A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Điểm tựa của người nghèo

09:44 | 06/07/2017

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk nhiều gia đình nghèo đã vượt qua khó khăn, vươn lên xóa đói, ổn định cuộc sống, chăm lo phát triển kinh tế xây dựng gia đình ấm no, quê hương giàu đẹp.

Cán bộ ngân hàng chính sách kiểm tra công tác sử dụng vốn của người dân.

Cách đây vài năm, gia đình ông Y Duan Ktla (trú tại buôn Chóa, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) là một trong hơn 340 hộ đồng bào nghèo của xã. 

Nhà có ruộng vườn, nhưng do thiếu vốn, gia đình ông cứ mãi sống trong vòng luẩn quẩn nghèo khó. 

Sau khi được tư vấn vay vốn hộ nghèo phát triển kinh tế, năm 2013 ông làm thủ tục vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Có vốn ông tập trung cải tạo 5 sào cà phê, mua giống lúa mới gieo sạ 3 sào tăng thêm năng suất. 

Ông đi tham quan các mô hình chăn nuôi gà, heo hiệu quả và mua giống về chăn nuôi. Nhờ ham học hỏi và với phương châm lấy ngắn nuôi dài, sau 2 năm chăm chỉ gia đình ông trả được vốn vay. Đến nay kinh tế gia đình khấm khá, cuộc sống ổn định hơn, thu nhập gần 180 triệu đồng/ năm. 

Vào lập nghiệp ở vùng đất khó Ea Súp với hai bàn tay trắng gia đình chị Hoàng Thị Đẹp (thôn 5A, xã Cư Kbang) chị gặp rất nhiều khó khăn. 

Với nỗ lực của mình, vợ chồng chị khai hoang được 2,5 ha đất, nhưng vì không có vốn đầu tư sản xuất nên nghèo đói vẫn cứ đeo đẳng gia đình chị.

 Năm 2010, được Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp chị đã làm thủ tục vay 15 triệu đồng từ NHCSXH. Có được số vốn trong tay, anh chị mua một con trâu và đầu tư thêm giống, phân bón vào trồng lúa nương. Nhờ nỗ lực của bản thân, đến nay gia đình chị Đẹp đã có thêm được 4 con trâu, vừa lấy sức kéo, vừa cho sinh sản. 

Chị Đẹp chia sẻ, nhờ có vốn vay từ NHCSXH mà cuộc sống của gia đình chị đã được cải thiện, không còn đói nghèo như trước. 

Sau khi trả lại vốn cho ngân hàng, anh chị dự tính thời gian tới sẽ tiếp tục vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu.

Người dân nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã.

 Từ nguồn vốn vay, cùng với sự định hướng, giúp sức của chính quyền, đoàn thể nhiều mô hình kinh tế theo đặc thù địa phương đã được hình thành phát huy hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay như: trồng cà phê, hồ tiêu, nấm linh chi, lúa, nuôi heo, nuôi bò đã góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững cho các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh. 

Để người dân trên địa bàn tỉnh dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác vay vốn qua hơn 600 tổ tiết kiệm và vay vốn; tổ chức được 100% điểm giao dịch tại các xã giúp bà con thuận lợi giao dịch. 

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động cho vay với doanh số cho vay hơn 631 tỷ đồng, giải quyết cho gần 26.500 hộ được vay vốn. 

Trong đó, giải quyết cho gần 15.670 hộ nghèo, cận nghèo và thoát nghèo được vay vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi nâng cao đời sống. 

Hơn 5.400 hộ ở nông thôn được vay vốn để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường.

 Thông qua chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm đã tạo điều kiện cho hơn 860 lao động có việc làm thường xuyên. Hơn 420 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn cho con em học tập...

 Ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: Xác định nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng là đồng hành với bà con nghèo nên hệ thống ngân hàng cũng như nhân viên luôn chủ động triển khai hoạt động đưa đồng vốn đến từng hộ gia đình có nhu cầu vay trên địa bàn tỉnh. 

Cùng với đó, cán bộ ngân hàng làm công tác dân vận tuyên truyền vận động người dân chấp hành chủ trương chính sách nhà nước, sử dụng vốn đúng hiệu quả. 

Nguyễn Tuấn Anh

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ