A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lời nói vần - nét đẹp văn hóa truyền thống của người Êđê

15:52 | 05/10/2020

Klei duê Êđê – nghĩa là lời nói vần của người Êđê. Nó có mặt trong tất cả thể loại văn học dân gian như: Truyện cổ tích (klei đưm), lời khấn thần (riu yang), câu đố (klei mđăo)…

....với nội dung đề cập đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và được đúc kết, truyền dạy từ đời này sang đời khác.

Nét đẹp văn hóa trong cộng đồng

Theo ông Y Chen Niê (Phó Trưởng Phòng Di sản - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong tiếng Êđê, từ “Klei” có nghĩa là lời nói, “Duê” có nghĩa là nối kết. “Klei duê” là lời nói có sự nối kết với nhau bằng các âm tiết cùng vần hoặc bằng từ có các âm tiết tương đồng.

Lời nói vần là ngôn từ xuất hiện phổ biến, được tạo ra bởi tri thức dân gian, góp phần làm phong phú, đa dạng di sản văn hoá dân gian và bản thân ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc Êđê.

Trong đời sống đồng bào Êđê, lời nói vần chiếm một vị trí đặc biệt, với những câu chữ ngắn dài được nối kết với nhau một cách hợp lý bằng vần điệu khá nhuần nhuyễn và sinh động, có lợi ích thiết thực cho việc trao đổi thông tin, giao tiếp, giúp cho người nghe có thể tiếp thu nhanh chóng và nhớ lâu.

Nghệ nhân Y Wang Hwing (bên phải), người am hiểu và biết trình diễn lời nói vần.

Nội dung lời nói vần thường được dùng để diễn đạt một cách cô đọng và ngắn gọn những kinh nghiệm đã đúc kết được trong quá trình phát triển và trường tồn của người Êđê. Kinh nghiệm đó bao gồm nhiều mặt: Về thiên nhiên, như việc xem thời tiết, cây cỏ, chim muông, qua đó để biết thời vụ gieo trồng, gặt hái, đoán ngày tốt, ngày xấu...; về xã hội và con người, như cách ứng xử trong gia đình và xã hội, phong tục, tập quán... Ví dụ như lời nói: “Khai rẫy mới sao cho được nhàn/ Ở nhà mới sao cho được rỗi/ Nuôi con gái, con trai sao cho nên người”..., nhắc nhở con người sống sao cho tốt đẹp, cuộc sống vui tươi.

Lời nói vần không bắt buộc không gian diễn xướng, có thể sử dụng trong lúc nghỉ ngơi sau giờ làm nương rẫy, khi đi lấy nước, bên ché rượu cần khi anh em, bạn bè gặp gỡ tâm tình hay người già răn dạy con cháu. Người diễn xướng Klei duê tùy vào tâm trạng, câu chuyện, hoàn cảnh mà biến tấu, sáng tạo thành những vần, điệu để người nghe dễ hiểu, dễ nhớ. Vì thế, loại hình văn hóa dân gian này chính là một nét đẹp văn hóa trong cộng đồng người Êđê.

Gìn giữ "kho báu" văn hóa

Cũng như các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên, người Êđê ở buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar trong quá trình sinh sống đã chắt lọc tinh túy từ những tri thức, kinh nghiệm dân gian tạo nên những câu nói có vần, có điệu, được truyền miệng từ đời này sang đời khác và được sử dụng cho đến tận ngày nay.

Là người có uy tín và am hiểu luật tục của dân tộc, nghệ nhân Y Wang Hwing (buôn Triă) thường dùng lời nói vần để nhắc nhở, khuyên răn bà con trong buôn những điều hay, lẽ phải, sống phải biết nguồn gốc dòng tộc, bổn phận của mỗi người trong cộng đồng và trách nhiệm của cộng đồng đối với mỗi thành viên. Nhờ giàu vốn văn hóa truyền thống lại thường xuyên rèn luyện nên ông có giọng khan trầm ấm, lời nói vần hay, ý nghĩa. Ông mượn những hình ảnh tên các con suối, dòng sông để nói về sự đoàn kết và sức mạnh của cộng đồng, hay mượn những chiếc gùi, chiếc vòng, bông hoa nghệ để nói về tình yêu đôi lứa, gia đình... khiến bà con ai cũng thích nghe. Bởi nó làm cho cuộc sống thường ngày của họ trở nên vui vẻ, giúp mọi người xích lại gần và hiểu nhau hơn.

Lời nói vần của người Êđê được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ tạo điều kiện để tỉnh đề ra những giải pháp cụ thể nhằm quản lý, bảo vệ và phát huy kho báu văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Nghệ nhân Y Wang cho hay, ngày xưa khi còn trẻ, ông có thể kể khan theo lời nói vần 8 tiếng liên tục mà không thấy mệt. Đến nay, sức khỏe đã yếu, ông không mong muốn gì hơn là có những thế hệ trẻ kế cận tiếp sức, học và gìn giữ lời nói vần. Thế nhưng, hiện nay không chỉ ở buôn Triă mà nhiều buôn, làng khác trong tỉnh, lời nói vần đang dần bị mai một, thiếu vắng trong đời sống của người dân. Trong những năm qua ông đã truyền dạy cho nhiều người trong xã, song chỉ có một số ít học được, còn lại đều bỏ giữa chừng vì bận công việc và cũng một phần vì khó, không dễ gì mà học được. Lời nói vần là loại hình văn hóa dân gian truyền miệng, nên người muốn học phải thật sự có đam mê, kiên trì và phải am hiểu luật tục của dân tộc Êđê.

Anh em, bạn bè trò chuyện, uống rượu cần là một trong những không gian diễn xướng của lời nói vần.

Chị H’Nai Niê (buôn Phơng, xã Ea Tul) tâm sự: “Biết là học lời nói vần của người Êđê rất khó nên tôi chủ động dùng máy ghi âm thu các bài dạy của thầy Y Wang để nghe thường xuyên. Đến nay, dù chưa giỏi nhưng những lời nói vần, sử thi phần nào tôi đã ghi nhớ được trong đầu, khi đã nhuần nhuyễn tôi sẽ truyền lại cho thế hệ kế tiếp”.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì hiện nay huyện Cư M’gar có 318 nghệ nhân biết lời nói vần, dân ca; trong đó xã Ea Tul rất tích cực giữ gìn bảo tồn và phát huy vốn văn hóa này trong cộng đồng. Chính vì vậy nơi đây đã được chọn để sưu tầm, khảo sát thực tế, kết hợp thực hiện việc phỏng vấn, ghi chép, để có cơ sở thực tiễn lập hồ sơ khoa học về lời nói vần, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ánh Ngọc

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/9803/202010/loi-noi-van-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cua-nguoi-ede-5702792/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ