A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân

14:12 | 07/10/2015

Những năm qua, thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn Đắk Lắk đạt được nhiều kết quả quan trọng, ...

... đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phát huy quyền dân chủ, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị, khóa VIII về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở và các văn bản của Quốc hội, Chính phủ về thực hiện QCDC ở xã, các cơ quan, doanh nghiệp, công ty…, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các Đảng ủy trực thuộc, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn triển khai phù hợp với đặc điểm cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Qua đó, Tỉnh ủy đã chọn 2 đơn vị cơ sở là phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) và xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar)  để chỉ đạo điểm. Các cấp ủy huyện, thành phố cũng chọn từ 1 - 2 xã điểm để thực hiện. UBND các cấp đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện QCDC cơ sở ở cả 3 loại hình (cấp xã, phường, thị trấn; cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; các loại hình doanh nghiệp) gắn với các phong trào thi đua và thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tổ chức đối thoại trực tuyến, trực tiếp với nhân dân, tăng cường sự giám sát của nhân dân trong hoạt động của bộ máy chính quyền; tổ chức đối thoại giữa cơ quan Nhà nước với các doanh nghiệp, người lao động nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp…

Người dân cùng góp sức làm đường giao thông nông thôn mới ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột).

Người dân cùng góp sức làm đường giao thông nông thôn mới ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột).

Trong 3 loại hình thực hiện QCDC thì việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn mang lại hiệu quả rõ rệt nhất. Bằng nhiều hình thức công khai như niêm yết tại trụ sở HĐND, UBND và trên hệ thống truyền thanh, qua các cuộc họp thôn, buôn…, những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến nhân dân được thông báo rộng rãi. Các nội dung dân bàn, biểu quyết, tham gia ý kiến để các cấp có thẩm quyền quyết định được thực hiện đúng quy trình. Hoạt động của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng được đẩy mạnh, từng bước phát huy hiệu quả, đã phát hiện và kiến nghị khắc phục, xử lý kịp thời các thiếu sót, sai phạm. Từ năm 1998 đến nay, Ban thanh tra nhân dân đã giám sát hơn 5.800 vụ việc, Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã giám sát hơn 3.300 vụ việc, tập trung vào các nội dung như: quản lý các nguồn quỹ do nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng các công trình công cộng, sử dụng đất đai tại địa phương… Cùng với các nội dung trên, các địa phương còn gắn việc thực hiện QCDC với cải cách thủ tục hành chính, thực hiện “cơ chế một cửa”. Hiện các quy định về thủ tục hành chính đã được niêm yết công khai tại trụ sở và có cán bộ hướng dẫn, tư vấn tạo điều kiện cho nhân dân giải quyết công việc thuận lợi, rút ngắn thời gian, giảm phiền hà cho dân và tổ chức đến giao dịch. Qua đó đã góp phần hạn chế tiêu cực, tạo được niềm tin cho nhân dân. Việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn từng bước được nâng cao, khơi dậy tinh thần đoàn kết của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, hoạt động đền ơn đáp nghĩa…

Nhân dân nhiều địa phương đã tự nguyện đóng góp công sức, đất đai, ngày công, tiền của để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Trong quý III năm 2015, các địa phương đã huy động doanh nghiệp đóng góp 4 tỷ đồng và nhân dân trên 56 tỷ đồng, đồng thời hiến trên 80.000 m2 đất, 13.000 ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Ông Trần Văn Bảo, Bí thư xã Phú Lộc (huyện Krông Năng) cho biết, trong những năm qua, Đảng ủy xã đã vận dụng đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước điều hành và nhân dân làm chủ trong thực hiện QCDC ở cơ sở.

Theo đó, Đảng và chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy quyền làm chủ, trực tiếp bàn và quyết định những vấn đề liên quan đến đời sống của họ. Nhờ đó mà hầu hết các thôn, buôn khi tiến hành xây dựng, sửa chữa các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, chợ, thủy lợi… người dân đều tự nguyện giải tỏa mặt bằng, không đòi hỏi đền bù. Việc huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới cũng được tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ, nhân dân tham gia bàn và quyết định về mức đóng góp, cách thức làm và thực hiện giám sát công trình để bảo đảm tiến độ và chất lượng. Thời gian qua, các thôn, buôn đã huy động được hàng tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động để sửa chữa, làm đường giao thông… Điều này đã tạo được sự đoàn kết nhất trí trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo tại mỗi địa phương.

Theo đánh giá của Ban Dân vận tỉnh, qua 17 năm thực hiện QCDC ở cơ sở đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quần chúng cũng như cán bộ, đảng viên trong tỉnh về phát huy quyền dân chủ ở cơ sở. QCDC đã làm chuyển biến về phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, cách điều hành và lề lối làm việc của chính quyền cơ sở theo hướng sâu sát dân và tôn trọng dân. Ý thức phục vụ nhân dân cũng như tác phong của cán bộ đã có nhiều thay đổi, giảm bớt được bệnh quan liêu, tiêu cực trong xã hội. Đặc biệt, QCDC ở cơ sở đã làm tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, tạo động lực mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Thuận Nguyễn

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ