A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Con không đội mũ bảo hiểm, cứ phạt bố mẹ rồi đưa lên truyền hình

14:36 | 25/02/2016

Ông Khuất Việt Hùng nhận định: Chúng ta đồng ý và chắc chắn ngành giáo dục sẽ phối hợp để nâng cao ý thức phụ huynh, cũng như học sinh trong việc chấp hành ATGT, đội mũ bảo hiểm.

Về khó khăn trong xử phạt, chúng ta cần đi đến thống nhất: Xử phạt chính là hình thức giáo dục tốt nhất đối với cha mẹ học sinh. Cứ phạt đi, đưa lên truyền hình gương mặt cha mẹ học sinh sai phạm thì họ thấy xấu hổ sẽ khắc phục.
 

Tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em còn thấp.

Ngày 24/2, tại Hà Nội, Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, Bộ GD&ĐT phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện kế hoạch hành động “Tăng cường thực hiện quy định của pháp luật đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em 2015”. Tại Hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định, đối tượng cần tuyên truyền mạnh mẽ là cha mẹ học sinh. 

Tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm không ổn định

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2015 là năm thứ hai liên tiếp số người tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) giảm xuống dưới 9 nghìn người. Tuy nhiên, nhìn chung số vụ TNGT vẫn còn cao, số người chết vì TNGT còn nhiều. Trong đó có không ít là các em trong độ tuổi đến trường. Một trong những nguyên nhân là do không thực hiện đúng quy định đội mũ bảo hiểm.

Nghiên cứu độc lập của Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á (AIP) cho hay: Từ tháng 3/2014 đến tháng 4/2015, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm tăng 32% so với cùng kỳ năm trước (từ 36% lên tới 68%); Tuy nhiên, từ tháng 4-2014 tới tháng 12/2015, tỷ lệ giảm xuống còn 21% (từ 68% xuống còn 47%). Tính trung bình, từ tháng 3/2014 đến tháng 12/2015, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em tăng 11% (từ 36% lên tới 47%). 

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định: Tỷ lệ chấp hành đội mũ bảo hiểm cho trẻ em ở các địa phương đều tăng lên, tuy nhiên vẫn ở mức thấp và tỷ lệ không được duy trì ổn định.

Chỉ lo trước mắt không lo lâu dài

Về lí do khiến tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em không ổn định nhiều cán bộ chuyên trách cho rằng, do các bậc phụ huynh chỉ lo lắng trước mắt mà không nghĩ đến lâu dài.

“Hiện nay một gia đình chỉ có 2 con là chủ yếu. Các bậc cha mẹ lúc nào cũng lo cho con từ bữa ăn giấc ngủ nhưng việc nhắc nhở con em đội mũ bảo hiểm đến trường, kể cả việc phụ huynh chở con em đến trường… còn rất lơ là. Đến khi bị nhắc nhở xử lý thì lại lấy lí do đường ngắn, chỉ đi có một đoạn, không xảy ra việc gì đâu…” -  Ông Từ Nhật Tú, đại diện Ban ATGT Quảng Bình chia sẻ. 

“Theo tôi nghĩ đối tượng cần tập trung tuyên truyền nhiều hơn là các bậc phụ huynh. Năm nào cũng vậy, cứ đầu năm, giữa học kỳ, giữa năm đều có hoạt động liên quan đến họp phụ huynh, lúc đó ngành giáo dục và ngành công an cần phối hợp để đưa nội dung chấp hành ATGT nói chung và đội mũ bảo hiểm cho trẻ em nói riêng vào để nhắc nhở” – ông Tú nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định rằng: Việc “răn” là việc của xã hội, của nhà trường, của gia đình. Việc “đe” là việc của các, cơ quan chức năng. Hai việc này cần phải cùng lúc. Việc này cũng liên quan trực tiếp đến tính mạng người dân, tại sao chúng ta không làm được? 

“Tôi cứ suy nghĩ tại sao một người cha người mẹ đèo con đi ngoài đường, thấy mưa một cái là chạy ngược trở lại đi mua bằng được áo mưa che cho con? Thế mà đến từng km cuối cùng trong cuộc đời, quan trọng đến tính mạng của con thì không lo. Nghĩa là họ chỉ lo trước mắt thôi, còn hiểm họa lâu dài thì không coi trọng, cứ nghĩ rằng nó đến với con người khác chứ không đến với con mình” – ông Thống nói. 

Xử phạt là hình thức giáo dục tốt nhất

Nhìn vào thực tế, ông Nguyễn Hiệp Thống khẳng định: Nếu cha mẹ chưa có ý thức thì cũng đừng quy trách nhiệm hết cho giáo viên chủ nhiệm, nhà trường. Bởi cần có sự phối hợp đều giữa gia đình, nhà trường, xã hội. Tôi đã từng chia sẻ rằng, phụ huynh phải coi việc nhắc con đội mũ bảo hiểm như nhắc con vệ sinh răng miệng buổi sáng. 

Thêm vào đó, ông Thống khẳng định, người lớn chưa làm gương thì chưa an toàn. “Nếu thấy học sinh trường nào không đội mũ bảo hiểm, tôi đồng ý với quan điểm cần có thông báo cho nhà trường. Chúng tôi cam kết sẽ xử lý nghiêm”. 

Qua nhiều ý kiến tại Hội nghị, ông Khuất Việt Hùng nhận định: Chúng ta đồng ý và chắc chắn ngành giáo dục sẽ phối hợp để nâng cao ý thức phụ huynh, cũng như học sinh trong việc chấp hành ATGT, đội mũ bảo hiểm. Về khó khăn trong xử phạt, chúng ta cần đi đến thống nhất: Xử phạt chính là hình thức giáo dục tốt nhất đối với cha mẹ học sinh. Cứ phạt đi, đưa lên truyền hình gương mặt cha mẹ học sinh sai phạm thì họ thấy xấu hổ sẽ khắc phục. Người khác nhìn thấy cũng tự rút kinh nghiệm là hình thức giáo dục tốt nhất. Tất nhiên, đúng là trong hàng nghìn người không đội mũ bảo hiểm phạt hết hơi khó, nhưng chúng ta cứ kiên quyết, mưa lâu thấm dần tôi nghĩ sẽ là cách giáo dục tốt nhất.         

   Phương Linh

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ