A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Công trình thủy lợi bỏ hoang gây lãng phí tiền tỷ

09:02 | 14/06/2017

Trong khi người dân ngày đêm chắt chiu từng giọt nước để chống hạn cho cây trồng thì trên địa bàn huyện Ea Súp có một công trình thủy lợi...

...được đầu tư trên 25 tỷ đồng sau khi hoàn thành lại bị bỏ hoang nhiều năm nay gây lãng phí tiền của Nhà nước và bức xúc dư luận. 

Năm 2010, Công trình Kênh dẫn nước sau hồ Ea Súp Thượng được khởi công xây dựng với kinh phí 25,34 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, công trình kênh được làm bê tông, có chiều dài trên 4 km dẫn nước từ cửa xả của hồ Ea Súp Thượng (thuộc địa bàn xã Cư M’lan) về thôn 5 thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp). Tuyến kênh này sẽ phục vụ nước tưới cho khoảng 200 ha cây trồng của người dân phía hạ lưu.

Sau khi được nghiệm thu hoàn thành năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bàn giao cho UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp quản. Theo đó, UBND tỉnh đã giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý, vận hành đưa vào sử dụng. Và cũng kể từ đó đến nay, công trình này bị “đắp chiếu” không ai quản lý, vận hành, dẫn đến việc nhiều đoạn kênh bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng.

Một đoạn kênh của công trình Kênh dẫn nước sau hồ Ea Súp Thượng gần nhà ông Thái Văn Châu ở thôn 5, thị trấn Ea Súp bị sạt lở nghiêm trọng.

Ông Thái Văn Châu ở thôn 5, thị trấn Ea Súp than thở: “Thấy Nhà nước đầu tư kênh thủy lợi trong vùng, bà con nông dân chúng tôi mừng lắm. Ai cũng mong muốn mùa khô sẽ có nước để canh tác, sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Vậy mà tuyến kênh này chỉ duy nhất một lần dẫn thủy là vào ngày khánh thành năm 2012. Từ đó đến nay công trình bị bỏ hoang. Để có nước phục vụ sản xuất, năm ngoái tôi phải vay mượn trên 130 triệu đồng để thuê người đào 2 ao (3.000 m2/ao) tích trữ nước tưới cho 6 ha cây trồng của gia đình”.

Không riêng gia đình ông Châu mà rất nhiều hộ dân khác có rẫy ở khu vực tuyến kênh đi qua đều chung tâm trạng mừng… hụt rồi thất vọng. Ông Nguyễn Tam Khôi ở thôn 5, thị trấn Ea Súp bức xúc: “Do không ai quản lý, vận hành, bảo dưỡng nên hiện nay công trình Kênh dẫn nước sau hồ Ea Súp Thượng đã bị xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Nhiều đoạn kênh bị vỡ, sụt lún, đất tràn xuống ruộng rẫy, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất, canh tác của người dân. Không chỉ vậy, để thuận lợi cho việc thu hoạch, vận chuyển nông sản, nhiều đoạn kênh đã bị người dân san lấp làm đường đi...”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Bân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp xác nhận:  Đây là công trình do Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý, nhưng đã bỏ hoang trong nhiều năm nay. Ông Bân cho rằng: “Tuyến kênh này dù có hư hỏng, xuống cấp như thế nào thì cũng không thuộc thẩm quyền xử lý của huyện. Huyện Ea Súp không có liên quan gì. Đến nay Phòng NN-PTNT huyện chưa lần nào đi kiểm tra nên chưa biết việc sạt lở, hư hỏng của công trình có ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của địa phương hay không. Vả lại cũng chưa thấy người dân có đơn kiến nghị, phản ánh gì nên cũng không đi kiểm tra ”(!?)

Trong khi đó, ông Trần Thế Hoan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk giải thích nguyên nhân công trình bị bỏ hoang là do khi Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 bàn giao công trình Kênh dẫn nước sau hồ Ea Súp Thượng thì mới chỉ có tuyến kênh chính, tỉnh chưa đầu tư thêm các kênh nhánh dẫn nước đến những chân ruộng xa. Mặt khác, do UBND huyện Ea Súp chưa đăng ký và kê khai cụ thể với Công ty về diện tích đất sản xuất cần được công trình này cung ứng nước. Chính vì vậy nên công trình chưa được đưa vào vận hành, khai thác. “Công trình Kênh dẫn nước sau hồ Ea Súp Thượng được UBND tỉnh giao trực tiếp cho Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, về trách nhiệm nên bắt buộc chúng tôi phải nhận để trông coi, bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều năm nay, do không được khai thác, sử dụng nên công ty không có chi phí để quản lý và duy tu bảo dưỡng cho tuyến kênh này, đành để xuống cấp, hư hỏng. Thú thực, lâu nay chúng tôi không quan tâm đến công trình này!” - ông Hoan nói.

Rõ ràng, trong khi người dân đang mong ngóng từng ngày có nước phục vụ sản xuất nông nghiệp thì một công trình thủy lợi được đầu tư hàng chục tỷ đồng lại bị bỏ hoang nhiều năm qua đã khiến dư luận không khỏi bất bình đặt câu hỏi: Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự lãng phí và những thiệt hại nghiêm trọng này?

Lê Thành

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ