A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Câu chuyện Giáo dục: Chấm dứt bạo lực trẻ em

10:56 | 07/12/2017

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1990. Tuy nhiên, hiện nay bạo lực thân thể trẻ em vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội.

Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại nghiêm trọng cần được hỗ trợ, can thiệp. Theo báo cáo của Bộ Công an, mỗi năm cả nước xảy ra 3.000-4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó có khoảng 100 trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại
 

Kết quả khảo sát và phỏng vấn của Tổ chức tầm nhìn thế giới đối với học sinh tại 2 tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang cho thấy có 44% trẻ em bị bạo lực, trong đó 23% bị đánh, tát, đòn roi. Mới đây, theo báo cáo về can thiệp và hỗ trợ theo đường dây nóng 18001567 phản ánh về bạo lực trẻ em, trong 689 ca bạo lực trẻ em, có đến 6/10 ca bạo lực thân thể, trong đó có 4 ca bạo lực gia đình, 2 ca bạo lực học đường...

Có thể nói nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra trong gia đình và trường học đã được phát hiện trong thời gian vừa qua khiến dư luận xã hội bất bình và lo ngại. Theo các chuyên gia giáo dục và y tế, hậu quả của việc trẻ bị bạo hành về thể chất không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn tổn thương tinh thần, trí tuệ, sự phát triển toàn diện và tương lai của trẻ em, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Ngoài ra,các chuyên gia tâm lý đặc biệt lo ngại, khi một đứa trẻ  ở độ tuổi mầm non bị hành hạ dã man trong một thời gian dài thì di chứng sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, tác động tiêu cực đến tâm lý, hành vi và gây tổn hại về thể xác, tinh thần kéo dài, thậm chí đến suốt đời.

Để giảm thiểu và ngăn chặn vấn đề bạo lực thân thể đối với trẻ em, trong gia đình, nhà trường và xã hội, ở góc độ của người quản lý, theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa các nhà trường cần phải thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức nhà giáo. Ngoài ra, theo bà phải nhanh chóng xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học cùng với triển khai công tác tư vấn học đường và thực hiện chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường, Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ ngày 16-5-2017 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Hưởng ứng sự kiện của Việt Nam về việc khởi động sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”, mới đây, Bộ GDĐT đã tổ chức Lễ phát động “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ trong gia đình và trường học” tại Hà Nội. Hy vọng sau những “chấn động” lớn vừa qua, tình trạng bạo lực thân thể trẻ em sẽ chấm dứt. Bởi trẻ em có quyền được chăm sóc đầy đủ và toàn diện ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành.         

Lê Nam

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ