A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Những tín hiệu tích cực trong công tác bảo tồn voi

08:00 | 10/01/2018

Nhờ nỗ lực của các ngành chức năng, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và hơn hết là sự cố gắng không mệt mỏi của cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi, công tác bảo tồn voi đã có những tín hiệu tích cực.

Hơn 1 tháng qua, voi cái H’Blú (48 tuổi) đã không còn phải oằn mình “cõng” khách du lịch nữa. Những năm tháng lao động nhọc nhằn giờ chỉ còn là quá khứ bởi nàng voi này may mắn được chủ tặng lại cho Trung tâm Bảo tồn voi để chăm sóc. Từ ngày về “ngôi nhà” mới đến giờ, voi H’Blú được tận hưởng cuộc sống bình yên trong sự chăm sóc, nâng niu chu đáo của nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi; được tự do dạo chơi, kiếm ăn dưới những cánh rừng. 

Nhân viên Trung tâm bảo tồn voi chăm sóc voi Gold.

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi nhớ lại: Tháng 11-2017, Trung tâm bất ngờ khi nhận được lời đề nghị của Công ty Du lịch sinh thái Phương Nam ở phường 4 (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) muốn chuyển giao voi cái H’Blú cho Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc. Nhận được lời đề nghị quý như vàng này, Trung tâm nhanh chóng tiến hành các thủ tục tiếp nhận voi, tổ chức một lễ trọng thể cho voi H’Blú chia tay chủ cũ, đón voi về với ngôi nhà mới. Đây là một sự kiện “lịch sử” đối với Trung tâm, vì lần đầu tiên được tặng voi sẽ giúp ích trong công tác bảo tồn, nghiên cứu, nhưng đáng mừng hơn là những chủ voi đã có sự thay đổi trong cách ứng xử với voi nhà và tin tưởng Trung tâm để giao lại “người bạn” đã gắn bó với họ thời gian dài. “Những con voi nhà già yếu, nếu không cho chúng nghỉ ngơi mà khai thác làm du lịch thì nguy cơ bị kiệt sức và chết rất lớn. Nếu chúng được đưa về đơn vị chăm sóc, phục vụ cho nghiên cứu, bảo tồn sẽ rất tốt, tuy nhiên do kinh phí của Trung tâm không đủ để mua lại số voi này, nên rất mong muốn các tổ chức, người dân hiến tặng”, ông Luân chia sẻ.

Sau những nỗ lực không mệt mỏi của Trung tâm, đến nay voi Gold - chú voi rừng bị rơi xuống giếng trong rẫy của người dân năm 2016 (lúc đó Gold mới 4 tháng tuổi) đã có thể tự ăn và biết tìm kiếm thức ăn ngoài tự nhiên. Đây thực sự là một kỳ tích của cán bộ, nhân viên Trung tâm trong công tác cứu hộ vì nhiều chuyên gia nhận định, voi Gold còn quá nhỏ sẽ rất khó thích nghi được với môi trường. Trong hơn 1 năm đầu, các nhân viên ở đây phải thay nhau thức trắng đêm cho voi Gold uống nước, uống sữa, vuốt ve để nó vơi bớt nỗi nhớ mẹ; xây dựng bể tắm, khu vui chơi để voi thỏa mãn tính tò mò, nghịch ngợm. Chưa hết, để dạy cho voi cách kiếm ăn, cách phân biệt các loại thức ăn, Trung tâm đã thuê một voi cái về làm “bảo mẫu” dạy cho Gold.

Chuyên gia quốc tế (bìa phải) hướng dẫn các nhân viên Trung tâm bảo tồn Voi cách huấn luyện voi.

Một nhiệm vụ quan trọng, thách thức đối với công tác bảo tồn đàn voi nhà là gỡ “nút thắt” nhiều năm voi nhà không sinh con cũng đã có “tín hiệu” tích cực. Sau một thời gian dài triển khai nhiều biện pháp để cho voi nhà sinh sản, trong đó sử dụng cả máy móc, kỹ thuật của y học để xác định thời gian rụng trứng, chu kỳ động dục, chỉ số sức khỏe… để bắt cặp cho voi giao phối nhằm tăng khả năng đậu thai. Cuối năm 2016, voi cái Ban Nang (huyện Lắk) đã mang thai - đây là lần đầu tiên sau hơn 30 năm, voi nhà mới mang thai trở lại. Dù voi sinh con không thành, voi con đã chết trước khi sinh ra nhưng những kinh nghiệm có được trong suốt quá trình theo dõi thai sản của voi là tiền đề, động lực để tiếp tục công việc cho voi nhà sinh sản tự nhiên. Để quản lý voi nhà tốt hơn, mới đây, Trung tâm cũng đã đầu tư 90 triệu đồng để gắn chíp điện tử cho voi. Mỗi con voi sẽ được gắn một chíp điện tử (có mã số riêng) vào dưới da giống như một “chứng minh thư”. Khi cần tra cứu thông tin về con voi này chỉ cần đưa máy đọc vào gần voi, chíp điện tử sẽ phản hồi tất cả những thông tin đã thiết lập trong hồ sơ như: tiểu sử, chiều cao, cân nặng, giới tính, tiền sử bệnh tật, chu kỳ động dục... “Việc gắn chíp điện tử cho voi góp phần số hóa thông tin đàn voi nhà của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi công tác quản lý, nghiên cứu, chăm sóc, bảo tồn đàn voi”, ông Luân cho hay.

Bên cạnh đó, qua triển khai Dự án điều tra, giám sát quần thể voi hoang dã và xây dựng, triển khai Kế hoạch bảo tồn sinh cảnh và hành lang di chuyển của voi hoang dã, Trung tâm đã tiến hành các đợt điều tra, giám sát voi, qua đó cho thấy quần thể voi hoang dã ổn định cơ cấu bầy đàn với 5 đàn khoảng 80-100 cá thể, cơ cấu đàn đầy đủ voi con, voi nhỡ và voi trưởng thành.

Toàn tỉnh hiện còn 45 con voi nhà, gồm 26 con voi cái và 19 con voi đực, trong đó có 25 con voi  (9 voi đực và 16 voi cái) từ 20-40 tuổi còn khả năng sinh sản, 20 con voi (10 con voi đực và 10 con voi cái) trên 40 tuổi không còn khả năng sinh sản.

Vạn Tiếp

 

 

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ