A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xuân về nói chuyện văn hoá

09:16 | 13/01/2015

Việc đầu tư cho văn hoá không đem lại hiệu quả kiểu “tiền tươi, thóc thật” ngay giống như đầu tư cho kinh tế mà phải lâu dài, bền bỉ.

Việt Nam ta là một nước văn hiến. Nếu tính văn hoá quốc gia từ ngày hình thành Tổ quốc thì nước ta rất tự hào có truyền thống mấy ngàn năm. Ở một hoàn cảnh phải luôn đối phó với thiên tai, địch hoạ nên bản sắc văn hoá Việt Nam khá rõ rệt. Để có được điều đó, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn đề cao gìn giữ, phát triển văn hoá, coi văn hoá cũng như độc lập tự chủ là sự tồn vong của Tổ quốc. Tiếp đến thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930) và lãnh đạo đất nước đến nay, có ba mốc chính đánh dấu quan điểm và đường lối của Đảng về vấn đề văn hoá.

Mốc đầu tiên thể hiện quan điểm của Đảng về vấn đề văn hoá chính là Đề cương văn hoá Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh trực tiếp khởi thảo năm 1943 với ba nội dung, ba phương châm: “Dân tộc, Khoa học, Đại chúng”, không chỉ nhằm đấu tranh trực diện chống lại văn hóa phản động của thực dân Pháp đang áp đặt lên nước ta, mà còn phản ánh được quy luật vận động và phát triển tất yếu của văn hóa. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Hồ Chủ tịch đã đúc kết thành câu nói “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” và “kháng chiến hoá văn hoá, văn hoá hoá kháng chiến”. Trong giai đoạn chống Mỹ và thống nhất đất nước cũng vậy, việc gìn giữ và phát triển văn hoá là nhằm mục đích cao nhất: giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Mốc thứ 2 về quan điểm của Đảng đối với sự phát triển văn hoá được thể hiện qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII. Đảng ta đã xác định quan điểm và hoạch định đường lối phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Coi văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực và mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Với tinh thần và mục tiêu như vậy, nền kinh tế đất nước có nhiều khởi sắc. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, tổn thất nhiều sau chiến tranh, Việt Nam đã xuất khẩu được lương thực, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao… Sau khi đất nước mở cửa (1995), chúng ta từng bước gia nhập vào nền kinh tế thế giới. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện của thuật ngữ: “xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”.

Mốc thứ 3 thể hiện quan điểm của Đảng về đường lối phát triển văn hoá là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng khoá XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 9/6/2014) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết này đã chỉ rõ nhiều mặt bất cập và hạn chế sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII.

Quan điểm đầu tiên của Nghị quyết số 33-NQ/TW là coi “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Có thể thấy đây là lần đầu tiên, vai trò và vị trí của văn hoá được Đảng đề cao nhất. Từ vị trí “phục vụ chính trị” để góp phần giành độc lập dân tộc, tiếp đến là “động lực để phát triển kinh tế” thời mở cửa và đến nay văn hoá được xếp đứng “ngang hàng với kinh tế, chính trị”.

Việc phát triển văn hoá được nhiều nước trên thế giới coi trọng. Hàn Quốc là một ví dụ. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, thế nhưng chỉ sau 30 năm đã vào top những quốc gia giàu nhất thế giới. Việc đầu tư cho văn hoá, giáo dục không hề thua kém cho đầu tư về khoa học công nghệ. Thế hệ những sinh viên sang Mỹ du học về điện ảnh đã làm nên sự thần kỳ. Nền điện ảnh Hàn Quốc phát triển rực rỡ không chỉ quảng bá văn hoá, hình ảnh đất nước con người của họ mà còn đem lại nguồn lợi kinh tế lớn.

Thiết nghĩ, để xây dựng được bản Nghị quyết mới về vấn đề phát triển văn hoá mới này đã khó thì việc triển khai và thực hiện cho được hiệu quả còn khó khăn gấp bội. Cái khó khăn nhất theo người viết có lẽ xây dựng cho được cơ chế ưu đãi đầu tư về văn hoá trên nhiều phương diện: nguồn vốn, cán bộ, chính sách thuế, quy định pháp luật...

Việc đầu tư cho văn hoá không đem lại hiệu quả kiểu “tiền tươi, thóc thật” ngay giống như đầu tư cho kinh tế mà phải lâu dài, bền bỉ. Nếu tính về khía cạnh đầu tư kinh phí, trên thực tế, việc đầu tư cho văn hoá trong khoảng mười năm trở lại đây quá thấp nếu như so sánh với đầu tư cho các ngành khác. Ví như đầu tư cho ngành điện ảnh cả năm chưa đến 10 tỷ đồng (tương đương 0.5km làm đường quốc lộ). Trong khi đó, ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất phim trong nước cũng rất thua thiệt với những ưu đãi dành cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Chỉ tính riêng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, số lượng rạp chiếu phim thu hút người xem đa phần có nguồn vốn nước ngoài. Trung tâm chiếu phim quốc gia thì trừ ngày lễ, Tết chiếu phim Việt Nam còn thì đều ưu tiên chiếu phim nước ngoài. Nhìn sang phim truyện truyền hình Việt Nam, phim truyện nước ngoài ngập tràn trên các kênh. Tỷ lệ 50% phim truyện truyền hình Việt Nam lên sóng so với phim ngoại đặt ra của ngành có lẽ chỉ đạt được ở 1 - 2 kênh. Đó cũng là sự cố gắng của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) khi liên kết xã hội hoá với các đối tác tư nhân để sản xuất chương trình…

Ngày 9/1, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo “Những giải pháp tổ chức triển khai Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và nhà hoạch định chính sách văn hóa về vấn đề tổ chức triển khai Nghị quyết 33, góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống một cách bền vững.

 Từ Khôi

    Nguồn: tapchilangviet.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ