A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Không gian diễn xướng - "môi trường sống" của sử thi Êđê

21:35 | 11/05/2014

Người Êđê gọi sử thi là klei khan. Klei nghĩa là lời, bài; khan nghĩa là hát kể. Hát kể klei khan không phải là hát kể thông thường mà bao gồm ý nghĩa ngợi ca. Thực chất đây là một hình thức kể chuyện tổng hợp được thông qua hát kể.

Mỗi tác phẩm sử thi Êđê là một câu chuyện dài, nếu ghi lại trung thành với lời kể, có thể dài ba, bốn nghìn câu, cũng có tác phẩm dài đến hàng vạn câu. Nghệ nhân có tài diễn xướng liên tục thì phải mất nhiều đêm mới kể hết. Diễn xướng sử thi đòi hỏi một thời điểm, một không gian đặc biệt phù hợp với loại hình này. Đó là không gian văn hóa, hay còn gọi là “không gian thiêng”. Bởi hình thái sinh hoạt văn hóa này từ bao đời nay vẫn được người Êđê tôn trọng, gìn giữ, coi đó là di sản văn hóa, là giá trị tinh thần vô cùng quý giá của cộng đồng. Trong dân ca của người Êđê có câu: “Thiếu tiếng khan, tiếng khưt, tiếng chiêng/ Như cuộc sống thiếu cơm, thiếu muối”. Nghĩa là sinh hoạt văn hóa kể khan (sử thi) không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người Êđê. Nó vô cùng cần thiết như bát cơm, hạt muối hằng ngày vậy.

Không gian diễn xướng sử thi Êđê là không gian lễ hội. Lễ hội bảo đảm không khí “thiêng”, không khí cộng đồng rất phù hợp cho việc diễn xướng sử thi. Bởi chủ đề chính của sử thi là những con người kỳ vĩ, những anh hùng lý tưởng của dân tộc được nhân dân sùng kính như: Dam San, Dam Ji, Sing Nhã… Họ là niềm tự hào của cộng đồng, đã ăn sâu vào tâm thức của mọi người dân.

Lễ hội là thời điểm mạnh (temp fort - chữ dùng của cố Giáo sư Đinh Gia Khánh) trong đời sống văn hóa tinh thần của mỗi dân tộc. Nó thu hút đầy đủ mọi điều kiện về không gian, thời gian, vật chất, tinh thần của người tham dự. Nó cũng là những yếu tố vô cùng cần thiết cho diễn xướng sử thi.

Mùa lễ hội của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc Êđê nói riêng đều được tổ chức vào mùa nông nhàn, là khoảng cách giữa hai vòng quay của một chu kỳ sản xuất nông nghiệp. Ở Tây Nguyên đó là khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 3 dương lịch, đây là khoảng thời gian thuộc mùa khô. Trong khoảng thời gian này, những cư dân nông nghiệp được giải phóng khỏi công việc nương rẫy, có thời gian nhàn rỗi để tham gia lễ hội. Vào thời điểm này, họ đã chuẩn bị được một khối lượng lương thực, thực phẩm để tổ chức các lễ hội, cúng tế thần linh, tổ tiên, ông bà, mà người Êđê gọi là “mùa ăn năm uống tháng”.

Diễn xướng hát sử thi của người Ê Đê, một nét đẹp văn hóa cần lưu giữ.
Diễn xướng hát sử thi của người Ê Đê, một nét đẹp văn hóa cần lưu giữ.

Trong những ngày diễn ra lễ hội như: lễ mừng gia chủ thu được 100 gùi lúa trong mùa rẫy; lễ cưới; lễ mừng thọ; lễ rước K’pan; lễ dọn vào nhà mới; lễ trưởng thành; lễ kết nghĩa anh em… Trong các lễ hội này, gia chủ mời bà con gần xa đến dự. Lễ hội được tổ chức tại gian gah (gian khách) của ngôi nhà dài. Đây là không gian để tổ chức các nghi lễ - lễ hội của người Êđê. Trong những ngày diễn ra lễ hội, buổi tối, khi mọi công việc của nghi lễ tạm gác lại, gia chủ mời nghệ nhân kể khan cho mọi người nghe. Mọi người ngồi quây quần bên bếp lửa, bên ché rượu cần. Nghệ nhân kể sử thi (pô khan) ngồi cạnh ché rượu, trên chiếc chiếu hoa, cầm cần rượu xin phép tổ tiên, ông bà được kể khan cho con cháu nghe, rồi ông hít một hơi rượu cần và bắt đầu kể. Người nghe kể khan đông đến nỗi phải ngồi ra ngoài hiên nhà dài. Trong thời điểm này không gian trở nên yên tĩnh, mọi người ăn đã no, uống đã say, men rượu ở một chừng mực nhất định đã tạo cho nghệ nhân sự hưng phấn trong quá trình diễn xướng và cho người nghe trong quá trình thưởng thức.

Người Êđê có câu nói thể hiện lòng say mê của mình khi nghe kể khan: “Buổi tối mọi người ngồi nghe kể khan như thế nào, thì sáng sớm vẫn thấy họ ngồi đông nguyên như thế”. Bởi vì lời khan càng kể càng hấp dẫn, càng kể càng thu hút người nghe. “Trời càng về khuya, giọng khan càng hấp dẫn, hơi khan đi lúc trầm hùng nhưng duyên dáng, gân guốc nhưng bóng bẩy, tựa như một dòng sông lượng nước nhiều chảy qua những vách núi hùng vĩ giữa một đêm sao, lúc ồ ạt như xô như cuốn qua hang, lúc thầm thì như hơi gió thoảng, lúc nhẹ nhàng êm ả như lá rụng về khuya, lúc thánh thót mơ hồ như suối trườn trong đêm vắng, để rồi lại hùng tráng vút lên, ngân vang như tiếng hát của các dũng sĩ thiên thần” (Đào Tử Chí: Mấy ý nghĩ của người nghe kể khan).

Tại không gian lễ hội bỏ mả của người Êđê M’Dhur, về khuya, sau khi mọi nghi lễ tạm dừng lại, thì nghệ nhân kể khan bắt đầu kể những bài khan nổi tiếng của dân tộc mình cho mọi người nghe. Đây là hình thức sinh hoạt kể sử thi vô cùng độc đáo. Bên đống lửa bập bùng tại không gian nhà mồ rộng lớn, nghệ nhân hát kể sử thi cho hàng nghìn người nghe. Dân làng, già trẻ gái trai và khách gần xa ngồi im lặng say sưa lắng nghe kể sử thi suốt đêm thâu cho đến khi con gà trống gáy vang núi rừng, báo hiệu ông mặt trời đã thức giấc thì nghệ nhân hát kể sử thi mới dừng câu chuyện lại để chuẩn bị cho các nghi lễ tiếp theo của lễ hội bỏ mả. Ở đây, lễ hội bỏ mả được tổ chức bao nhiêu ngày đêm, thì những người đến dự lễ được nghe kể sử thi bấy nhiêu đêm.

Không gian diễn xướng sử thi còn được tổ chức ở chòi rẫy (trong mùa làm rẫy). Tại đây các chủ rẫy đều làm chòi và cử người ở lại giữ rẫy (người giữ rẫy chủ yếu là đàn ông trung niên trở lên). Cứ tối đến, sau khi cơm nước xong, những người ở lại giữ rẫy thường kéo đến chòi rẫy của nghệ nhân có tài kể khan để nghe kể các sử thi nổi tiếng của ông bà để lại như: Dam San, Dam Di, Khinh Jú… Tại đây, người kể, người nghe sử thi cũng say sưa như ở không gian nhà dài tại buôn làng.

Không gian kể sử thi còn được thể hiện trên đường đi bộ từ buôn lên rẫy, hoặc trong những buổi đi chăn trâu, chăn bò, trong những ngày đi rừng. Ở đây, nghệ nhân hát kể sử thi thường hát kể cho một nhóm người nghe (khoảng 5-7 người). Chính không gian này đã giúp người nghe dễ nhớ, dễ lưu truyền.

Cũng tại không gian nhà dài, vào những đêm trăng sáng sau mùa rẫy, theo yêu cầu của dân buôn, nghệ nhân kể khan lại tổ chức kể các sử thi của dân tộc mình cho mọi người nghe tại ngôi nhà dài của mình. Trong những đêm này, gian gah của ngôi nhà dài nghệ nhân kể sử thi đầy chật già trẻ, gái, trai trong buôn. Đây là nhu cầu sinh hoạt văn hóa nghe kể sử thi không thể thiếu được trong đời sống cộng đồng của người Êđê.

Nhìn chung, không gian diễn xướng sử thi truyền thống của người Êđê chính là không gian lễ hội, không gian nhà dài, không gian chòi rẫy, không gian nhà mồ, không gian đi rẫy, đi rừng và không gian chăn thả đàn trâu bò… nghĩa là nơi nào có điều kiện thuận lợi là các nghệ nhân (pô khan) có thể tổ chức hát kể sử thi cho mọi người nghe. Thực tế hiện nay không gian hát kể sử thi của người Êđê đang bị thu hẹp dần, thậm chí hầu như đã mất hẳn. Cụ thể, nhà dài đã được thay dần bằng nhà xây, chòi rẫy không còn, lễ hội truyền thống đang bị mai một, việc lên rẫy, đi rừng từ chỗ đi bộ đã thay bằng phương tiện xe cơ giới; bãi thả trâu bò đã biến thành rẫy cà phê hoặc ao hồ thả cá, khu nhà mồ vắng bóng lễ bỏ mả truyền thống. Bên cạnh đó nghệ nhân kể sử thi đã lần lượt về với tổ tiên ông bà, số còn lại rất ít, nhưng đã già yếu không còn nhớ hết những chuyện khan dài hàng nghìn câu như trước đây nữa. Nhu cầu người nghe kể sử thi cũng không mặn mà như xưa. Vì hiện tại, truyền hình, phim ảnh, âm nhạc, sân khấu…  vô cùng phong phú đã lôi cuốn họ, nên còn rất ít người yêu thích nghe hát kể sử thi như ngày xưa nữa.

Như  thế, không gian diễn xướng sử thi của người Êđê cùng nghệ nhân kể và người nghe hát kể loại hình này đang đứng trước nguy cơ mai một. Do đó, mong rằng những người làm công tác văn hóa ở Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng cần có kế hoạch tham mưu cho Nhà nước về gìn giữ bảo tồn kho tàng sử thi Tây Nguyên trong thời kỳ hội nhập, làm cho sử thi có sức sống bền vững trong đời sống cộng đồng của các dân tộc Tây Nguyên.

Trương Bi

    Nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ