A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nâng mức cho vay hộ nghèo miền núi

10:34 | 13/09/2017

Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH)hiện đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ vốn cho người nghèo và đối tượng chính sách. Để đáp ứng nguồn vốn cho người nghèo,NHCSXH vừa quyết định nâng mức vay hộ nghèo ở miền núi lên mức cao nhất 50 triệu đồng.

Hộ nghèo ở miền núi được vay vốn tối đa 50 triệu đồng

Bắt đầu từ quý III/2017, người nghèo tại vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được vay tối đa 50 triệu đồng, lãi suất giảm một nửa, thời hạn vay tăng gấp đôi. Đây là nội dung văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 – 2020 do NHCSXH vừa ban hành.

Theo đó, khách hàng là hộ đồng bào DTTS nghèo ở các thôn, bản, buôn…, xã thuộc vùng DTTS và miền núi; hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi để tạo đất sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề. Trong đó, người vay chỉ được vay vốn để sử dụng vào một trong các mục đích sau: Vốn vay được sử dụng vào việc chi phí khai hoang, phục hóa, phục hóa đất sản xuất hoặc tự nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sản xuất.

Khách hàng là hộ đồng bào DTTS nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn; có phương án sử dụng vốn vay để sản xuất, kinh doanh. Trong đó, người vay chỉ được vay vốn để sử dụng vào một trong các mục đích: đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ngành nghề không trái pháp luật (mua sắm máy móc, công cụ sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán…).

Người vay thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định có thể vay một hoặc nhiều lần nhưng tổng dư nợ cho vay không vượt quá mức cho vay áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ. Hiện mức vay cho vay tối đa đối với hộ nghèo là 50 triệu đồng/hộ.

Lãi suất cho vay được tính bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo trong từng thời kỳ (hiện mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo là 6,6%/năm). Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay. Người vay được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính khi vay vốn. Thời hạn cho vay tối đa là 10 năm. Căn cứ vào chu kỳ sinh trưởng của đối tượng vay, khả năng trả nợ của người vay, người vay và NHCSXH thỏa thuận thời hạn cho vay cụ thể. Riêng đối với người vay vốn để tạo đất sản xuất thì ngoài các căn cứ nêu trên còn phải căn cứ vào thời hạn còn lại được sử dụng đất sản xuất của hộ vay và NHCSXH chỉ xem xét cho vay khi thời hạn còn lại được sử dụng đất sản xuất bằng hoặc lớn hơn thời hạn cho vay đã thỏa thuận nêu trên.

Hơn 6,7 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn

Tín dụng chính sách xã hội đang là một cấu phần quan trọng trong Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tính đến ngày 31-7, NHCSXH đang triển khai 23 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng và một số chương trình, dự án khác từ nguồn vốn ủy thác của địa phương và các tổ chức nước ngoài. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt gần 166.433 tỉ đồng với hơn 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ.

Riêng chương trình cho vay hộ nghèo đạt gần 39.330 tỉ đồng (chiếm 23,63% tổng dư nợ các chương trình) với hơn 1,5 triệu khách hàng còn dư nợ. Mức dư nợ bình quân của một khách hàng đang vay vốn là 25,8 triệu đồng, so với mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ mới chỉ đạt một nửa.

Trong quá trình hoạt động, NHCSXH luôn bám sát thực tế, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Quyết định phù hợp, kịp thời về tín dụng chính sách giúp các đối tượng chính sách có thêm cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đơn cử như Quyết định số 15/2013 về tín dụng chính sách đối với hộ cận nghèo; gần đây nhất là Quyết định số 28/2015 về cho vay hộ mới thoát nghèo… nhằm lấp đầy “khoảng trống” chính sách cho hộ nghèo.

Cùng với đó, NHCSXH đã theo sát diễn biến thị trường tiền tệ, từ đó kịp thời kiến nghị và đề xuất Chính phủ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng ưu đãi giúp người nghèo giảm chi phí vốn trong SXKD, đẩy nhanh thời gian thoát nghèo. Những chính sách mới này đã tiếp thêm sức mạnh để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Tín dụng chính sách của Chính phủ đã được “phủ” đến từng thôn, bản thông qua mạng lưới gần 190.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn và 11.000 Điểm giao dịch xã. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với trên 30 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách, giúp hơn 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,2 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 8,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 105 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL, gần 500 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách…    

Nguyễn Vân

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ