; kêu gọi bà con không bỏ phong tục truyền thống; đối đáp về tình yêu nam nữ…, và được nhiều người yêu thích.

Ông Y Nuk Niê thường được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi. Đặc biệt, niềm đam mê âm nhạc truyền thống của ông Y Nuk đã truyền sang vợ. Với sự chỉ dạy tâm huyết của ông, những làn điệu dân ca của dân tộc Êđê đã ngấm vào bà từ lúc nào không hay. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, kể cả khi lên nương rẫy, bà thổi đing năm, còn ông Y Nuk hát và ngược lại. Vợ chồng ông Y Nuk còn lập một kênh youtube riêng (Nuk Y), thường cập nhật những bài hát ay ray do ông sáng tác và cùng vợ biểu diễn đã thu hút hàng chục nghìn lượt xem.

Thùy Dung

 
 

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ