A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Huyện Krông Ana: Nỗ lực phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện

09:17 | 15/12/2017

Những năm qua, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) huyện Krông Ana đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, góp phần tích cực đối với công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Nhiều chính sách ưu đãi

BHXH tự nguyện là hình thức bảo hiểm mới với nhiều ưu việt. Khi tham gia, người dân sẽ được hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế, giúp giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già và chế độ tử tuất khi điều không may xảy đến. Đây là loại hình bảo hiểm do người dân tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân.

Theo quy định của Luật BHXH hiện hành thì mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, nếu không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu bằng 22% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (tức là người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng ít nhất 154 nghìn đồng/tháng). Giả định, mức chuẩn nghèo không thay đổi thì trong vòng 20 năm, người đóng BHXH tự nguyện ở mức thấp nhất này sẽ nhận được lương hưu 420 nghìn đồng/tháng. Do vậy, người dân có thể chọn mức đóng cao hơn để hưởng mức lương hưu cao khi về già, nhưng không vượt quá 22% của 20 lần mức lương cơ sở.

Ông Đặng Văn Nghi ở thôn 4, xã Bình Hòa đang trao đổi với cán bộ BHXH huyện Krông Ana về Luật BHXH.

 
Ông Đặng Văn Nghi ở thôn 4, xã Bình Hòa đang trao đổi với cán bộ BHXH huyện Krông Ana về Luật BHXH.

Người đóng BHXH tự nguyện có thể theo nhiều phương thức như: đóng theo tháng, quý, đóng 6 tháng hoặc 12 tháng/lần. Trường hợp người lao động có một khoản thu nhập lớn mới phát sinh thì có thể đóng BHXH một lần cho nhiều năm về sau như là một khoản tiết kiệm cho tuổi già. Hoặc người đã hết tuổi lao động nhưng mới có hơn 10 năm đóng BHXH thì có thể đóng BHXH một lần cho những năm còn thiếu và hưởng lương hưu ngay khi đóng đầy đủ.

Để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH, kể từ ngày 1-1-2018, Nhà nước sẽ hỗ trợ phần trăm trên mức đóng hằng tháng theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn đối với các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, cụ thể: Hỗ trợ cho đối tượng hộ nghèo 30% tương ứng 46.200 đồng, hộ cận nghèo là 25% tương ứng 38.500 đồng và 10% đối với đối tượng khác tương ứng 15.400 đồng/tháng.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi nhưng những năm qua, để phát triển đối tượng tham gia loại hình bảo hiểm này vẫn còn gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Giám đốc BHXH huyện Krông Ana, nguyên nhân là do nhận thức của người dân về chế độ chính sách BHXH tự nguyện còn hạn chế; thu nhập của người lao động thấp; nhiều đại lý BHXH cơ sở còn hoạt động kiêm nhiệm, chưa sát sao, đầu tư nhiều thời gian cho việc phát triển đối tượng tham gia…

Thời gian qua, BHXH huyện Krông Ana đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, cách làm để duy trì, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, đơn vị đã tăng cường phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và phân công cán bộ trực tiếp xuống địa bàn từng xã, thị trấn để tuyên truyền, thuyết phục người dân. Từ đầu năm đến nay, BHXH huyện đã tổ chức được 5 buổi đối thoại với nhân dân tại địa bàn các xã, thị trấn với hàng trăm lượt người dân tham gia. Thông qua hệ thống loa phát thanh cấp xã, phát nhiều tin, bài về tình hình, kết quả thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, các chế độ chính sách mới và những điều cần biết về BHXH tự nguyện… để người dân hiểu và tích cực tham gia.

 

BHXH huyện Krông Ana đang định hướng phát triển chính sách BHXH tự nguyện cho từng đối tượng, từng khu vực kinh tế tại địa phương, đồng thời nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của cán bộ trong việc tiếp dân, xử lý, giải đáp các vấn đề cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân dễ dàng tiếp cận, tham gia.”

 
 
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Giám đốc BHXH huyện Krông Ana

Cùng với đó, BHXH huyện đã chú trọng hoàn thiện hệ thống tổ chức cũng như nâng cao năng lực, kỹ năng thuyết trình của đội ngũ cán bộ chuyên môn; phát triển các đại lý thu BHXH ở cơ sở (toàn huyện hiện có trên 30 đại lý do UBND, Trạm Y tế các xã, thị trấn quản lý). Thông qua hệ thống đại lý, các chế độ chính sách mới về BHXH tự nguyện đã được cập nhật và tuyên truyền lồng ghép cho người dân trong quá trình giao dịch… Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 48 người tham gia BHXH tự nguyện.

Ông Đặng Văn Nghi (SN 1964) một người dân ở thôn 4, xã Bình Hòa chia sẻ: “Gia đình tôi làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định, nhưng từ năm 2009 đến nay mỗi tháng tôi đều để dành ra một khoản tiền để tham gia BHXH tự nguyện ở mức tối thiểu. Tôi rất yên tâm vì sau khi đóng đủ số năm BHXH tự nguyện sẽ được nhận lương hưu như cán bộ nhà nước, có chỗ dựa khi về già, đỡ gánh nặng kinh tế cho con cái. Hiện tôi cũng đang vận động thêm mọi người trong gia đình và thôn xóm tham gia”.

Lê Thành

 

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ