A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Vẫn tiếp tục mở rộng điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc thay thế Methadone

10:14 | 18/11/2017

Được triển khai từ tháng 7/2015, chương trình điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc Methadone đã góp phần đem lại hy vọng, niềm tin cho nhiều người nghiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông....

...Tuy nhiên, do một số nguyên nhân nên việc quản lý điều trị vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Tăng Hải Hùng, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Người dân đến tư vấn điều trị bằng Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh

PV: Sau hơn 2 năm triển khai, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả mà chương trình cai nghiện bằng thuốc Methadone đem lại?

Bác sĩ Tăng Hải Hùng: Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 1 cơ sở điều trị đặt tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh và 4 cơ sở cấp phát thuốc tại các huyện: Đắk R’lấp, Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô. Chương trình đã tiếp nhận điều trị cho 332 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Hiện nay, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng tiêm chích ma túy trên địa bàn tỉnh khá cao, chiếm khoảng 70% số người nhiễm ở các nhóm có hành vi nguy cơ. Vì vậy, việc triển khai điều trị bằng Methadone như một mũi tên trúng nhiều đích, đó là: hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS, giúp người nghiện từ bỏ dần ma túy, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chi phí và gánh nặng cho gia đình cũng như giảm nguy cơ phạm pháp, ổn định trật tự an ninh xã hội...

Theo số liệu báo cáo của Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 431 người nghiện chích ma túy, giảm 37 người so với cùng kỳ năm 2016. Về tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS, năm 2016, toàn tỉnh phát hiện 16 trường hợp nhiễm HIV là đối tượng nghiện chích ma túy thì năm 2017, chỉ phát hiện 10 trường hợp.

PV: Quá trình triển khai có gặp khó khăn, vướng mắc nào không, thưa ông?

Bác sĩ Tăng Hải Hùng: Trong quá trình điều trị bằng chất thay thế Methadone, bệnh nhân phải uống thuốc hàng ngày, đúng giờ và uống ngay tại cơ sở điều trị, cấp phát thuốc dưới sự giám sát của cán bộ y tế.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân ở xa nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề tuân thủ phác đồ điều trị. Một số bệnh nhân không có việc làm ổn định, thường xuyên la cà quán xá, bị bạn bè rủ rê, không đủ quyết tâm để điều trị đến nơi đến chốn.

Ngoài ra, người nghiện các chất dạng thuốc phiện vẫn còn bị xã hội kỳ thị nên có tâm lý e ngại, giấu bệnh. Điều này làm cho công tác tuyên truyền, vận động người nghiện tham gia điều trị gặp nhiều khó khăn…Trong số 332 bệnh nhân được tiếp nhận điều trị thời gian qua đã có 123 trường hợp bỏ điều trị, chiếm 37%.

PV: Gần đây, một số thông tin cho rằng không nên mở rộng mạng lưới điều trị bằng methadone vì tình trạng nghiện ma túy tổng hợp ngày càng nhiều. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

Bác sĩ Tăng Hải Hùng: Việc điều trị bằng thuốc Methadone có tác dụng rất hiệu quả đối với những người nghiện các chất dạng thuốc phiện như heroin và thuốc phiện. Tuy nhiên, thuốc Methadone lại không có tác dụng điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp như ma túy đá, thuốc lắc. Thực tế, tình trạng nghiện ma túy tổng hợp trong xã hội ngày càng nhiều, nhưng vẫn không chiếm đa số.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, tính đến hết năm 2016, cả nước có 210.751 người nghiện ma túy; trong đó, số nghiện các chất dạng thuốc phiện là 159.844 người, chiếm 75,8%, số người nghiện ma túy tổng hợp là 20.778 người, chỉ chiếm khoảng 9,8%.

Riêng tại tỉnh Đắk Nông, theo thống kê của Công an tỉnh, trong tổng số 431 người nghiện chích ma túy có hơn 300 người sử dụng heroin, thuốc phiện, chiếm 70%. Do đó, tính sẵn có của cơ sở điều trị Methadone là rất cần thiết cho người nghiện khi họ có nhu cầu tự nguyện đến điều trị.

Trước thực trạng này, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, điều tra một cách khoa học, định kỳ để có con số chính xác về số người nghiện trên địa bàn và nghiện loại ma túy nào nhằm có phương án điều trị đúng, tránh những nhận định chủ quan, phiến diện, không phản ánh đúng thực trạng tại các địa phương.

PV: Để “giữ chân” bệnh nhân, theo ông, các cơ sở điều trị cần phải làm gì?

Bác sĩ Tăng Hải Hùng: Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc tiếp tục triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, ngành sẽ tiếp tục thành lập và nâng cấp các cơ sở cấp phát thuốc Methadone theo lộ trình từng năm. Theo kế hoạch, trong quý I năm 2018, ngành sẽ thành lập thêm 3 cơ sở cấp phát thuốc tại huyện Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song và từng bước nâng cấp cơ sở cấp phát thuốc tại huyện Chư Jút thành Cơ sở điều trị Methadone thứ 2 trên địa bàn tỉnh.

Cùng với việc mở rộng các cơ sở cấp phát thuốc và điều trị Methadone, việc nâng cao chất lượng điều trị cho các cơ sở điều trị cũng được chú trọng. Trong quá trình điều trị, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế thường xuyên tư vấn, giải thích để bệnh nhân tuân thủ liều điều trị, tránh tình trạng bỏ điều trị giữa chừng. Đối với những bệnh nhân bỏ điều trị, cán bộ y tế kết nối, tìm hiểu lý do để tích cực vận động họ quay lại điều trị.

Ngành Y tế cũng sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cũng như tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị, bố trí nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch giúp bệnh nhân đã hoàn thành điều trị tái hòa nhập với cộng đồng, tránh tình trạng tái nghiện...

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là gia đình bệnh nhân phải thường xuyên động viên tinh thần, an ủi, hỗ trợ bệnh nhân về mọi mặt. Bản thân người bệnh phải tự giác, quyết tâm tuân thủ phác đồ điều trị, cai nghiện ma túy thành công.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Vũ Trang thực hiện

 

    Nguồn "Đắk Nông Điện tử"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ