A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hiểm họa rượu bia

08:05 | 01/10/2016

Việt Nam đang trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng và sử dụng rượu bia. Các chuyên gia cảnh báo, với đà “tăng trưởng” như hiện nay, không bao lâu chúng ta sẽ có khả năng dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Tác hại của lạm dụng rượu bia đối với sức khỏe con người  cũng như các hiểm họa, nguy cơ kìm hãm sự phát triển xã hội nghiêm trọng như thế nào thì cả thế giới đều đã rõ và đang hết sức cố gắng để phòng chống. Chỉ có người Việt Nam hình như là vẫn cứ “vô tư” nhấn ga “dô dô” với rượu bia thoải mái bất chấp hậu quả nhãn tiền.    

Ảnh minh họa.

Chẳng biết từ bao giờ người Việt có thói quen ép nhau uống rượu bia. Ngay từ những lúc đất nước còn nghèo khó, bia không đủ uống, phải phân phối theo tiêu chuẩn còn rượu thì phần lớn được nấu chui ở các lò thủ công mua bán ở chợ đen.  

Cũng chẳng biết từ bao giờ giới làm ăn và giới chức công quyền có thói quen xử lý công việc dựa vào các kiểu “quan hệ” rất phức tạp. Các cuộc điều tra xã hội học gần đây cho thấy nhiều doanh nghiệp thừa nhận muốn yên ổn làm ăn hay muốn giành lấy lợi thế trong  công việc thì phải biết “quan hệ”, tất nhiên là với những người có chức quyền liên quan trong bộ máy công quyền. 

Những cuộc nhậu tốn kém, hoành tráng, ấn tượng, cũng là một trong các biện pháp để xây dựng “quan hệ” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán làm ăn. Tuy nhiên, nói chung thì rượu bia vẫn là một trong những chất xúc tác quan trọng khởi đầu và tiếp diễn cho quá trình thiết lập, nuôi dưỡng, duy trì  các “quan hệ”  cho rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong một xã hội còn chưa coi trọng pháp quyền.

Khi xã hội phát triển, kinh tế dồi dào hơn thì người ta chú ý tới các loại rượu bia có thương hiệu và sành điệu. Giá trị chi trả cho rượu bia trong các cuộc nhậu thương gia ngày càng cao hơn, độc đáo và ấn tượng hơn với các loại hàng hiệu cao cấp.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kể rằng có lần trong một cuộc trò chuyện với Trưởng JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) ở Việt Nam, ông ấy kể có lần về địa phương,  ông được mời uống những chai rượu hàng nghìn USD mà ở Nhật người giàu có cũng không dám uống. Thế nên ông ấy mới nghĩ bụng, như vậy thì Nhật Bản còn đi viện trợ cho Việt Nam làm gì nữa?

Còn giới bình dân thì như được cởi trói, thoài mái mà thưởng thức bia rượu nhãn hiệu toàn cầu một cách vô tư và gần như ít có chuyện phải kiềm chế vì vấn đề liên quan tới cái túi tiền. Những cuộc điều tra xã hội gần đây cho thấy,  có đến gần 60% hộ gia đình Việt Nam tiêu dùng rượu bia thường xuyên chứ không chỉ trong các dịp lễ tết. Cũng chính vì chi tiêu quá nhiều cho rượu bia khiến việc chi tiêu cho y tế và giáo dục bị hạn chế. 

Kết qủa là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong hai thập niên qua tuy khá cao, nhưng vẫn không theo kịp tốc độ tăng trưởng rượu bia, ước tính bình quân tới 12%/năm. Tương tự câu chuyện nhiều năm qua người Việt lao động cần cù và xuất khẩu bình quân mỗi năm khoảng 3 tỷ USD lúa gạo, được xem là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu mặt hàng lương thực quan trọng này. Tuy vậy, cũng chính người Việt, sẵn sàng tiêu hết 3 tỷ USD chỉ cho mỗi việc uống bia rượu.

Lợi nhuận thu được trước mắt từ sản xuất và kinh doanh bia rượu đã khiến cho nhiều ngành, nhiều địa phương ra sức đầu tư vào lĩnh vực này. Người Việt đã và đang chứng kiến hiện tượng nhà máy bia rượu đang mọc lên nhan nhản từ trung ương tới địa phương theo kiểu nhà nhà, ngành ngành làm bia rượu, uống bia rượu.

Chỉ tính riêng phần bia, ở Việt Nam hiện có khoảng 30 thương hiệu bia trong và ngoài nước với hơn 400 nhà máy sản xuất bia. Năm 2015, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia trong nước đạt 3,4 tỷ lít, tăng 10% so với năm 2014. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ rượu là 70 triệu lít, chưa kể ước tính khoảng 200 triệu lít rượu nấu từ các lò thủ công địa phương.

Đặc biệt, uống rượu bia không chỉ tăng ở nam giới mà tăng cả ở nữ giới. Hiện có đến 77,3% nam giới sử dụng rượu bia, đây là con số cao nhất thế giới nếu tính riêng nam giới, còn về nữ giới có 11% sử dụng rượu bia. Nhiều chuyên gia nhận định: “Hiện, không có quốc gia nào sử dụng rượu bia ở mức nguy hại cao như ở Việt Nam, đó là lý do vì sao tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến rượu bia ở nước ta ngày càng gia tăng”.

Một nghiên cứu của Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, trong khi những người uống rượu bia ở các gia đình sống dưới ngưỡng nghèo uống 2 cốc rượu bia/5 ngày thì trẻ em trong các gia đình này chỉ được uống chưa đến một cốc sữa/năm.

Nếu số tiền mua rượu bia ở các gia đình này được dùng mua sữa thì trẻ em sẽ được uống một cốc sữa/ 3 ngày thay vì ít hơn một cốc sữa/năm. Ở góc độ vĩ mô, bình quân mức tiêu thụ rượu bia hàng năm ước tính khoảng gần 3% số thu ngân sách của cả nước.

Trong khi mức đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát mỗi năm khoảng trên 16.000 tỷ đồng (tương đương 800 triệu USD).  Như vậy, chi phí tiêu thụ rượu bia nhiều gấp 4 lần mức đóng góp của ngành này cho ngân sách nhà nước.

Không chỉ dừng lại ở câu chuyện kinh tế, việc lạm dụng  rượu  bia còn gây nhiều hệ lụy không chỉ đối với sức khỏe mà còn có tác động đến nhiều vấn đề xã hội. Theo đó, rượu bia gây nhiều vụ tai nạn giao thông, gây rối trật tự xã hội và có liên quan đến 200 loại bệnh tật như: ung thư, tim mạch, đái tháo đường, tiêu hóa, tâm thần...

Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, thiệt hại do tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia ở Việt Nam gây thiệt hại khoảng trên dưới  1 tỷ USD mỗi năm.

Trong khi tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng phi mã theo mỗi năm thì thu nhập bình quân của chúng ta chỉ xếp thứ 8/11 trong khu vực ASEAN, xấp xỉ 2.000 USD/năm. Đặc biệt, năng suất lao động của Việt Nam theo công bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hiện đang ở mức thấp so với các nước ASEAN - 6 (các nước phát triển hơn trong ASEAN) và ở vị trí chót bảng so với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ bằng 1/5 lao động Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore. Trong khi đó, các quốc gia dẫn đầu về năng suất lao động hiệu quả lại không có tên tuổi trên bảng xếp hạng “quán quân” tiêu thụ rượu bia.            

Hữu Nguyên

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ