A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Rừng, đóng và khóa

08:27 | 11/07/2016

Từ Hội nghị “Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-20120”, diễn ra tại Đắc Lắc ngày 20/6, với thông điệp đóng cửa rừng tự nhiên để bảo vệ rừng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ...

... vấn đề tàn phá rừng bấy lâu nay lại nổi lên, khiến dư luận bức xúc. Đóng cửa rừng tại thời điểm này được coi là hết sức cần thiết, tuy nhiên tiếp đó là việc địa phương cũng như các ngành hữu quan vào cuộc thế nào, lại là vấn đề cực kỳ quan trọng. Nếu không, chỉ đóng cửa rừng thôi chưa đủ, khi cánh cửa đó không có khóa.

Những thân gỗ lớn bị lâm tặc đốn hạ trong rừng phòng hộ Đức Cơ, 
địa phận xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.

Cán bộ lãnh đạo tỉnh có đi thực tế nhận ra nguyên nhân mất rừng nhưng không làm rõ nguyên nhân, không làm rõ được trách nhiệm vì có… quân ta trong đó. Rõ ràng là khi “quân ta” kiếm lợi một cách bất chính thì không khác nào đã biến thành “quân địch”.

Nạn xâm hại, tàn phá rừng diễn ra đã lâu với mức độ khủng khiếp khiến những cánh rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên biến mất. Hậu quả để lại là hết sức to lớn và lâu dài. Tốc độ trồng rừng mới quá chậm chạp, kỉ cương không nghiêm, rừng vẫn bị tàn phá. Chính vì thế, chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đóng cửa tất cả rừng tự nhiên, không chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng các loại cây công nghiệp, không triển khai các công trình thủy điện… đã nhận được sự ủng hộ của xã hội. Nhưng, vì lợi nhuận, lợi ích nhóm, lợi ích địa phương cục bộ, dư luận cho rằng đây sẽ là cuộc chiến cam go.

1. Ngày 20/6, tại Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) đã diễn ra Hội nghị “Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-20120”. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, nhiều diện tích rừng giao rồi nhưng do lực lượng mỏng, cùng với tình trạng tiêu cực, tham nhũng, bảo kê, bao che dẫn đến mất rừng, rừng tự nhiên của Tây Nguyên bị tàn phá. Thủ tướng nhấn mạnh, việc suy giảm diện tích, chất lượng rừng Tây Nguyên trong những năm qua là hết sức nghiêm trọng, nếu không sớm ngăn chặn thì hậu quả sẽ khôn lường.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2014, diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho Tây Nguyên hơn 3,3 triệu ha. Cụ thể, đất có rừng hiện nay là hơn 2,5 triệu ha, giảm 180.000ha rừng so với năm 2010. Trong đó,  việc chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả là 110.000ha, chiếm 40,3%; chuyển rừng sang mục đích xây dựng công trình thủy điện, giao thông... 37.000ha, chiếm 13,8%; còn lại là do phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác với gần 123.000ha, chiếm 45%...

Thật khủng khiếp, chỉ với 4 năm mà Tây Nguyên mất tới180.000ha rừng. Rừng với Tây Nguyên là vô cùng quan trọng và hệ trọng. Vị trí của Tây Nguyên trong vai trò “mái nhà Đông Dương” lại càng hệ trọng. Thủ tướng nhấn mạnh, mất rừng chủ yếu là do rừng của chúng ta đang vô chủ, “cha chung không ai khóc”. Theo số liệu, rừng giao cho người dân chỉ chiếm 4%, số còn lại 96% giao cho các tổ chức nhưng gần như không được  quản lý, giám sát chặt chẽ, dần biến mất.

Ở một khía cạnh khác, những người làm công tác văn hóa cũng đã nhiều lần lên tiếng về mất không gian Tây Nguyên nếu như rừng ngày càng thu hẹp. UNESCO đã công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam, nhưng không gian ấy sẽ ra sao khi những dàn cồng chiêng cổ vẫn bị bán đi, không có nơi để thực hành cồng chiêng trong cộng đồng mà thay vào đó chỉ là vài ba buổi biểu diễn mang tính sân khấu hóa mỗi năm. Không còn rừng, không còn cồng chiêng, không còn nhà rông, thì cũng sẽ không còn những đêm kể Khan bất tận làm nên một Tây Nguyên huyền thoại.

Với những chuyên gia môi trường, khi rừng mất, độ che phủ thấp, khí hậu sẽ biến đổi nhanh, quyết liệt và dữ dội hơn. Những dòng suối cạn khô trơ đáy, diện tích hoang mạc hóa ngày một nhiều thêm, khi mùa mưa đến bất ngờ xuất hiện những trận lũ quét kinh hoàng. Không phải do trời trừng phạt mà do chính con người tự đem thảm họa đến cho mình, cho con cháu mình khi những cánh rừng bị đốn hạ.

2. Nhưng, “con người” ở đây là ai? Thủ phạm chính là ai? Câu hỏi ấy phải được đặt ra một cách nghiêm túc, nếu không rừng sẽ vẫn tiếp tục bị tàn phá.

Giới khoa học đã chỉ ra nguyên nhân của việc rừng bị tàn phá. Cùng với nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan bao gồm:

- Do nhận thức của con người, khai thác không đúng quy hoạch.

- Do quy hoạch một số vụ việc, kế hoạch không đúng đối với quá trình điều chế rừng, sắp xếp ngành nghề...

- Hoạt động quản lý nhà nước về rừng yếu kém. 

- Do tập tục du canh du cư, đốt nương làm rẫy của một số cộng đồng thiểu số bà con dân tộc vùng cao.

- Do quá trình chuyển hóa đất từ sản xuất lâm nghiệp sang sản xuất nông nghiệp.

- Do xây dựng cơ bản: xây dựng đường giao thông, công trình thủy điện,...

- Do hoạt động phá rừng của lâm tặc nhằm để lấy lâm sản.

- Lợi ích thu lợi nhuận của các công ty.

Như vậy, hầu hết các nguyên nhân khiến rừng bị mất đều là do con người, trong đó đặc biệt quan trọng là do năng lực quản lý kém của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Lực lượng tuy vẫn mỏng nhưng chúng ta không phải không đủ lực lượng để giữ rừng, cụ thể là kiểm lâm, biên phòng, cùng đó là cán bộ chính quyền thôn/xã. Nhưng rừng vẫn bị phá. Lâm tặc đâu ra mà lắm thế để phá 180.000 hecta rừng Tây Nguyên chỉ trong vòng 4 năm? Và nếu chỉ do lâm tặc đốn hạ rừng thì với ngần ấy lực lượng- chắc chắn “quân số” sẽ đông hơn lâm tặc nhiều lần- thì lý gì lại không tiễu trừ được. Đã đến lúc không thể đổ hết lỗi mất rừng sang cho lâm tặc, cho dù quả là những người bị gọi là “tặc- giặc” ấy vi phạm pháp luật cần phải bị xử lý nghiêm khắc. Quan trọng là phải tìm nguyên nhân ở chỗ khác, dám thừa nhận nguyên nhân đó và đặc biệt là phải hành xử trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không thể để cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ địa phương làm cho tình hình không thể khắc phục được.

Một nguyên nhân khác cũng được đẩy ra để lấp đi nguyên nhân chính, đó là việc người dân đốt rừng làm rẫy, người dân di cư từ nơi khác đến phá rừng. Có, nhưng cũng không thể tàn hại rừng nhanh chóng đến thế. Người dân Tây Nguyên xưa (cũng như nhiều vùng bà con dân tộc thiểu số khác miền núi phía Bắc) có tập tục đốt nương làm rẫy. Tuy nhiên, qua nhiều năm tháng vận động cùng sự đi lên của xã hội, phương cách du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy cũng chỉ còn rải rác. Nơi bị đốt để khẩn hoang chủ yếu là ở bìa rừng, không phải ở vùng lõi với hàng ngàn cây gỗ to. Vì thế không thể đổ hết lỗi cho bà con. Những hộ dân di cư, tìm đến nơi sinh kế tốt hơn cũng là một nhu cầu có thực. Vấn đề là họ có thực sự là thủ phạm chặt hạ rừng không thì phải rất sòng phẳng. Bà con cần đất để dựng nhà, để canh tác, không ai muốn phá rừng, vì hơn ai hết những người từ đời này sang đời khác sống dựa vào nguồn lợi của rừng sẽ biết quý trọng rừng. Tạo điều kiện sống cho bà con, giao rừng để họ quản lý- đó mới là căn cốt chứ không phải là chuyện người ta đã định canh định cư đến hơn 20 năm vẫn không được hợp pháp hóa, khác nào đẩy người ta vào rừng sâu, xui người ta phá rừng để tồn tại.

“Cũng cần làm rõ trách nhiệm của kiểm lâm, địa bàn, tránh tình trạng cha chung không ai khóc. Cây gỗ chứ không phải cây kim bỏ trong túi mà giấu được. Các cơ sở chế biến gỗ tự nhiên cần được dẹp bỏ và phải cấm xuất khẩu gỗ tự nhiên đã qua chế biến để chặn đầu ra. Chúng ta đã cấm xuất khẩu gỗ tròn nhưng chưa cấm gỗ tự nhiên đã qua chế biến, đó là một kẽ hở”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hôi nghị “Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-20120”, tại Đắc Lắc 20/6.

3. Những năm qua, người ta đã chứng kiến quá nhiều lần lũ quét ập về trên Tây Nguyên. Những cánh rừng bị chặt hạ, cây to không còn nhiều, không còn giữ được nước nên việc lũ tràn về và ngày một hung hãn. Đã thế, cộng với lũ trời, lũ do con người tạo ra cũng lại càng làm cho tình hình khó khăn.

Việc cấp phép xây dựng quá nhiều các công trình thủy điện lớn nhỏ khác nhau ở Tây Nguyên và vùng rừng núi Nam Trung Bộ những năm qua đã làm khí hậu biến đổi trên phạm vi rộng. Những con sông, dòng suối bị nắn dòng phục vụ cho thủy điện. Những hồ chứa nước, đập tràn mọc lên khắp nơi. Cùng với việc phục vụ nhà máy phát điện, thì những hồ, đập ấy phải làm nhiệm vụ điều tiết nước trong các mùa khô - mưa. Điều tiết đâu chẳng thấy, nhưng người dân lại hết sức lo sợ mỗi khi mưa kéo dài, các hồ, đập chứa nước thủy điện lại xả- kể cả xả trong đêm- vì các ông chủ lo vỡ đập khiến cuộc sống bà con bỗng chốc lâm vào cảnh khốn cùng.

Những nhà máy thủy điện ấy lấy đất, lấy rừng, nhưng những ông chủ nhà máy lại không chịu trồng lại rừng. Trong cam kết khi xin dự án, thì ai cũng hứa sẽ trồng lại đủ diện tích rừng đã lấy đi, nhưng khi dự án hoàn công, nhà máy đi vào sản xuất thu lợi nhuận thì mấy ai bỏ tiền ra trồng lại rừng. Đó mới là nguyên nhân mất rừng lớn nhất. Chính quyền địa phương biết nhưng làm ngơ, thậm chí bắt tay với doanh nghiệp để kiếm lợi. Cách đây chưa lâu, trong một cuộc họp Ban chỉ đạo nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (2011-2020) do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), một vị lãnh đạo tỉnh Đắc Nông phát biểu, cán bộ có nhận đất, nhận rừng, có buôn bán đất đai, có chỉ đạo bật đèn xanh cho phá rừng. Theo ông này, cán bộ lãnh đạo tỉnh có đi thực tế nhận ra nguyên nhân mất rừng nhưng không làm rõ nguyên nhân, không làm rõ được trách nhiệm vì có... quân ta trong đó. Rõ ràng là khi “quân ta” kiếm lợi một cách bất chính thì không khác nào đã biến thành “quân địch”. Sự hư hỏng của bộ máy dẫn đến nạn phá rừng triền miên trên diện rộng.

Thủ tướng đã ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng các loại cây công nghiệp, dừng cấp phép cho các công trình thủy điện bao chiếm rừng, đất rừng. Cửa rừng đã đóng, vấn đề còn lại là ổ khóa cho cánh cửa đó. Nếu cửa đóng nhưng không khóa thì những kẻ trục lợi vẫn có thể lách vào, và rừng sẽ tiếp tục bị phá từ bên trong phá ra.

Ai sẽ là “ổ khóa” cho những cánh rừng? Câu trả lời không khó, khó chăng chỉ là do họ có chịu thực thi trách nhiệm công vụ của mình không mà thôi.

    Hà Trọng Nghĩa

 

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ