A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thực hiện Luật Người khuyết tật: Cần gỡ bỏ những rào cản

15:04 | 18/04/2017

Luật Người khuyết tật đã đi vào cuộc sống được 7 năm với nhiều quy định nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tiễn nhiều quy định vẫn chưa được thực thi triệt để, ảnh hưởng lớn đến cơ hội hòa nhập của người khuyết tật.

Nhiều quy định vẫn nằm… trên giấy

Tháng 7-2013, chị Trần Thị Phương Thu đã thành lập Cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm Phương Thu (141/2 đường Y Ngông, TP. Buôn Ma Thuột). Sau gần 5 năm hoạt động, đến nay, cơ sở đã tiếp nhận 12 em từ Trung tâm Hỗ trợ phát triển - Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh và Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân (TP. Buôn Ma Thuột) để đào tạo nghề, bố trí việc làm với mức lương từ 2 - 4,5 triệu đồng/tháng.

Để mở rộng quy mô, tạo thêm việc làm cho người khuyết tật, năm 2015, chị Thu làm đơn xin vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng mãi chưa được phê duyệt, đành tự vay mượn 400 triệu đồng mua đất, xây dựng thêm nhà xưởng. Trong khi đó, theo quy định, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật sẽ được hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh…

Cơ sở  sản xuất hàng  lưu niệm  thổ cẩm Phương Thu  đào tạo nghề  và tạo  việc làm thường xuyên  cho người khuyết tật.

Cơ sở sản xuất hàng lưu niệm thổ cẩm Phương Thu đào tạo nghề và tạo việc làm thường xuyên cho người khuyết tật.

Qua tìm hiểu được biết, dù hầu hết người lao động là người khuyết tật, nhưng thời gian qua, cơ sở Phương Thu chưa được hưởng chính sách ưu đãi nào, ngay cả việc xin miễn giảm thuế và thực hiện Đề án hỗ trợ đào tạo nghề - sinh kế cho người khuyết tật do cơ sở phối hợp với Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh xây dựng năm 2015 cũng đang gặp khó khăn.

Tương tự, từ năm 2011 đến nay, Cơ sở gỗ mỹ nghệ Văn Mừng (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đã quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, lúc nhiều nhất là 6 người với mức lương từ 3-4 triệu đồng/tháng (bao ăn, ở). Anh Nguyễn Văn Mừng, chủ cơ sở cho biết, nhận người khuyết tật để dạy nghề và tạo việc làm khó khăn hơn nhiều so với người bình thường, phải “cầm tay chỉ việc”, lo ăn, ở, sức khỏe cho họ. Vậy nhưng đến nay, cơ sở cũng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi nào.

Để người khuyết tật được hòa nhập cộng đồng

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 78.500 người khuyết tật, chiếm 4,2% dân số. Theo ông Trần Kim Tiến, Phó phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, sau khi Luật Người khuyết tật và nghị định hướng dẫn có hiệu lực thi hành, đã có rất nhiều chính sách, đề án liên quan đến người khuyết tật được thực hiện. Các quy định của luật nhìn chung đã đi vào cuộc sống và có tác động tích cực như chính sách bảo trợ xã hội, giáo dục hòa nhập, nhưng một số chính sách tiến độ thực hiện còn chậm, hiệu quả chưa cao như: dạy nghề, tạo việc làm, miễn giảm giá vé, giá dịch vụ, công trình công cộng đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận…

Chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Văn Mừng “cầm tay chỉ việc” cho lao động khuyết tật.

Chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Văn Mừng “cầm tay chỉ việc” cho lao động khuyết tật.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do khó khăn về ngân sách; việc huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện các nội dung của Luật Người khuyết tật rất hạn chế; một số sở, ngành, chính quyền địa phương chưa ban hành kế hoạch, thiếu sự phân công trách nhiệm cụ thể trong triển khai thực hiện; công tác truyền thông chưa hiệu quả, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Ông Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho rằng, để người khuyết tật có cơ hội hòa nhập cộng đồng, bên cạnh việc đồng bộ hệ thống an sinh xã hội, đưa ra những hoạch định chính sách phù hợp hơn trong tình hình mới, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ khả năng tiếp cận của người khuyết tật. Và điều quan trọng, cấp thiết hơn cả là chú trọng công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, xã hội đối với hoạt động trợ giúp người khuyết tật, cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp về công tác người khuyết tật vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguyễn Xuân

 

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ