A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nguy cơ vắng bóng Kơnia ở huyện Krông Bông

15:34 | 15/06/2020

Huyện Krông Bông có 36 buôn đồng bào Êđê, M’nông với khoảng 5.000 hộ, gần 25.000 khẩu. Trước đây, trên địa bàn huyện, cây Kơnia (tên khoa học: Irvingia malayana)...

...mọc khá nhiều trong các buôn làng, đường đi, nương rẫy, nghĩa địa, nhiều nhất là ở các xã vùng sâu như Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao. Tuy nhiên, những năm gần đây, phần lớn Kơnia đã bị người dân chặt hạ để làm nương rẫy hoặc đốt than. Số lượng loài cây này ở Krông Bông hiện còn sót lại rất ít và đang có nguy cơ bị xóa sổ.

Kơnia là cây thân gỗ lớn, rắn chắc. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, Kơnia là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tâm linh. Trong quan niệm của đồng bào, cây Kơnia là nơi trú ngụ của thần thánh, cũng là nơi trú ngụ của vong linh những người đã khuất. Ngoài ra, ở các xã vùng căn cứ cách mạng Krông Bông, nhiều cây Kơnia cổ thụ gắn liền với những ký ức khó quên, như một chứng tích của một thời bom đạn.

Ông Y Trang Byă (tên thường gọi là Ama Vân, dân tộc M'nông), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Krông Bông (gồm các xã Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao bây giờ) giai đoạn 1985 - 1987 nhớ lại: “Trước đây, khu ngã ba buôn Căm Yú (bây giờ là buôn Chàm A, xã Cư Drăm) có rất nhiều cây Kơnia. Do không được bảo vệ nên những cây Kơnia bị chặt hạ dần; đến nay chỉ còn sót lại hai cây ở ngay ngã ba đường. Ít ai biết rằng hai cây Kơnia này có tuổi đời đã trên 100 năm, chúng là "nhân chứng" chứng kiến vợ chồng ông Ama Brung là du kích ở buôn Kiều (xã Yang Mao) bị bọn biệt kích bắn chết năm 1966. Những gốc Kơnia này cũng là nơi nghỉ chân của những đại biểu về tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV tổ chức tại buôn Mnăng Dơng (xã Yang Mao hiện nay) vào tháng 4-1969”.

Hai cây Kơnia hơn 100 năm tuổi còn sót lại ở ngã ba buôn Chàm A, xã Cư Drăm.

Ông Y Ó Byă (tên thường gọi là Ama Khoát, dân tộc Êđê), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cư Drăm là người lớn lên và chứng kiến những sự kiện xảy ra ở đây trong thời kỳ chiến tranh ở vùng căn cứ H9. Trong trí nhớ của ông, trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cây Kơnia là vũ khí cản đường xe địch đi càn. Ama Khoát nhớ lại: “Trước năm 1961, dọc hai bên Tỉnh lộ 12 từ xã Khuê Ngọc Điền vào vùng căn cứ H9 có rất nhiều cây Kơnia. Mọc nhiều nhất là hai bên Tỉnh lộ 12, vùng ngã ba từ xã Cư Drăm đi xã Yang Mao và đi thôn Yang Hăn bây giờ. Có những cây to, đường kính vài người ôm với tuổi đời hàng trăm năm. Trong kháng chiến người dân đã phải “bấm bụng” chặt hạ hàng chục cây Kơnia ngáng ngang đường cản xe địch tiến công”.

Hiện nay một số cây Kơnia còn sót lại bên nhà mồ, dọc đường vào buôn Chàm B, xã Cư Drăm còn giữ dấu vết bom đạn thời kỳ chiến tranh. Ông Y Ruynh Niê Kuăn (Ama Gon, dân tộc Êđê) ở buôn Chàm B, nguyên Bí thư Huyện ủy Krông Bông cho rằng những cây Kơnia này cần phải được bảo tồn như những chứng nhân của lịch sử.

Ông Y Trang Byă (Ama Vân, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Krông Bông) bên cây Kơnia khoảng trên 60 năm tuổi ở buôn Mnăng Dơng, xã Yang Mao.

Dọc đường đi và trên nương rẫy, khu nhà mồ của người M’nông, Êđê ở các xã Cư Drăm, Yang Mao vẫn còn lác đác Kơnia, trong đó nhiều cây có hình dáng đẹp, tuổi thọ trên 100 năm tuổi. Nếu địa phương không có kế hoạch bảo tồn thì trong tương lai nguy cơ cây Kơnia ở đây sẽ bị xóa sổ.

Tùng Lâm

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/5561/202006/nguy-co-vang-bong-konia-o-huyen-krong-bong-5686386/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ