A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nỗ lực vươn tới ước mơ

15:58 | 03/01/2017

Trên con đường chinh phục ước mơ, người khuyết tật đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua mọi gian nan, thử thách.

Dù việc đi lại khó khăn do ảnh hưởng trận sốt bại liệt từ hồi nhỏ, nhưng gần 30 năm qua, anh Lê Hoài Dương (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) chưa bao giờ đầu hàng số phận. Suốt những năm học phổ thông, từ khi phải nhờ mẹ cõng tới trường, rồi tự chống nạng đến lớp, anh luôn nỗ lực luyện tập, chăm chỉ học hành, nhiều năm đạt học lực loại khá… Sau khi nghỉ học, anh về phụ gia đình mở đại lý buôn bán cà phê, hồ tiêu và các mặt hàng nông sản khác. Mới đầu thiếu kinh nghiệm, vốn liếng nên lỗ nhiều hơn lời, nhưng anh vẫn quyết tâm gây dựng sự nghiệp. Tích lũy dần kiến thức, kỹ năng kinh doanh và vốn đầu tư, anh bắt đầu mở rộng quy mô, việc làm ăn cũng nhờ đó ngày càng phát đạt…

Chuyện tình duyên của anh với chị Trần Thị Hà ban đầu cũng gặp không ít trở ngại vì gia đình đôi bên phản đối quyết liệt, nhưng với bản lĩnh và tình cảm chân thành, họ đã cùng nhau vượt qua thử thách, hiện đã có một con trai kháu khỉnh được đặt tên là Lê Hoài Phước An. Lý giải về ý nghĩa tên con, anh tâm sự: “Chúng tôi luôn mong hạnh phúc, an bình sẽ đến với con trai và mọi người”.

Anh Lê Hoài Dương (người cầm micro) trong một dịp trò chuyện, giao lưu cùng người khuyết tật.

Anh Lê Hoài Dương (người cầm micro) trong một dịp trò chuyện, giao lưu cùng người khuyết tật.

Không chỉ chịu khó làm kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, hiện anh Dương còn là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động. Với anh, Câu lạc bộ như ngôi nhà thứ hai của mình, ở đó anh và những người đồng cảnh ngộ có thể chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, cùng động viên nhau nỗ lực hơn trong cuộc sống…   

Cũng do ảnh hưởng của cơn sốt bại liệt khi mới lên 4 tuổi mà chị Nguyễn Thị Hạnh (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) phải gánh chịu nhiều vất vả, thiệt thòi trong cuộc sống. Thời học phổ thông, quãng đường từ nhà đến lớp đối với chị trở nên xa ngái hơn nhiều bởi gập ghềnh, bùn đất, thêm vào đó, chỉ cần mưa gió trở trời, Hạnh lại phát bệnh, đau yếu… Tuy vậy, chị vẫn bền bỉ rèn luyện, vươn lên dẫn đầu lớp về thành tích học tập.

Cuối năm học phổ thông, do bố bị bệnh qua đời, mọi gánh nặng cuộc sống đè lên đôi vai gầy của mẹ, nên chị đành ngậm ngùi tạm gác lại  ước mơ trở thành bác sĩ, chọn thi vào ngành điều dưỡng hệ trung cấp, mong học thật nhanh ra trường để đỡ đần cho mẹ. Tại đây, chị tiếp tục đạt thành tích xuất sắc trong học tập, được đại diện cho sinh viên của trường tham gia Hội thi điều dưỡng giỏi khu vực phía Nam và Tây Nguyên và đoạt giải Ba.

Tốt nghiệp ra trường với bảng điểm xuất sắc, dù gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm chị vẫn không nản chí. Suốt quá trình chông chênh thử việc, hợp đồng, chị luôn cần mẫn, tận tụy với công việc, khẳng định bản thân “tàn nhưng không phế” nên được nhiều người tin yêu, quý mến và kết quả là đã tìm được công việc đúng chuyên môn ở Trạm Y tế xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông. “Vui nhất là sau đó tôi được cơ quan tạo điều kiện cho đi học và đã tốt nghiệp đại học ngành cử nhân điều dưỡng, giúp tôi có cơ hội làm việc tốt hơn, cống hiến cho xã hội được nhiều hơn” – chị tâm sự.

Bên cạnh công việc chuyên môn, chị cùng bạn bè còn luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, giúp đỡ người khuyết tật. Cũng từ những chuyến đi thiện nguyện đó, chị đã gặp được người tâm đầu ý hợp và cùng nhau vượt qua khó khăn thử thách xây dựng hạnh phúc gia đình, hiện gia đình nhỏ của anh chị đang chuẩn bị đón chào thành viên mới …

Quỳnh Anh

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ