A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tổng điều tra, rà soát hộ nghèo: Tăng cường giám sát quy trình thực hiện

10:02 | 18/12/2015

Hiện nay, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đang tích cực, khẩn trương tiến hành công tác tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015....

...Tuy khối lượng công việc nhiều, phức tạp nhưng các thành viên trong Ban chỉ đạo giảm nghèo, tổ trưởng, điều tra viên đã nỗ lực thực hiện nhằm bảo đảm tính khách quan, chính xác.

Cùng các điều tra viên của buôn Ja (xã Ea Trul, huyện Krông Bông) đến điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016-2020, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, tích cực với tinh thần trách nhiệm cao. Mặc dù các điều tra viên đã được Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức tập huấn quy trình điều tra, sau đó được cán bộ giảm nghèo xã hướng dẫn, giải thích lại phương pháp, cách thức thu thập thông tin trên các phiếu nhưng khi áp dụng vào thực tế  vẫn không tránh khỏi bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu. Theo quan sát của chúng tôi, khi thu thập thông tin nhận diện nhanh hộ gia đình (phiếu A) thì điều tra viên thực hiện khá nhanh, còn khi chuyển sang phiếu khảo sát xác định hộ nghèo (gồm phiếu B1 là các chỉ tiêu ước tính thu nhập của hộ và phiếu B2 là chỉ tiêu về các nhu cầu xã hội cơ bản) hay thu thập thông tin, đặc điểm hộ nghèo, hộ cận nghèo (phiếu C) thì sự lúng túng thể hiện rõ. Chẳng hạn, một số chỉ tiêu ước tính thu nhập của hộ, chất lượng, diện tích nhà ở, các loại nhà vệ sinh… điều tra viên phải rà đi xét lại nhiều lần mới tính đúng số điểm của hộ. Ông Ama Phúc, điều tra viên của buôn Ja bộc bạch: “Tính đến thời điểm điều tra, toàn buôn có 62 hộ nghèo, hộ cận nghèo cộng thêm một số trường hợp đăng ký tham gia điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 nên khối lượng công việc nhiều. Trong khi đó, việc điều tra, rà soát theo quy trình lại có nhiều biểu mẫu và tiêu chí nên chúng tôi gặp một số khó khăn. Hơn nữa, việc ghi chữ và số vào phiếu khảo sát phải bảo đảm theo mẫu và màu mực quy định, lúc đầu chưa quen nên viết chậm và không tránh khỏi tình trạng nhầm lẫn, sai sót. Vì vậy, mỗi buổi chúng tôi chỉ chỉ thu thập thông tin được 2 - 3 hộ gia đình”. Chị H’Nút Niê, một hộ nghèo ở buôn Ja cho biết: “Năm nay, việc điều tra hộ nghèo kỹ lưỡng và nhiều nội dung hơn mọi năm. Trong quá trình thu thập thông tin, điều tra viên vừa hỏi, vừa giải thích cặn kẽ nên tôi cũng hiểu rõ và cung cấp đầy đủ, chính xác”.

Điều tra viên tổ dân phố 9, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) điều tra, thu thập thông tin hộ nghèo trên địa bàn.

Theo ông Trương Văn Thùy, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Krông Bông, để thực hiện tốt việc điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2016-2020, căn cứ hướng dẫn của Sở LĐTBXH, Phòng LĐTBXH đã chủ động xây dựng, tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch, tổ chức tập huấn cho 139 điều tra viên ở các xã, thị trấn, thành lập Ban chỉ đạo tổng điều tra cấp huyện, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn. Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra, huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát để nhắc nhở, động viên, kịp thời tư vấn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác điều tra chính xác, khách quan, đạt kết quả tốt. Nhờ vậy, đến thời điểm này, huyện Krông Bông đã hoàn thành được khoảng 70% khối lượng công việc.

Là một trong những địa phương thuộc khu vực thành thị, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, trích ngân sách xã mua sắm văn phòng phẩm cho các điều tra viên, hướng dẫn lại quy trình, cách thức thu thập thông tin theo cách “cầm tay chỉ việc” để việc điều tra được tiến hành đúng quy định, thời gian. Chị Bùi Thị Sương, cán bộ giảm nghèo phường Ea Tam cho biết: cách thức điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm nay hoàn toàn mới so với mọi năm đòi hỏi sự tỷ mỉ, chi tiết nên một số điều tra viên ở các thôn, buôn không tổng hợp được phiếu. Vì vậy, các cán bộ phụ trách địa bàn đã xuống trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ điều tra, tổng hợp điểm. Để bảo đảm tính chính xác, khách quan, công bằng, đúng đối tượng, các điều tra viên đã đến tận hộ gia đình, không chỉ nghe cung cấp thông tin một chiều, mà còn quan sát, thậm chí tìm hiểu thêm từ những hộ lân cận. Ông Phạm Ngọc Liễn, điều tra viên tổ dân phố 9, phường Ea Tam cho hay: “Bên cạnh 29 hộ nghèo, hộ cận nghèo cũ thì tổ dân phố có thêm 16 hộ đăng ký điều tra trong đợt này. Tuy cách thức điều tra, chấm điểm năm nay mới so với trước kia nhưng nhờ thâm niên làm tổ trưởng dân phố nhiều năm, có kinh nghiệm điều tra hộ nghèo và tham gia tập huấn đầy đủ nên tôi không bị bỡ ngỡ. Do cuộc tổng điều tra diễn ra vào thời điểm người dân thu hoạch cà phê hoặc đi làm thuê kiếm thêm thu nhập, điều tra viên phải đi lại nhiều lần hoặc tranh thủ thời gian buổi trưa, tối nên đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ”.

Anh Nguyễn Văn Thống, Phó Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTBXH cho biết: Cuộc tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm nay có điểm mới như áp dụng phương pháp tiếp cận đo lường từ đơn chiều sang đa chiều, sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin... nên bên cạnh việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn phương pháp, quy trình, bộ công cụ điều tra, rà soát cho cán bộ điều tra viên ở các địa phương, Sở đã thành lập tổ tiến hành kiểm tra, giám sát ở tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn cho cán bộ, điều tra viên cơ sở thực hiện đúng theo quy định, hạn chế tối đa sai sót. Đồng thời, cán bộ của phòng trực tiếp giải đáp, tư vấn, hướng dẫn qua điện thoại. Nhờ vậy, đến thời điểm này, công tác điều tra, rà soát hộ nghèo đã và đang được triển khai tích cực, khẩn trương ở khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

 Nguyễn Xuân

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ