A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hoạt động Công đoàn trước những thách thức từ TPP

07:56 | 28/07/2016

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã trở thành hiệp định thương mại tự do đầu tiên có các quy định liên quan đến lao động và công đoàn.

Những cam kết về lao động trong TPP đặt ra thách thức lớn cho tổ chức và hoạt động của các cấp công đoàn. Để hội nhập và phát triển bền vững đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải tự đổi mới toàn diện.
 
Thách thức đối với tổ chức Công đoàn
 
Tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng trên cơ sở cách tiếp cận người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Để tránh cạnh tranh không bình đẳng, các nước tham gia TPP đã đưa ra những cam kết riêng về lao động trong một chương riêng. Những cam kết về lao động trong Hiệp định TPP đặt ra thách thức rất lớn cho tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Theo những cam kết này, Việt Nam phải cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp không có sự phân biệt, được thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ. Để được hoạt động, tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở phải đăng ký với Tổng LĐLĐ Việt Nam hoặc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi Việt Nam phê chuẩn và thực thi Hiệp định, nếu công đoàn hoạt động thật sự hiệu quả, mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người lao động thì các tổ chức của người lao động mới ra đời sẽ gia nhập vào Tổng LĐLĐ Việt Nam. Nhưng nếu Công đoàn hoạt động không hiệu quả thì các tổ chức của người lao động mới ra đời sẽ không gia nhập mà tự liên kết lại để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Nếu tổ chức đó hoạt động có hiệu quả hơn thì tổ chức Công đoàn hiện tại chỉ là hình thức, không thực hiện tốt được chủ trương, đường lối của Đảng đối với phong trào công nhân. 

Cán bộ LĐLĐ tỉnh cấp phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho công nhân lao động Cụm công nghiệp Tân An  tại Ngày hội Công nhân lao động năm 2016.

Cán bộ LĐLĐ tỉnh cấp phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho công nhân lao động Cụm công nghiệp Tân An tại Ngày hội Công nhân lao động năm 2016.

Ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, theo điều khoản cam kết trong TPP, tổ chức của người lao động không phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị, chỉ tập trung vào nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Trong khi đó, hệ thống Công đoàn Việt Nam phải thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội nên nguồn lực bị phân tán, thiếu cơ chế chủ động trong tuyển dụng, đào tạo, sử dụng… Vì vậy, nếu Công đoàn không nhanh chóng đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động thì rất dễ xảy ra tình trạng đoàn viên từ Công đoàn Việt Nam rời sang tổ chức mới của người lao động. Do đó, để chủ động đón nhận TPP, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã và đang tập trung đổi mới hoạt động, hướng về cơ sở, đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động.

 
Chủ động đổi mới hoạt động đón nhận TPP
 
Nhằm đổi mới hoạt động, thời gian qua, các cấp Công đoàn đã chủ động phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách pháp luật đối với người lao động tại doanh nghiệp, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến lương, thưởng, phụ cấp, bảo hiểm xã hội… nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đồng thời gần gũi, nắm bắt đời sống, việc làm, tâm tư nguyện vọng cũng như tình hình quan hệ lao động để có những giải pháp phù hợp góp phần ngăn ngừa, hạn chế tranh chấp lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Các hoạt động chăm lo nâng cao đời sống đoàn viên, người lao động đã được triển khai thiết thực, hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, các cấp Công đoàn trong tỉnh tiếp tục tạo được dấu ấn tốt đẹp đối với đoàn viên, người lao động thông qua nhiều hoạt động nổi bật như: chương trình “Tết sum vầy 2016” đã dành tặng trên 6.500 suất quà với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng cho công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn; chương trình “Tháng công nhân 2016” tạo sức lan tỏa lớn trong lực lượng công nhân lao động với các hoạt động giao lưu thể thao, khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho trên 1.300 công nhân lao động, hỗ trợ xây dựng 52 nhà “Mái ấm công đoàn”, tặng 6 con bò sinh sản, cấp phát tờ rơi, tổ chức tuyên truyền pháp luật tại đơn vị, doanh nghiệp… 
 
Để phát triển đoàn viên và xây dựng Công đoàn vững mạnh, các cấp Công đoàn đã khảo sát, nắm số doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn, tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động tự nguyện tham gia. Đồng thời, chủ động gặp gỡ, làm việc với chủ sử dụng lao động nhằm tạo sự đồng thuận cho việc thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở. Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm 2016, các cấp Công đoàn đã thành lập mới 34 công đoàn cơ sở, kết nạp 1.671 đoàn viên, nâng tổng số Công đoàn cơ sở trong toàn tỉnh lên 1.754 với 77.630 đoàn viên. Ngoài ra, các cấp Công đoàn cũng quan tâm đầu tư kinh phí để tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ Công đoàn giúp họ có đủ năng lực, kỹ năng, phương pháp hoạt động để làm tốt chức năng và giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong doanh nghiệp…
 
“Để có thể chủ động hội nhập TPP, không còn cách nào hơn là tổ chức Công đoàn phải hoạt động thực sự hiệu quả, mạnh dạn đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động”, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trần Tuấn Anh khẳng định. 
 
Nguyễn Xuân
 

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ