A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sửa đổi chính sách để nâng cao vị thế nhà giáo

14:04 | 13/11/2017

Bàn về vai trò, vị thế của nhà giáo, ông Phan Thanh Bình- chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Giáo viên không phải nghề bình thường, nên cần có chính sách để nhà giáo sống được bằng lương.

 
Cô và trò.
 
Ông cũng cho rằng cần sớm có Luật Nhà giáo để quy định rõ vị trí, chế độ của giáo viên nói chung, kể cả công lẫn tư, sau đó mới tính tới chuyện thay đổi về chính sách của đối tượng này.
 
Luật giúp đảm bảo dân chủ trong cơ sở giáo dục 
 
Cần tạo động lực để giáo viên chuyên tâm giảng dạy bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có cải thiện chính sách đãi ngộ, tăng lương cho giáo viên. Đó là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Nhiều ý kiến  đề xuất tăng lương cho giáo viên bằng cách sửa đổi Luật Giáo dục, sớm đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật năm 2019.
 
Theo phân tích của ông Phan Thanh Bình, hiện nay giáo viên đang được điều chỉnh bởi Luật Viên chức. Tuy nhiên, Luật Viên chức quá rộng trong khi nhà giáo lại có vị thế, trách nhiệm riêng. Do đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mong muốn sớm có Luật Nhà giáo để điều chỉnh riêng cho đối tượng giáo viên.
 
Trước đó, tại Hội thảo giáo dục 2017 về chất lượng giáo dục phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa tổ chức tại Hà Nội, bà Ngô Thị Minh - phó chủ nhiệm Ủy ban nhận định: Nhà giáo là nghề đặc thù nên danh dự và chính sách tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, đãi ngộ phải có luật điều chỉnh. Việc có Luật Nhà giáo cũng giúp đảm bảo môi trường làm việc dân chủ, bình đẳng cả trong các cơ sở giáo dục. Tại hội thảo này, đại diện Bộ Nội vụ cũng cho biết, hiện đội ngũ giáo viên phổ thông đã được hưởng chế độ, chính sách về tiền lương cao hơn so với cán bộ, công chức, viên chức khác. Phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo cao nhất trong đội ngũ cán bộ công chức viên chức từ 30-70%, đồng thời đã được hưởng thêm phụ cấp thâm niên. Tuy nhiên, hiện tiền lương theo chế độ quy định đối với giáo viên vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế của cuộc sống.
 
Sớm cải thiện đời sống  giáo viên 
 
Cuối tuần vừa qua, tại tọa đàm “Đổi mới giáo dục - Nhìn từ góc độ người thầy” diễn ra tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần sớm sửa đổi các chính sách, nhằm giải quyết các bất cập của nghề giáo, đồng thời xây dựng một luật riêng, đặc thù của nghề giáo viên. 
 
Tại đây, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: Chúng ta đang chuẩn bị cho cuộc đổi mới của ngành giáo dục. Đó là sự thay đổi rất lớn, căn bản, chuyển từ việc truyền thụ kiến thức sang việc đào tạo những con người có phẩm chất, năng lực, tiếp cận với yêu cầu hiện hữu là nguồn nhân lực có chất lượng không chỉ phục vụ trong đổi mới trong nước mà còn cạnh tranh với nguồn nhân lực chất lượng cao các nước khác. Rõ ràng vai trò, định hướng của người thầy không chỉ để học trò có kiến thức, kỹ năng mà còn có phẩm chất, năng lực. Do đó, vai trò của người thầy trong thời điểm này là rất quan trọng. Trở lại với câu chuyện đầu vào sư phạm thấp và giáo viên viết đơn xin ra khỏi nghề, bà Hoa cho rằng: Nếu cơ chế chính sách không thay đổi thì không chỉ là bài toán sinh viên không chọn nghề giáo mà chúng ta sẽ phải đối mặt với việc những nhà giáo sẽ rút ra khỏi ngành. Đó sẽ là một áp lực rất lớn cho ngành sư phạm. Từ thực tiễn này, bà Mai Hoa bày tỏ mong muốn trong năm 2019 hoặc muộn thì 2020 phải đưa Luật Nhà giáo vào trong chương trình xây dựng luật. Phải có luật riêng cho nhà giáo để tất cả những quy định về tính chất đặc thù của nghề giáo, những yêu cầu những chính sách đối với nghề giáo phải được đặt ra và giải quyết.
 
Còn GS Đinh Quang Báo-  nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc đầu tiên cần làm là tìm giải pháp đột phá cải thiện đời sống cho giáo viên. Cùng với đó, phải chọn những người giỏi nhất vào làm giáo viên. Ở các nước phát triển, họ chọn 10 - 15% những người giỏi nhất để làm giáo viên. Giáo viên có quyền sáng tạo cao nhất. Đó là bí quyết thành công mà các nước đang làm. “Đã đến lúc cần phải rà soát những bất cập, vướng mắc và có chính sách đột biến về đãi ngộ vật chất cho nhà giáo phù hợp thực tiễn” - GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh. 
 
TS Hoàng Đức Minh - cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, ở góc độ quản lý nhà nước, tiến trình đổi mới giáo dục không chỉ bắt đầu từ bây giờ mà đã có lộ trình từ Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ ra đường lối rất rõ. Thực tế hiện nay, thách thức của đội ngũ giáo viên rất lớn vì kỳ vọng của xã hội đặt lên vai thầy cô rất nhiều công việc trực tiếp và gián tiếp hàng ngày. Cùng với đó là những khó khăn, điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của mình như cơ sở vật chất, đặc biệt là những vùng vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Kể cả ở đô thị cũng có những khó khăn như trường lớp đông, nhiều kỳ vọng, nhiều yêu cầu… Vấn đề thu nhập và lương của giáo viên, các nhà quản lý không phải là không biết. Tuy nhiên có những việc Bộ GD&ĐT không tự quyết được, đơn cử như hai vấn đề là tiền và người thì ngành giáo dục lại không tự quyết, chỉ tham gia đề xuất và một phần rất nhỏ điều tiết cấp vi mô. 
 
Ông Đức Minh cho hay, gần đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng cũng đang rốt ráo việc tổng kết đánh giá. Bộ GD&ĐT cũng đã có những đề xuất để đẩy mạnh về chính sách cải cách tiền lương và thu nhập cho đội ngũ nhà giáo. Trong quá trình sửa Luật Giáo dục, ngành Giáo dục cũng đang gấp rút cùng với các Bộ, ngành thực hiện, trong đó, Bộ GD&ĐT cũng đã đề xuất đưa chính sách cải cách tiền lương vào Dự thảo. Tới đây, nếu có điều kiện để xây dựng được Luật Nhà giáo thì những việc này sẽ được mạch lạc hơn, bài bản hơn.
 
Minh Quang - Mạnh Dũng 

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ