A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bài 3: Cán bộ đua nhau chiếm đất rừng

08:02 | 11/10/2017

Hàng chục ngàn hécta đất rừng được các công ty lâm nghiệp Tây Nguyên giao khoán cho người dân, liên kết trồng rừng với doanh nghiệp, biến đất rừng thành đất rẫy trồng hồ tiêu, cà phê, khoai lang, cao su…

Thậm chí, có nhiều cán bộ công ty lâm nghiệp còn phá rừng để lấy đất sản xuất.
 

Rừng tự nhiên của Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín (Đắk Nông) bị chặt phá. Ảnh: CÔNG HOAN

Rừng tự nhiên của Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín (Đắk Nông) bị chặt phá. Ảnh: CÔNG HOAN

Giao rừng cho cán bộ
Theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8-1-2005 của Thủ tướng Chính phủ, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được ưu tiên nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng và được hưởng lợi từ rừng. Lợi dụng chính sách này, một số tỉnh Tây Nguyên đã giao đất rừng cho cán bộ. Nhiều cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh không thuộc diện được giao rừng nhưng vẫn được tỉnh Đắk Nông giao hàng chục hécta rừng và đất rừng để canh tác, sử dụng, chuyển đổi… và sau đó những cán bộ này đã bán lại cho người dân thu lợi cá nhân. 
Rừng cộng đồng buôn K’rai, xã Ea Hiao, huyện Ea Hleo (tỉnh Đắk Lắk) bị chặt phá trơ trụi để lấy đất làm rẫy. Ảnh: CÔNG HOAN
Trên đoạn đường rừng khoảng 9km từ trạm bảo vệ rừng đầu tiên của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín (trực thuộc Công ty TNHH Gia Nghĩa), chúng tôi bắt gặp nhiều cây gỗ mới bị cưa xẻ ngổn ngang hai bên đường tại tiểu khu 1691. Đi sâu vào lâm phần quản lý của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín, nhiều hộ dân trồng đủ loại cây trồng trên đất nhận khoán trồng rừng theo Nghị định 135. Chị Phạm Thị Hường (ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đến lập nghiệp tại xã Quảng Thành vào năm 2015, dù không có hộ khẩu tại đây, nhưng gia đình chị Hường vẫn được xí nghiệp này cấp cho hơn 1ha đất rừng với giá nhận khoán 2 triệu đồng để trồng rừng theo Chương trình 135. Chị Hường cho biết đã mua hơn 400 cây muồng về trồng trên diện tích nhận khoán, nhưng kiểm tra rẫy nhà chị Hường, trên đó không chỉ có cây muồng mà còn có cây tiêu, cà phê… Một số vạt rừng cạnh rẫy nhà chị Hường cũng vừa mới được gia chủ chặt phá để trồng thêm nhiều loại cây khác.
Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, việc giao khoán trồng rừng theo Nghị định 135 ở Công ty TNHH Gia Nghĩa chưa đúng đối tượng theo quy định, chưa ưu tiên giải quyết đất cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Trong 147 hộ được giao khoán đất rừng, chỉ có 2 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và có 27 hộ được giao đất không cư trú hợp pháp trên địa bàn xã, huyện nơi có đất của bên giao khoán. Đơn nhận giao khoán phần lớn không có xác nhận của chính quyền địa phương, không có cơ sở để xác định đối tượng giao khoán nhưng vẫn được nhận đất giao khoán. Qua xác minh 90 hộ nhận khoán, Thanh tra tỉnh Đắk Nông phát hiện có 21 hộ không có hộ khẩu thường trú như đã khai trong hồ sơ nhận khoán, nhưng vẫn được giao khoán hơn 83ha đất rừng. 
Không riêng gì Công ty Gia Nghĩa, nhiều công ty lâm nghiệp khác trên địa bàn, như công ty Thuận Tân, Đức Hòa, Quảng Tín, Trường Xuân… cũng giao đất trồng rừng theo Nghị định 135 một cách tràn lan. Vào năm 2007, Công ty Lâm nghiệp Đắk Song (nay đổi tên là Công ty TNHH MTV Thuận Tân) ký 2 hợp đồng kinh tế trái quy định, giao 16,7ha đất rừng tại xã Thuận Hà (huyện Đắk Song) cho ông Trần Văn Dương, cán bộ Công an huyện Đắk Song, trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng. Sau khi bàn giao đất, Công ty Lâm nghiệp Đắk Song còn ưu ái cung cấp toàn bộ giống, cây trồng như xoan, keo, muồng… để ông Dương trồng trên đất rừng. Ngoài ra, ông Dương còn lấn chiếm sang vị trí khác được giao khoán để trồng cây công nghiệp. Từ đó xảy ra tranh chấp đất đai, thậm chí xô xát gây thương tích giữa ông Dương, người làm cho ông Dương với các hộ dân khác và làm mất an ninh trật tự địa phương. Đến cuối năm 2011, UBND huyện Đắk Song thu hồi 6ha đất của ông Dương để thực hiện dự án ổn định dân di cư tự do và cũng ưu ái bồi thường cho ông Dương trái quy định số tiền 740 triệu đồng.
Tại huyện Đắk Song, Công ty TNHH Lâm nghiệp Trường Xuân (giải thể vào năm 2016) đã vô tư giao cho ông Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Đắk Nông) quản lý, bảo vệ hơn 13ha rừng thông, dù ông này không hề thiếu đất. Vào năm 2014, huyện Đắk Song còn làm tờ trình xin nhận về địa phương diện tích rừng thông trên để cấp sổ cho gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn. Khi các cơ quan chức năng tỉnh vào cuộc kiểm tra, đã dừng kịp thời việc cấp sổ cho gia đình ông Sơn khi phát hiện việc làm này sai trái. Tại huyện Đắk Glong, gia đình ông Sơn cũng được giao hơn 50ha đất rừng ở xã Quảng Khê (thuộc lâm phần Công ty TNHH Lâm nghiệp Quảng Khê trước đây) để canh tác, chăn nuôi. Còn gia đình ông Hoàng Duy Chuyển (nguyên Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông) cũng được giao hơn 100ha rừng tại xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong để canh tác. Hiện diện tích này đã được gia đình ông Chuyển sang nhượng, chuyển đổi trái phép cho nhiều người dân trong vùng. 
Bỏ mặc rừng bị phá
Trong số 56 công ty lâm nghiệp Tây Nguyên đang quản lý gần 1 triệu ha rừng và đất rừng, hơn quá nửa số công ty rơi vào tình trạng khó khăn, hoạt động không hiệu quả, nợ lương, nợ bảo hiểm… Trong khi đó, tình trạng mất rừng hàng loạt xảy ra ở hầu hết ở các công ty lâm nghiệp. Từ năm 2008 - 2014, ở Đắk Lắk có hơn 26.400ha rừng bị phá và lấn chiếm, trong đó các công ty lâm nghiệp chiếm hơn 11.100ha. Tại Đắk Nông, diện tích rừng bị mất và xâm chiếm từ năm 2004 đến nay là hơn 27.600ha. Trong đó, chỉ tính riêng Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân (ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) đã để mất hơn 4.500ha. Còn Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín (ở xã Quảng Tín, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) được giao quản lý 9.800ha rừng và đất rừng. 
Sau nhiều ngày thực địa tại các khu rừng ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk), chúng tôi chứng kiến những cánh rừng do các công ty lâm nghiệp nơi đây quản lý đang ngày đêm bị chặt phá tràn lan. Vào 2 tiểu khu 262, 264 (ở xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, thuộc quản lý của Công ty Lâm nghiệp Cư M’lan), chúng tôi bắt gặp rất nhiều máy cày độ chế ngang nhiên chở gỗ lậu chạy theo hướng từ rừng sâu ra trung tâm xã. Những xe máy chở gỗ cũng ngang nhiên chạy trên tuyến đường liên xã Ja Lơi. Tại tuyến đường đất đỏ liên xã Ea Rốk, Cư K’bang và Ea Lê có cả đoàn xe chở gỗ sao còn ứa nhựa (vừa bị lâm “tặc” đốn hạ từ rừng của Công ty Lâm nghiệp Rừng Xanh - phóng viên) chạy vào trung tâm xã Cư K’bang, trước khi “qua mặt” trạm kiểm lâm địa bàn (đóng tại xã Ea Lê) để tuồn vào các xưởng gỗ.
Tại địa bàn thôn 13, xã Cư Yang (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), những cánh rừng thuộc quản lý của Công ty TNHH Lâm nghiệp Ea Kar cũng bị xẻ thịt, trong vô số những bìa gỗ, mùn cưa còn sót lại, nhiều bìa gỗ vẫn còn rướm nhựa và mùn cưa mới, chứng tỏ lâm “tặc” vừa “xẻ thịt” cách đây không lâu. Bên cạnh đó, có những gốc cây với đường kính từ 30-80cm bị đốn hạ chưa kịp xẻ và vận chuyển khỏi rừng.
Tại Gia Lai, hàng loạt ban quản lý được giao đất, giao rừng nhưng cũng để mất tràn lan. Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê (đóng tại thị xã An Khê) được giao quản lý hơn 1.460ha rừng và đất lâm nghiệp. Qua kiểm tra mới đây, diện tích rừng và đất rừng của đơn vị này bị lấn chiếm hơn 1.200ha, trong đó có hơn 211ha rừng tự nhiên. Phần diện tích bị dân xâm chiếm nằm rải rác, hiện đã được dân trồng keo. Cũng tại thị xã An Khê, ban quản lý Rừng phòng hộ Ia Hội cũng để mất gần 883ha đất lâm nghiệp, trong đó có 166,7ha rừng tự nhiên. Cũng vì để  rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị xâm chiếm, Sở NN-PTNT Gia Lai đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Trương Duy Sinh, Trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Ya Hội và kỷ luật khiển trách ông Đỗ Hữu Long, Phó trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê.
Biến đất rừng thành… đất nhà!
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Gia Lai, hiện Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã để lấn chiếm, mất quyền sử dụng với diện tích hơn 2.400ha và thiệt hại 278ha rừng trồng. Trong đó, nhiều cán bộ của ban này lấn chiếm, sử dụng hàng chục hécta đất rừng để làm trang trại, xây nhà kiên cố. Riêng Trưởng ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ Nguyễn Đức đã lấn chiếm 22ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 16,7ha đã được cấp sổ đỏ. Ngoài ông Đức, ông Tưởng Tín, nguyên Trưởng ban, cũng lấn chiếm hơn 10ha đất rừng. Còn bà Mai Thị Ngọc Thỏa, nguyên viên chức ban, đã chiếm hơn 30ha. Sau khi có sổ đỏ, bà Thỏa đã chuyển nhượng số đất trên cho ông Đặng Xuân (Phó ban), ông Đặng Văn Cườm (kế toán ban) và một số người khác. Tất cả số đất bị chiếm dụng đều nằm trên tiểu khu 389, thuộc xã Diên Phú, TP Pleiku.

CÔNG HOAN - HỮU PHÚC

 

    Nguồn: Báo SGGP online

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ