A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bỏ điểm sàn xét tuyển ĐH 2017: Đầu vào dễ thì đầu ra phải khó

14:30 | 20/12/2016

Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2017 do Bộ GD&ĐT mới công bố có nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh và các trường.

Trong đó, việc bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, hay còn gọi là điểm sàn vốn được duy trì từ nhiều năm qua khiến dư luận lo ngại về chất lượng nguồn tuyển ĐH.

Theo nhiều chuyên gia, nếu đã cho phép tự chủ tuyển sinh thì phải làm chặt “đầu ra” để tránh góp cho xã hội những cử nhân chắc chắn thất nghiệp!

Ảnh minh họa.

Điểm nào cũng đỗ ĐH? 

Mùa tuyển sinh ĐH những năm trước, nhiều thí sinh không hề đăng ký thi ĐH hoặc xét tuyển vào bất kỳ trường nào vẫn nhận được giấy gọi nhập học không phải là trường hợp hiếm.

Khó khăn về nguồn tuyển khiến các trường, đặc biệt là trường tốp dưới tìm mọi cách để hút thí sinh. Nhưng với Dự thảo do Bộ GD&ĐT mới công bố, nhiều trường “thở phào” vì việc không có một ngưỡng chuẩn về đầu vào được quy định thì các trường hoàn toàn được tự do hút người học mà không lo bị “tuýt còi” vì điểm đầu vào quá thấp. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga lý giải việc dự kiến bỏ điểm sàn là bước thực hiện quyền tự chủ của các trường theo Luật Giáo dục ĐH.

Theo đó, các trường tùy theo chiến lược phát triển, tính chất đặc thù của ngành nghề đào tạo và điều kiện bảo đảm chất lượng, uy tín... để đưa ra điều kiện đầu vào tương ứng, riêng của trường mình. 

Và rõ ràng, với những trường ĐH có điểm chuẩn thường cao như ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại thương, ĐH Y… thì việc bỏ điểm sàn gần như không bị ảnh hưởng chút nào.

Nhưng với những trường ĐH tốp dưới, trước nay quy định cứ đủ điểm sàn là được xét tuyển vào trường thì với quy chế này, liệu điểm chuẩn vào trường sẽ hạ đến mức bao nhiêu? Các trường có nhân cơ hội này tuyển đủ hoặc tuyển vượt chỉ tiêu kiểu “vơ bèo vạt tép” hay không?

“Tổng điểm 3 môn thi THPT Quốc gia được 10 điểm, thậm chí thấp hơn cũng đỗ ĐH, không ai quản. Vào dễ, việc đào tạo không được thanh kiểm tra chặt chẽ thì sẽ dẫn đến việc tốt nghiệp cũng dễ. Vấn đề là cầm tấm bằng ĐH trong tay, cử nhân và gia đình lại than trời vì thất nghiệp, là gánh nặng cho xã hội thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”- một chuyên gia giáo dục bức xúc. 

PGS TS Đỗ Văn Dũng- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng để học ĐH, thí sinh cần có những năng lực nhất định. “Không thể học sinh nào tốt nghiệp THPT cũng học được ĐH. Bỏ điểm sàn ở thời điểm hiện nay là chưa hợp lý khi sự chênh lệch về chất lượng đào tạo của các trường còn rất lớn”- ông Dũng nêu quan điểm. 

Bài toán kiểm soát chất lượng đào tạo

Trước phản ứng của dư luận về việc bỏ điểm sàn, PGS TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo như vậy là đúng hướng vì việc đưa ra một mức điểm sàn cho tất cả các trường, tất cả các ngành là không còn phù hợp với sự đa dạng hóa ngành nghề đào tạo hiện nay; bởi tự chủ tuyển sinh của các trường đã được luật hóa.

Khi các trường được quyền lựa chọn phương án xét tuyển đầu vào theo học bạ hoặc tổ chức thi riêng thì nếu quy định điểm sàn sẽ không còn ý nghĩa như trước đây.

“Các trường tự quyết định điều kiện đầu vào và có trách nhiệm giải trình cho xã hội về quyết định của mình. Quy chế cũng quy định phải công bố công khai, minh bạch điều kiện xét tuyển buộc các trường phải cân nhắc để giữ thương hiệu. Nếu đưa ra ngưỡng xét tuyển là 11 hay 12 điểm liệu có thu hút được thí sinh hay chỉ làm hạ thấp uy tín chất lượng của mình?”- ông Sơn đặt câu hỏi.

Ngoài ra, các trường có thể giới thiệu về mình để thu hút người học nhưng tránh tình trạng “tung hoả mù” cho thí sinh, cần đưa ra những thông tin minh bạch, chính xác. Nếu có chứng cứ về những quảng cáo sai sự thật thì cần xử lý thật nặng. 

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Tuấn Anh- Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi cho rằng “mở đầu vào, siết chặt đầu ra” đang là xu thế chung của thế giới. Một vài điểm số của kỳ thi không quyết định tất cả năng lực người học. Người học có quyền lựa chọn theo học trường nào, học gì và đóng tiền theo học.

Vấn đề của nhà trường là phải kiểm soát chất lượng đầu ra để không phải cứ vào được ĐH là sau vài năm học, kiểu gì cũng tốt nghiệp được.

Muốn làm được như thế, Bộ GD&ĐT và các đơn vị liên quan phải yêu cầu các trường tuân thủ chặt chẽ về chất lượng đầu ra như đảm bảo các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn, trình độ tiếng Anh… và thường xuyên thanh kiểm tra để giám sát, chấn chỉnh nếu có vi phạm.     

An Nhiên

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ