A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cảm hứng từ Tây Nguyên

15:28 | 26/08/2020

Nếu như Không gian Văn hóa cồng chiêng và sử thi Tây Nguyên là những giá trị phi vật thể tiêu biểu được mọi người, mọi thế hệ trân trọng bảo tồn,....

... thì đời sống văn hóa, tinh thần cũng như cảnh sắc hùng vĩ và tuyệt đẹp ở đây là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nhạc sĩ trên cả nước, góp phần làm nên nét đặc sắc trong tiến trình phát triển nền âm nhạc Việt Nam.

Đó là đánh giá của Nghệ sĩ Nhân dân Y San Aleo, Trưởng Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk tại Lễ bế mạc Trại sáng tác âm nhạc và múa Tây Nguyên năm 2020 được tổ chức tại Đắk Lắk từ ngày 20 đến ngày 29-7 vừa qua.

Đánh giá trên được nhạc sĩ Nguyễn Cường (cố vấn Trại sáng tác) chia sẻ thêm: Bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú cùng với rừng núi, đất trời bao la và tình cảm thiết tha, sâu lắng của con người ở đây là hai gam màu chủ đạo để các nghệ sĩ tìm cảm hứng vẽ nên một Tây Nguyên bằng âm nhạc hết sức đa chiều, đầy màu sắc và nhiều cung bậc. Hơn 20 ca khúc (trong số 43 tác phẩm âm nhạc và múa) được 37 nghệ sĩ sáng tác trong đợt này là sự tiếp nối đáng ghi nhận, góp phần đưa dòng chảy âm nhạc Tây Nguyên đi xa hơn và lan tỏa hơn trong công chúng.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường tặng hoa chúc mừng ca sĩ trình bày những ca khúc của mình và đồng nghiệp tại Lễ bế mạc Trại sáng tác. 

Những sáng tác tiêu biểu như “Chiều đại ngàn” của Quang Vinh, “Tắt mặt trời” của Vũ Thiết và “Cư M’gar dễ thương” của Nguyễn Cường vừa sáng tác đợt này được xem là trang “nhật ký bằng âm thanh” nóng hổi và chân thật về đời sống, tình cảm của đất và người Tây Nguyên. 

Nghệ sĩ Nhân dân Y San Aleo, Trưởng Ban tổ chức Trại sáng tác hy vọng hơn 20 khúc mới mẻ này tiếp tục được các nhạc sĩ gọt giũa, hoàn thiện thêm về mặt ca từ, giai điệu sẽ góp phần định hình rõ nét hơn dòng nhạc Tây Nguyên đương đại.
 
Cùng với nhiều ca khúc đã thành danh của Nguyễn Cường (Ơi M’Đrắk, H’Zen lên rẫy, Em hát thương ai, Thềnh thềnh oh ơi, Đôi mắt Pleiku, Còn thương nhau về Buôn Ma Thuột), hay của Y Phôn Ksor (Đi tìm lời ru mặt trời, Đôi chân trần, Chim Phí bay về cội nguồn), Krajan Plin (Kbing ơi! Em hãy về), Đình Nghĩ (Hoa Lang bian, Say trăng, Tự khúc ban chiều) - và gần đây là những sáng tác của nữ nhạc sĩ Giáng Son (Mùa Nhớ), Lê Minh Sơn (Voi không đuôi)… những ca khúc mới sáng tác sẽ làm dày thêm cuốn nhật ký về Tây Nguyên bằng âm thanh được viết nên từ các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp nhuần nhuyễn với hơi thở hiện đại.
Biết đâu trong thời gian tới, những nghệ sĩ yêu mến Tây Nguyên sẽ cho ra mắt album về Tây Nguyên để tri ân với con người, vùng đất đã cho họ rất nhiều cảm xúc viết nên nhiều ca khúc hay và ý nghĩa, giúp công chúng thưởng thức, cảm nhận bức tranh toàn cảnh về Tây Nguyên bằng âm nhạc một cách đầy đủ và sâu sắc nhất” – Nhạc sĩ Nguyễn Cường.

“Nhật ký bằng âm thanh” ấy, theo những nghệ sĩ đặc biệt yêu mến Tây Nguyên như nhạc sĩ Vũ Thiết, Quang Vinh, Mạnh Trí, Sỹ Hùng... cảm nhận thì đó là tiếng vọng từ khe suối, đất đai, cây cỏ và cũng có khi là chút tâm tình, tự sự về phận đời, phận người trong quá khứ lẫn hiện tại, giúp công chúng thưởng lãm hiểu và yêu Tây Nguyên nhiều hơn, nhất là trong việc gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa sâu đậm và giàu bản sắc ở vùng đất này.

 

 Phương Đình

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/9803/202008/cam-hung-tu-tay-nguyen-5697215/

    nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ