A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Một di tích vẫn còn đang "ngủ yên"!

09:01 | 07/06/2022

Di tích lịch sử quần thể Hang đá Khuê Ngọc Điền cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 74 km, là hệ thống các hang động nằm trên sườn đồi phía Nam của dãy Chư Yang Sin, thuộc địa bàn xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông).

Đây là nơi ẩn nấp, hoạt động cách mạng của dân quân du kích xã Khuê Ngọc Điền và một số cơ quan, ban, ngành của tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ, thời gian từ năm 1966 - 1975.

Quần thể hang đá bao gồm các hang chính như: Hang đá ông Bổ (hay Hang đá thôn 2, là hang lớn nhất, có diện tích khoảng 60 m2 với sức chứa từ 30 – 40 người); Hang đá thôn 1 (là nơi đóng chốt của Bộ Chỉ huy tỉnh Đắk Lắk, tại hang đá này đã diễn ra nhiều trận chiến ác liệt, cũng là nơi quân và dân ta hy sinh nhiều nhất, có thôn bị địch bắt và nhốt gần hết chỉ còn 4 người); Hang đá Mười Hơn (hay còn gọi là hang đá Bà Mười – nơi đặt nhà thờ Bác Hồ, là nơi đóng quân của Trung đoàn 401 và nhân dân thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền); Hang đá thôn 3 (còn gọi là hang đá ông Ngộ); Hang đá thôn 4 và một số hang đá khác.

Quần thể Hang đá Khuê Ngọc Điền được tạo thành bởi những khối đá lớn, nằm ở vị trí khá hiểm trở. 

Tất cả các hang thuộc quần thể Hang đá Khuê Ngọc Điền đều nằm sâu trong lòng núi, được bao phủ bởi rừng rậm, dây leo chằng chịt, tạo ra lớp vỏ bọc ngụy trang kín đáo và bí mật. Dù đứng ở vị trí nào với khoảng cách từ 30 m trở lên cũng không thể nhìn thấy được hang đá.

 

“Hiện nay Di tích quần thể Hang đá Khuê Ngọc Điền rất cần được đầu tư một con đường để dẫn vào di tích, hơn nữa rừng ở khu vực đất xung quanh di tích và một số hạng mục như nhà thờ Bác Hồ cũng cần được tôn tạo, phục dựng lại mới có thể vào tham quan và khai thác du lịch”

Chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền Nguyễn Văn Lịch

Các hang đều được tạo thành bởi những khối đá lớn, nằm ở vị trí khá hiểm trở, đường đi lại rất khó khăn. Các tảng đá chỗ thì khít lại, áp sát vào triền núi, chỗ thì dựa vào một cạnh hay một góc của tảng đá liền kề, tạo những khe hở thông nhau, có chỗ chỉ một người đi lọt, chỗ thì rộng khoảng 2 - 5m. Những tảng đá trong hang nhỏ nhất cũng nặng 3 - 4 tấn. Mặt sau của hang dựa vào một triền núi, phía bên phải trải ra thành những ngóc ngách, chỗ thì thông nhau, chỗ thì khít lại.

Ông Lâm Sanh Lại, nguyên Xã đội trưởng, nguyên Trưởng đội dân quân du kích xã Khuê Ngọc Điền nhớ lại, Di tích quần thể Hang đá Khuê Ngọc Điền là nơi ghi dấu nhiều sự kiện và thể hiện tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân dân xã Khuê Ngọc Điền trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Những năm tháng ấy quân và dân ta đã chiến đấu quên mình để vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù, giữ vững căn cứ địa cách mạng H9.

Với những giá trị to lớn về lịch sử, ngày 27/1/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 245/QĐ-UBND xếp hạng quần thể Hang đá Khuê Ngọc Điền là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Tuy nhiên, trải qua gần chục năm sau khi được xếp hạng Di tích lịch sử, quần thể hang đá này vẫn ở trong trạng thái “ngủ yên”.

Quần thể Hang đá Khuê Ngọc Điền được tạo thành bởi những khối đá lớn, nằm vị trí khá hiểm trở, đi lại rất khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền chia sẻ, từ khi được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đến nay, quần thể Hang đá Khuê Ngọc Điền chưa được đầu tư tôn tạo hay xây dựng cơ sở vật chất gì. Đường đi vào quần thể hang đá khá khó khăn và nguy hiểm nên rất khó để tham quan, tìm hiểu về di tích này. Thỉnh thoảng có các cựu chiến binh hay cán bộ hưu trí tổ chức các đoàn về thăm lại chiến trường xưa thì di tích mới được “gõ cửa”. Bên cạnh đó, phần đất rừng ở xung quanh quần thể hang đá đang có nguy cơ bị người dân xâm lấn làm nương rẫy.

Ngoài mang ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, Di tích quần thể Hang đá Khuê Ngọc Điền còn là nguồn sử liệu quý giá để các thế hệ sau tìm hiểu, nghiên cứu. Di tích còn có giá trị to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ. Mặc dù mang ý nghĩa lớn lao là vậy nhưng dường như di tích này đang bị lãng quên một cách đáng tiếc. Vì vậy, thiết nghĩ chính quyền và các cơ quan chức năng cần có giải pháp để di tích này được “gõ cửa” thường xuyên, đừng để một di tích “ngủ yên” chưa rõ ngày “tỉnh dậy”.

Khả Lê

Bài viết gốc:   https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202206/mot-di-tich-van-con-dang-ngu-yen-ec201dd/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ