A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Di cư tự do ở Ea Súp: Còn lắm nỗi lo (Kỳ 1)

14:52 | 23/10/2017

Kỳ 1: Vào vùng di cư tự do

Tuy tình hình di cư tự do (DCTD) trên địa bàn huyện Ea Súp thời gian gần đây không còn phức tạp, đã giảm về số lượng, nhưng vẫn để lại nhiều hệ lụy. Dù các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực, nhưng việc sắp xếp, ổn định DCTD vẫn là vấn đề nan giải.

Làng vắng bóng đàn ông

Những  đứa trẻ  ở thôn 14  (xã  Cư Kbang) không có người lớn trông nom,  phải tự chơi với nhau.

Những đứa trẻ ở thôn 14 (xã Cư Kbang) không có người lớn trông nom, phải tự chơi với nhau.

Ở xã Cư Kbang có một khu dân cư được gọi là vùng DCTD bởi đa phần người dân đều DCTD, sinh sống tập trung ở các thôn 14, 15, 16 và 3 cụm dân cư (8, 9, 10). Do các cụm chưa đủ điều kiện để thành lập thôn nên để tiện cho việc quản lý, địa phương đã đề cử các trưởng cụm.

Vùng DCTD có chủ yếu là dân tộc Mông, Tày… từ các tỉnh miền núi phía Bắc: Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang đến. Theo thống kê của địa phương, từ đầu năm đến nay có 27 hộ DCTD, thấp hơn nhiều so với những năm trước (năm 2014 có 32 hộ, năm 2015 có 59 hộ, năm 2016 có 40 hộ).

Giữa giờ trưa, chị Vừ Thị Dính (cụm 9) cặm cụi cùng các con may vá áo quần. Khi chúng tôi hỏi han về tình hình gia đình, chị lắc đầu không nói, các cô con gái cũng chỉ cười rồi trả lời “không biết gì đâu”. Rất may cậu con trai Giàng A Dỉ biết được chút tiếng phổ thông, nên chậm rãi chia sẻ: Nhà Dỉ có tất cả 7 người, bố hiện đang lên rừng làm rẫy, còn lâu lắm mới về nhà. Dỉ là anh cả (20 tuổi) trong gia đình có 5 anh em, em nhỏ nhất mới 10 tuổi. Trong nhà chỉ có Dỉ được học hết lớp 1, còn lại gần như không biết mặt chữ.

Một góc làng của người di cư tự do ở xã Cư Kbang.

Một góc làng của người di cư tự do ở xã Cư Kbang

Căn nhà lụp xụp, chật chội của vợ chồng chị Lý Thị Khu (thôn 14) là không gian sinh hoạt chung của 9 thành viên gia đình. Họ vào Cư Kbang sinh sống từ năm 2014, chị Khu có 7 người con, lớn nhất 15 tuổi và nhỏ nhất mới 9 tháng tuổi. Do kinh tế khó khăn nên hầu hết các con đều nghỉ học giữa chừng. Người biết được nhiều chữ nhất trong nhà là con gái đầu Dương Thị Dợ cũng chỉ học đến lớp 5. Cũng vì kinh tế nên anh Dương Văn Chiếu, chồng chị Khu rất ít khi có mặt ở nhà bởi phải lên rẫy lo cơm áo gạo tiền.

Trường hợp như gia đình chị Vừ Thị Dính và chị Lý Thị Khu không phải là hiếm ở ngôi làng này. Dù tìm đến làng vào giờ tan tầm – thời điểm mà các thành viên gia đình thường có mặt đông đủ nhất, nhưng chúng tôi chỉ thấy bóng dáng của phụ nữ và trẻ con. Hỏi ra mới biết, đàn ông trong gia đình đa phần đã lên rẫy, cứ tầm vài tuần đến một tháng mới về thăm nhà một lần.

Nhiều hệ lụy

 Di cư vào vùng đất mới, các hộ dân phải đối mặt với vô vàn khó khăn: không có đất sản xuất, nhà ở, thiếu vốn để làm kinh tế... chính vì vậy họ buộc phải kiếm kế sinh nhai bằng việc phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng phá, xâm lấn rừng tại đây diễn ra ngày càng trở nên phức tạp. “Biết phá rừng là sai, nhưng nếu không vào rừng trồng cây, trồng mì thì gia đình em sẽ không có cái ăn” - Giàng A Dỉ (cụm 9) hồn nhiên tâm tình.

Ở làng DCTD, rất nhiều gia đình không có hộ khẩu do “đi không báo, đến không khai”. Ông Trần Hữu Quý, Trưởng Công an xã chia sẻ, nhiều hộ dân đến xã sinh sống nhưng không khai với chính quyền địa phương, không đăng ký tạm trú, một số trường hợp khi bị phát hiện họ không chịu hợp tác hoặc thông tin không chính xác; nhiều trường hợp khi đến có kê khai, thông báo, nhưng rời khỏi địa phương lúc nào không hay biết; lại có trường hợp hộ khẩu ở quê cũ, nên vượt cả nghìn cây số để về làm thủ tục là chuyện rất khó đối với họ…

1
Chị Lý Thị Khu và những người con trong ngôi nhà lụp xụp.

Mặc dù vậy, địa phương vẫn tạo điều kiện để các gia đình được thụ hưởng mọi chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, đa phần người dân vẫn quen với nếp sống cũ, đó là tình trạng tảo hôn, đẻ nhiều, con cái thất học, không chú trọng việc chăm sóc sức khỏe...

Không chỉ bản thân những người DCTD gặp khó khăn khi di cư vào sinh sống ở vùng đất mới, mà chính quyền cũng gặp phải những vướng mắc khó giải quyết. Bà Lê Thị Chinh, Bí thư Đảng ủy xã Cư Kbang cho biết: Người dân DCTD vào địa bàn xã gây ra nhiều hệ lụy như chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép; tranh chấp đất ở, đất sản xuất; một số trường hợp gây rối trật tự công cộng; nhiều hộ gia đình khi đã ổn định được cuộc sống ở đây rồi thì thông tin cho người thân, họ hàng ở quê vào lập nghiệp, gây không ít khó khăn cho chính quyền trong vấn đề quản lý. Trong khi đó, giải quyết bài toàn dân CDTD đang rất thiếu nhân lực, vật lực, quỹ đất dành cho đất sản xuất…

(Còn nữa)

Ngọc Quỳnh

 

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ