A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Linh hoạt thủ tục bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên

13:56 | 10/09/2017

Trong thời gian qua, công tác bảo hiểm y tế học sinh sinh viên (BHYT HSSV) luôn được chú trọng và thực hiện hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ của ngành BHXH và ngành giáo dục và đào tạo, y tế, LĐTB&XH.

Tuy nhiên theo thống kê trong gần 18 triệu HSSV của cả nước, còn tới 7,5 % chưa tham gia vào chính sách BHYT. Thực tế này đòi hỏi nhiều giải pháp mới nhằm phát triển BHYT HSSV năm học 2017-2018”.

HSSV là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc trong đó được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng.

Vẫn còn 1,5 triệu HSSV chưa có BHYT

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy năm học 2006 - 2007, cả nước mới chỉ có 45% HSSV tham gia BHYT, thì đến năm học 2010 - 2011, tỷ lệ HSSV tham gia đã tăng lên gần 70%.

Đến năm học 2014 - 2015, con số này là 85%, tương ứng gần 14,82 triệu HSSV có thẻ BHYT. Đáng chú ý, năm học 2015 - 2016 là năm học đầu tiên thực hiện BHYT HSSV theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ 1/1/2015), mặc dù mức đóng được điều chỉnh tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở; giảm mức chi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học (YTTH) từ 12% xuống 7% kèm theo các điều kiện cụ thể về YTTH để được cấp kinh phí, nhưng kết quả đạt được vẫn khả quan khi tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 90,5%, với khoảng 15,6 triệu HSSV, trong đó số HSSV tham gia tại trường học là 12,8 triệu em; tham gia theo các nhóm đối tượng khác (người nghèo, cận nghèo, hộ gia đình…) hơn 2,8 triệu em.

Đến năm học 2016 - 2017, số HSSV tham gia BHYT tăng khoảng 15,9 triệu HSSV, đạt 92,5%. Với kết quả này, HSSV là một trong những nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT cao nhất và là đối tượng có tỷ lệ tham gia cao nhất trong nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ.

Tuy nhiên vẫn còn tới 7,5% HSSV chưa tham gia BHYT, tương ứng với khoảng 1,5 triệu người. Đây là con số không nhỏ và là thách thức trong công tác triển khai chính sách BHYT năm học 2017-2018.

Theo Bạn Thu (BHXH VN), một trong những nguyên nhân chính của số lượng người chưa tham gia BHYT là do một bộ phận người dân còn nhận thức hạn chế về chính sách bắt buộc tham gia BHYT của HSSV. Trong khi đó, một số cơ sở giáo dục chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm chỉ đạo triển khai BHYT học sinh tại các nhà trường.

“Nhiều cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng, chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT HSSV vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV”- ông Vũ Mạnh Chữ, Trưởng ban Thu cho biết.

Cũng theo ông Chữ, tình trạng HSSV năm đầu của các trường trung cấp, CĐ, ĐH tham gia BHYT nhiều, nhưng lại giảm dần trong các năm học tiếp sau, đang là một thực tế diễn ra ở nhiều nơi.

Trong khi đó, một số cơ quan BHXH chưa thật sự sâu sát trong quá trình triển khai thực hiện BHYT HSSV, chưa tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo thực hiện công tác này.

Nhiều giải pháp

Thực hiện Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28-6-2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, trong năm học 2017 - 2018, BHXH Việt Nam phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT.

Để đạt mục tiêu này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, ngành đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ ngành giáo dục và đào tạo từ Trung ương đến địa phương, giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV đối với từng cơ sở giáo dục; đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV, bảo đảm đến hết năm 2017 đạt 100% HSSV tham gia BHYT.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT bằng nhiều hình thức đến HSSV và các bậc phụ huynh.

Đồng thời chỉ đạo, tiếp tục thực hiện phương thức thu phí BHYT linh hoạt để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học, cụ thể: Đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu phí BHYT HSSV của những tháng còn lại năm 2017.

Đối với HSSV đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2017: Cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV 6 tháng hoặc một năm một lần nộp vào quỹ BHYT. Chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng.

Nhóm HSSV có ưu thế lớn trong hưởng thụ các dịch vụ y tế từ quỹ BHYT. Bên cạnh việc được chi trả khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; mặc dù hiện Luật BHYT hiện nay chưa quy định chi cho y tế dự phòng, nhưng nhóm HSSV là đối tượng được hưởng gián tiếp các quyền lợi này thông qua công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường.

Hiện nay, khoản kinh phí trích lại từ số thu BHYT HSSV là nguồn tài chính chủ yếu đáp ứng phần lớn của hoạt động y tế trường học (YTTH) (nguồn trích lại từ quỹ BHYT chiếm khoảng 82%, trong khi phần chi từ ngân sách nhà nước cho YTTH chỉ khoảng 18%). Năm học 2005 - 2006, kinh phí phân bổ cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại YTTH chỉ có 75 tỷ đồng, thì đến năm 2015 - 2016, con số này tăng hơn 500 tỷ đồng.

Năm học 2017 - 2018 là năm đầu BHXH Việt Nam thực hiện cấp mã số BHXH định danh duy nhất cho mỗi người tham gia. Mã số này sẽ gắn với quá trình tham gia BHXH, BHYT suốt đời của mỗi người, được cập nhật liên tục, giảm thủ tục khai báo lại thông tin của người tham gia khi cấp thẻ BHYT, bảo đảm quyền lợi ưu đãi của những người tham gia BHYT liên tục 5 năm trở lên. Dự kiến, trong năm học này, tất cả HSSV tham gia BHYT sẽ được cấp thẻ theo mã số mới.    

HSSV là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Trong đó, mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng.

Đối với HSSV thuộc hộ gia đình cận nghèo được hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng. Hiện BHXH Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ 30% lên 50% cho nhóm đối tượng HSSV.

Khanh Lê

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ