A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cồng chiêng Tây Nguyên: "Mở rộng" hay "lan tỏa"? (Kỳ 1)

10:30 | 04/05/2020

Năm 2005, Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu - Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đến nay, đã qua 15 năm nỗ lực bảo tồn, phát huy nhưng các cộng đồng người dân tộc thiểu số ở đây cũng như chính quyền địa phương vẫn còn phải đối mặt trước những thách thức đặt ra trong đời sống hiện đại.

 Kỳ 1:  Ra sức chấn hưng di sản

Từ khi Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được vinh danh, Đắk Lắk đã lập tức xây dựng và triển khai Đề án bảo tồn, phát huy di sản này trong cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ, thu hút sự quan tâm, đồng thuận của toàn xã hội.

Huy động nguồn lực đầu tư

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), đến nay đề án trên được xây dựng và triển khai qua 3 giai đoạn (2007 – 2011, 2012 – 2015 và 2016 – 2020) với những chương trình, nội dung thiết thực, phù hợp với thực tiễn đời sống như: Mở các lớp truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng cho thế hệ trẻ; Phục dựng các lễ hội truyền thống có liên quan đến cồng chiêng; Mua chiêng tặng cho buôn làng và hỗ trợ kinh phí cho các đội chiêng, nhà văn hóa cộng đồng diễn xướng; Tổ chức hội diễn, hội thảo và giao lưu văn hóa cồng chiêng các cấp theo định kỳ; Thống kê, sưu tầm các bài chiêng cổ để gìn giữ, bảo tồn; In sách, băng đĩa hình về các nghi lễ, lễ hội gắn với hoạt động cồng chiêng nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng… Kinh phí đầu tư cho từng giai đoạn từ vài tỷ cho đến vài chục tỷ đồng để phục vụ những nội dung mà đề án đề ra.

Đội cồng chiêng buôn Ko Sier tham gia Ngày hội Văn hóa - Thể thao đồng bào dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột năm 2018.

Ông Lê Ngọc Quế - Trưởng Phòng Quản lý Di sản (Sở VH-TT-DL) cho biết, riêng giai đoạn 2016 – 2020, Đề án được phê duyệt hơn 10 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh gần 9 tỷ đồng, còn lại huy động từ nguồn lực xã hội hóa. Đến nay, ngành Văn hóa đã chi gần 4 tỷ đồng phục vụ mục tiêu gìn giữ, bảo tồn và phát huy Di sản này thông qua những hoạt động: Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột; Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7- 2019 và tuyên truyền, quảng bá văn hóa cồng chiêng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đặc biệt, cơ quan chủ quản đã dành khoản kinh phí đáng kể trong mỗi giai đoạn của đề án để mua chiêng, trang phục truyền thống tặng các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ. Từ năm 2007 đến nay đã có 151 bộ chiêng các loại được Sở VH-TT-DL chuyển đến các buôn làng, đội chiêng tiêu biểu, góp phần đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh và tín ngưỡng của bà con dân tộc thiểu số; đồng thời tạo điều kiện cho họ duy trì và đẩy mạnh việc truyền dạy cồng chiêng trong cộng đồng, nhất là lớp trẻ hiện nay kế thừa, phát triển.

 

Ngành văn hóa đã lựa chọn, tham mưu cấp thẩm quyền công nhận 5 nghi lễ và lễ hội tiêu biểu (Cúng bến nước, Cúng sức khỏe, Mừng cơm mới, Cúng lúa mới và Lễ trưởng thành) của các dân tộc Êđê, M’nông, Sê đăng để bảo tồn như di sản cấp tỉnh và hướng đến cấp quốc gia trong hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của cả nước cần được bảo vệ trong tương lai.

 
 (Báo cáo của Sở VH-TT-DL về việc thực hiện Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 30-8-2016)

Theo điều tra, thống kê sơ bộ từ các Phòng VH-TT 15 huyện, thị xã và thành phố, trên địa bàn tỉnh hiện còn khoảng 2.300 bộ chiêng lớn nhỏ được các gia đình, dòng tộc sở hữu, giữ gìn và bảo tồn; gần 3.900 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, trong đó có hơn 1.100 nghệ nhân biết chỉnh chiêng và có khả năng truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng ở mọi cấp độ, từ đơn giản đến phức tạp… Điều đáng nói là tuy số nghệ nhân am hiểu về cồng chiêng mất đi khá nhiều do tuổi tác, nhưng số nghệ nhân trẻ được kế thừa đã tăng lên đáng kể. Trong số 579 buôn làng người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk đã có tới hơn 320 buôn làng có đội chiêng trẻ. Theo Nghệ sĩ Ưu tú Y Phôn Ksor – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, các đội chiêng trẻ ngày càng khẳng định được mình, có thể nhận thấy điều đó qua các đội chiêng trẻ ở buôn Tul, Pan, Đing, Kon H’ring (huyện Cư M’gar); buôn AKô Dhông, Ea Bông, Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) hay dàn chiêng nữ duy nhất còn lại ở thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana)… tham gia diễn tấu cồng chiêng trong các cuộc liên hoan hay lễ hội truyền thống được tổ chức tại địa phương. 

Tôn tạo môi trường sống cho cồng chiêng

Trong bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, cồng chiêng mất dần cơ sở, môi trường diễn xướng, vì vậy gìn giữ, khôi phục môi trường sống cho cồng chiêng là vấn đề cấp bách đặt ra. Từ khi Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được vinh danh, vấn đề này được các nhà nghiên cứu, cán bộ chuyên môn và quản lý văn hóa trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng hết sức lưu tâm, cùng nhau đưa ra nhiều giải pháp cho cộng đồng tham vấn, thực hiện. Động thái tích cực và đầu tiên của chính quyền và các cơ quan hữu trách ở địa phương là thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo bàn về việc kế thừa, phát triển văn hóa cồng chiêng trong đời sống đương đại nhằm tìm cách chấn hưng di sản quý báu này.

Các nghệ nhân thẩm định chiêng trước khi trao tặng cho các buôn làng.

Theo ông Đặng Gia Duẩn – Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, từ năm 2007 đến nay, các địa phương thường xuyên tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các cấp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (theo định kỳ 1 – 2 năm/lần); quan tâm phục dựng và tái hiện các lễ hội truyền thống của bà con. Đã có 158 nghi lễ và lễ hội gắn với hoạt động diễn xướng cồng chiêng của người Êđê, M’nông, Ja rai, Sê đăng, Vân Kiều và cả người Thái, Mường di cư vào Đắk Lắk được khảo sát, tổ chức phục dựng nhằm tạo cơ hội, môi trường diễn xướng cho cồng chiêng lên tiếng và lan tỏa. Có thể nói, nhờ những nỗ lực trên mà văn hóa cồng chiêng ở đây đã thật sự “hồi sinh” hòa chung với nhịp sống hiện đại hôm nay.

   (Còn nữa)

             Đình Đối

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/9803/202005/cong-chieng-tay-nguyen-mo-rong-hay-lan-toa-ky-1-5680703/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ