A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Người nghệ nhân "nặng lòng" với văn hóa truyền thống

15:27 | 29/06/2020

Nổi tiếng là người thuộc nhiều, nhớ lâu, hát hay các bài kể khan, diễn tấu cồng chiêng và sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc nên Nghệ nhân Ưu tú Y Wang Hwing (SN 1950, buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar)...

... được mọi người ví von là “kho tàng văn hóa sống” của dân tộc Êđê.

Ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trông Y Wang vẫn còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn lắm. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Êđê, như khơi đúng mạch nguồn, ông vui vẻ lấy ra rất nhiều các loại nhạc cụ, rồi bắt đầu kể chuyện...  

Năm lên 8 tuổi, Y Wang thường theo ông ngoại tham dự nhiều lễ hội của buôn làng như: cúng mừng lúa mới, cúng bến nước, cúng rừng thiêng... Những lễ hội thường kéo dài thâu đêm suốt sáng, từ ngày này sang ngày khác. Mọi người quây quần bên bếp lửa nhà sàn, bên ché rượu cần và nghe kể khan. Mỗi cuộc kể khan thường bắt đầu từ 7-8 giờ tối hôm trước đến 5-6 giờ sáng hôm sau, có cuộc kéo từ ngày này sang đêm khác, đêm này nối đêm kia... Cứ thế, những trường ca bất tận, mê hoặc của cha ông đêm đêm rót vào tai khiến Y Wang thuộc lòng khi nào không hay. Không chỉ đam mê khan, nghệ nhân Y Wang còn say mê nhạc cụ truyền thống của dân tộc khi ông có thể chế tác và sử dụng thuần thục nhiều loại nhạc cụ khác nhau, đặc biệt là cồng chiêng (loại nhạc cụ được xem là khó diễn tấu nhất).

Nghệ nhân Ưu tú Y Wang Hwing với chiếc đàn goong.

Nghệ nhân Y Wang tâm sự: “Năm nay vừa tròn 70 tuổi, nhưng tôi thấy vui và tự hào vì bản thân mình đã có hơn 50 năm gắn bó, cống hiến cho văn hóa của dân tộc. Tự hào vì mình đã được đến nhiều nơi trên đất nước, cũng như nước ngoài để biểu diễn văn hóa của dân tộc mình cho mọi người biết đến”. Nói rồi ông lại say sưa kể chuyện ông tham gia biểu diễn khắp nơi, truyền dạy hát Kưut, Ayray, sử thi cho con em ở xã Ea Tul đến dạy đánh chiêng ở Hà Nội... Nhưng với ông, kỷ niệm đáng nhớ nhất là khoảng thời gian ông tham gia biểu diễn trong lễ hội dân gian “Kaustinen folk festival” ở Phần Lan vào năm 2014. “Hồi ấy, sau khi nghe mình hát sử thi thì tất cả khán giả, thậm chí cả Tổng thống cùng đứng lên vỗ tay tán thưởng và bảo rằng chưa bao giờ nghe một thứ gì độc đáo, đặc sắc như thế. Người nước ngoài còn thích, người dân tộc mình sao không tự hào cho được chứ”, nghệ nhân Y Wang hồi tưởng.

Không chỉ là một nghệ nhân đa tài, Y Wang còn là một người có trách nhiệm, nhiệt tình với xã hội. Ông làm Trưởng ban công tác Mặt trận buôn Triă từ năm 1997 đến năm 2019. Từ 2019 đến nay, ông được chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu làm già làng, người có uy tín trong cộng đồng. Phát huy khả năng hát khan của mình, ông đã tự sáng tác lời mới cho cho những điệu hát Ayray, hát Kưut truyền thống, vận dụng kho tàng lời nói vần của ông bà để khuyên răn những điều hay lẽ phải cho con cháu hôm nay. Trong buôn, trong xã có sự kiện gì hay nhà ai có việc, Y Wang lại xách cây đàn goong và cây sáo đến. Chính những bài hát dân gian mang lời mới này đã giúp bà con tiếp cận các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách dễ dàng hơn; tiếp thêm niềm tin yêu, lạc quan vào cuộc sống; yêu và gắn bó hơn với văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân Ưu tú Y Wang Hwing sử dụng thuần thục các loại nhạc cụ của dân tộc mình.

Với những đóng góp của mình, nghệ nhân Y Wang đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2019; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” vào năm 2018.

Bảo Chi

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/9803/202006/nguoi-nghe-nhan-nang-long-voi-van-hoa-truyen-thong-5688343/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ