A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chung tay gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống

16:13 | 14/06/2021

Không để giá trị văn hóa truyền thống bị tác động bởi các yếu tố tiêu cực của đời sống hiện đại, cùng với việc gìn giữ, người dân xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) đang tích cực khơi dậy tình yêu với nghề dệt thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc...

....cho lớp trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy nét văn hóa độc đáo của địa phương.

Mặc dù không phải là người Êđê, nhưng chị Hồ Thị Thanh Hải (buôn Kna B) lại say mê vẻ đẹp của những hoa văn họa tiết trên thổ cẩm. “Được quan sát và tiếp cận nghề dệt thổ cẩm từ lâu, khi có cơ hội tìm hiểu ý nghĩa những họa tiết, hoa văn trên trang phục, chăn, địu của người Êđê, mình dần bị lôi cuốn bởi đường nét tinh tế, mạnh mẽ và độc đáo trên những tấm vải dệt thủ công này”, chị Hải chia sẻ.

Bộ cồng chiêng được già làng Y Suai Mlô (buôn Bling) gìn giữ hơn 40 năm nay.

“Ngoài việc vận động người dân nâng cao ý thức, trân trọng giá trị truyền thống, thời gian tới, địa phương sẽ dành một phần kinh phí để duy trì, tổ chức lại lễ hội cúng bến nước của đồng bào Êđê. Đồng thời nỗ lực phát huy giá trị văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã”.
Chủ tịch UBND xã Cư M’gar Phạm Thị Tiềm

Do đó, chị đã nhờ những người dân trong buôn chỉ cách dệt và tự mày mò, sưu tầm các mẫu hoa văn để làm theo. Phải mất một thời gian dài chị mới dệt thành thạo. Khi đã làm ra được những dải họa tiết màu sắc, chị sử dụng chúng để tự phối lên trang phục của mình, tạo điểm nhấn, mới lạ cho sản phẩm. Hơn thế, chị nhận thấy nghề truyền thống này không còn phổ biến như trước nữa, vì vậy để gìn giữ nghề đồng thời tạo thu nhập cho người dân, chị đã cùng 5 người trong buôn có cùng đam mê xây dựng Tổ dệt thổ cẩm và tăng cường đăng tải các sản phẩm của mình bán trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook.

Các sản phẩm được cách tân kiểu dáng, chất liệu, những mảng đen trên trang phục Êđê được thay bằng loại vải công nghiệp, tạo độ thoải mái, mát mẻ cho người mặc; họa tiết, hoa văn vẫn được dệt thủ công, giúp những chiếc váy cưới, váy áo truyền thống giữ được nét đẹp truyền thống, nhưng lại phù hợp với xu hướng hiện đại, được nhiều người ưa thích. Chỉ mới bước đầu hoạt động, nhưng các thành viên cũng đã làm và bán được gần 20 sản phẩm, chủ yếu là váy áo và các hoa văn, họa tiết để phối lên trang phục. Đó là động lực giúp chị em trong tổ tiếp tục duy trì nghề.

Không chỉ phát triển nghề dệt, buôn Kna B còn thành lập được hai đội đánh nhạc cụ truyền thống, mỗi đội có 6 thành viên (ở lứa tuổi từ 9 – 20). Các em luyện tập nhiều loại nhạc cụ như: đàn t’rưng, đàn đá, đing păh, sáo, chiêng kram… Mỗi thành viên tập một nhạc cụ khác nhau rồi kết hợp lại hòa tấu thành những bản nhạc độc đáo, mang âm hưởng dân gian của dân tộc mình. "Mỗi buổi học như thế, khiến em say mê nhạc cụ truyền thống lúc nào không hay”, em H’Yang Niê, một thành viên của đội chia sẻ. Chỉ mới luyện tập và tham gia Ngày hội Đại đoàn kết ở buôn, Lễ công bố đạt chuẩn nông thôn mới của xã, nhưng các em đã mang lại những tiết mục ấn tượng, nhận được nhiều lời khen ngợi.

Bà H'Wik Niê (buôn Bling) chỉ dạy con gái cách dệt hoa văn, họa tiết trên chăn.

Cồng chiêng cũng là nhạc cụ không thể thiếu, được người dân các buôn Kna B, Bling, Huk B… lưu giữ. Trong đó, buôn Bling hiện có 4 bộ cồng chiêng, mỗi bộ từ 7 – 9 chiếc và còn thành lập một đội đánh cồng chiêng gồm 9 người (từ 40 – 70 tuổi). Già làng buôn Bling Y Suai Mlô cho biết, cồng chiêng được coi là "linh hồn" trong đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào  Êđê nên những bộ cồng chiêng vẫn được người trong buôn gìn giữ cẩn thận, chỉ sử dụng trong những lễ hội, lễ cúng. Ông tự hào khi cồng chiêng vẫn luôn hiện hữu và ngân vang, để nhắc con cháu nhớ về tổ tiên, nguồn cội của mình.

Trong buôn Bling vẫn còn nhiều nghệ nhân biết dệt vải và ủ rượu cần. Đơn cử như gia đình bà H’Wik Niê, dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn miệt mài dệt vải và làm rượu cần như một thói quen lâu ngày. Để nghề này không bị mai một, bà đã nỗ lực chỉ dạy cho con cháu. Được quan sát và phụ giúp mẹ, hiện cô con gái thứ ba của gia đình bà đã biết dệt vải và ủ rượu thành thạo. Đối với bà H’Wik Niê, đó là niềm vui lớn khi nghề truyền thống lâu đời của gia đình được lưu giữ.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, việc khôi phục và phát huy văn hóa độc đáo của đồng bào Êđê ở xã Cư M’gar đang có những tín hiệu tích cực. Lớp trẻ đang dần tiếp nối, kế thừa và thể hiện đam mê với văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ những giá trị tốt đẹp của dân tộc mình.

Phương Thảo

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/9803/202106/chung-tay-gin-giu-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-5739476/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ