A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chương trình tái canh cà phê: Nắm bắt cơ hội để phát triển cà phê bền vững

14:20 | 12/07/2016

Đã hơn 3 năm triển khai với rất nhiều nỗ lực của các ngành Ngân hàng, Nông nghiệp và các địa phương, nhưng đến nay chương trình cho vay tái canh cà phê vẫn đạt kết quả rất thấp.

Tại Đắk Lắk, để thực hiện gói cho vay tái canh cà phê, Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) Chi nhánh Đắk Lắk và Chi nhánh thị xã Buôn Hồ đã triển khai hàng loạt biện pháp nghiệp vụ. Thậm chí tại các địa phương, Agribank đã tổ chức phát tờ rơi, thư mời đến tận hộ gia đình có diện tích cà phê cần tái canh. Thế nhưng kết quả giải ngân vẫn đạt rất thấp, số lượng khách hàng tìm đến gói vay này không phản ánh đúng nhu cầu cần tái canh. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (NHNN), đến nay toàn tỉnh chỉ mới giải ngân được 51 tỷ đồng theo chương trình cho vay tái canh cà phê với diện tích hơn 431 ha. (Tổng số diện tích cà phê cần tái canh toàn tỉnh là  32.335 ha cà phê do già cỗi, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém). Phó Giám đốc chi nhánh NHNN Tăng Hải Châu lý giải, diện tích cà phê cần tái canh chủ yếu nằm trong dân, nhưng khó khăn lớn nhất là người dân lại không mặn mà với việc này. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cốt lõi là vì cuộc sống trước mắt, người ta không thể mạo hiểm thực hiện tái canh để phải chờ đến ít nhất là 5-6 năm sau mới có thu nhập trở lại theo quy trình tái canh, và trong thời gian đó họ còn phải vay vốn, trả lãi ngân hàng. 
 
Người dân huyện Cư M'gar nhổ bỏ cà phê già cỗi.

Rõ ràng, xét về lợi ích trước mắt, người trồng cà phê đã không sai. Thế nhưng về lâu dài, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, gần như toàn bộ diện tích cà phê của tỉnh sẽ rơi vào tình trạng già cỗi, năng suất, chất lượng kém và đương nhiên thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích của người nông dân sẽ giảm hẳn. Chưa kể đến là chất lượng sản phẩm thấp sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của cà phê Đắk Lắk nói riêng, cà phê Việt Nam nói chung. 

Mới đây, tại một hội nghị về tái canh cà phê, Bộ NN-PTNT đưa ra thông tin rằng Đắk Lắk đã tái canh được 16 nghìn héc-ta. Tôi không hiểu số liệu ấy họ lấy ở đâu ra. Tôi cho rằng, đây là một số liệu hết sức thiếu trách nhiệm bởi nó sẽ ảnh hưởng đến chính sách tái canh cà phê trong thời gian tới. Với kiểu “lạc quan tếu” như thế, trong 5 – 10 năm nữa, không biết cà phê Đắk Lắk sẽ như thế nào, đời sống của hàng triệu người trồng cà phê sẽ đi về đâu. Lúc ấy ai sẽ chịu trách nhiệm…
(Phó Giám đốc  NHNN Tăng Hải Châu)

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Tăng Hải Châu, các cấp, ngành ở địa phương, nhất là ngành Nông nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền để một mặt người dân hiểu rõ sự cần thiết, tính cấp bách của việc tái canh cà phê. Mặt khác, về chính sách tín dụng, hiện nay chỉ mới dừng lại ở nỗ lực của ngành Ngân hàng, nên dù đã có ưu đãi về lãi suất, nhưng xét về bản chất đây vẫn là gói tín dụng thương mại (chưa phải trả lãi và gốc trong 4 năm ân hạn, nhưng sau đó vẫn phải trả lãi cho thời gian này). Do vậy, Nhà nước cần phải xác định tái canh là một chương trình lớn của quốc gia, từ đó dùng nguồn ngân sách để hỗ trợ miễn lãi cho người trồng cà phê trong thời gian kiến thiết. Một khi có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước, cùng với ưu đãi lãi suất từ ngân hàng, gói tín dụng cho vay tái canh cà phê sẽ được chuyển từ “tín dụng thương mại” sang “tín dụng ưu đãi”. Và đã là tín dụng ưu đãi, tất nhiên sẽ phải đặt ra thời gian kết thúc và ai tham gia trong quãng thời gian quy định mới được hưởng những ưu đãi đó. Kinh nghiệm từ các chương trình cho vay ưu đãi như hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu, thuyền theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014; gói 30 nghìn tỷ theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 hỗ trợ mua nhà ở xã hội… đã phát huy tác dụng khi có lãi suất ưu đãi và thời gian thực hiện rõ ràng. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần hỗ trợ nông dân về cây giống để bảo đảm chất lượng và tính đồng bộ của sản phẩm.

Đã đến lúc cần nhận thức rõ vai trò quan trọng của cây cà phê trong tổng thể nền kinh tế. Cây cà phê không chỉ phục vụ đời sống cho hàng triệu người có liên quan, mà còn là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, là uy tín thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Thế nên, đây cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi một bộ giống mới tối ưu hơn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, thu nhập và bảo đảm tính bền vững của cà phê Việt Nam trong tương lai. 
 
 
Giang Nam

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ