A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Muôn mặt thưởng Tết

14:13 | 06/02/2018

Tết đã cận kề, khắp nơi đào, quất đua nhau khoe sắc. Thế nhưng bên cạnh sự hoan hỉ vì có một cái tết đủ đầy thì vẫn có không ít người nén tiếng thở dài vì không có thưởng Tết.

Không khí Tết đã tràn ngập nhưng nhiều người vẫn đang ngóng thưởng Tết.

Từ 1,5 tỷ đồng...

Báo cáo tổng hợp về mức lương và thưởng Tết năm 2018 vừa được Bộ LĐTBXH công bố cho thấy, mức thưởng Tết Nguyên đán Mậu Tuất trung bình là 5,52 triệu đồng/người, tăng 13,0% so với năm 2017. Cụ thể tổng hợp số liệu báo cáo 63 địa phương, tính đến ngày 17-1, cả nước có 26.829/432.899  doanh nghiệp (DN) có báo cáo tiền lương, nợ lương năm 2017, thưởng Tết năm 2018. Trong đó, có 18.015 DN có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch và 25.174 DN có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán.

Về thưởng Tết Dương lịch, Bộ LĐTBXH thống kê, người có mức thưởng cao nhất tại DN có vốn đầu tư nước ngoài ở TP Hồ Chí Minh là 1,5 tỷ đồng. Tiền thưởng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, mức thưởng bình quân bằng khoảng 1 tháng lương (5,527 triệu đồng/người), tăng 13,0% so với năm 2017 (4,889 triệu đồng/người).

Mức thưởng bình quân trên, cụ thể ở 4 loại hình doanh nghiệp cho thấy như sau: Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 5,021 triệu đồng/người, tăng 8,7% so với năm 2017 (4,618 triệu đồng/người); Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối cùa Nhà nước là 6,212 triệu đồng/người, bằng 84,2 % so với năm 2017 (7,381 triệu đồng/người). DN dân doanh là 5,089 triệu đồng/người, tăng 20,6% so với năm 2017 (4,217 triệu đồng/người); DN có vốn đầu tư nước ngoài là 5,680 triệu đồng/người, tăng 16,0% so với năm 2017 (4,896 triệu đồng/người).

 Bộ LĐTBXH cũng thống kê, người có mức thưởng cao nhất tại DN dân doanh ở TPHCM là 855,107 triệu đồng. Năm 2017 cũng tại DN dân doanh ở TPHCM là 1 tỷ đồng.

Một biếm họa về thưởng Tết.

Đến 20 ngàn đồng và... không đồng

Đánh giá về tình hình thưởng Tết năm 2017, Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ LĐTBXH đánh giá, năm 2017, nhờ kinh tế phục hồi, tiếp tục điều chỉnh tăng lương tối thiểu và lương cơ sở, nên tiền lương năm 2017 và thưởng Tết 2018 của người lao động tăng so với năm trước. Hiện còn một số DN chưa có kế hoạch thưởng cuối năm. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Lao động, tiền thưởng cuối năm không bắt buộc, do DN tự quyết định trên thực tế kinh doanh cả năm và quy chế của DN. Chính vì vậy Tết Nguyên đán năm nay vẫn có người lao động ngậm ngùi với mức thưởng Tết chỉ vỏn vẹn… 20.000 đồng/người, chỉ bằng 40% so với mức thấp nhất của năm 2017 (50.000 đồng/người). DN thưởng 20.000 đồng/người là một DN dân doanh ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Trước đó, dịp Tết dương lịch, mức thưởng bình quân là 1,151 triệu đồng/người. Tuy có cá nhân tại TPHCM đã được hưởng mức thưởng Tết Dương lịch là 1,5 tỷ đồng. Nhưng cũng có người lao động tại một số DN dân doanh và FDI tại Thanh Hóa, Ninh Bình và Bình Dương chỉ được thưởng 30.000 đồng/người

Hỏi chuyện thưởng Tết, thầy Phạm Minh Cường giáo viên tiểu học ở huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết, gần 20 năm làm nghề có biết đến thưởng Tết là gì đâu. “Cữ này giáo viên vùng cao chỉ mong vận động tìm mọi mối quan hệ quen biết dưới xuôi xem chỗ nào có thể xin cho học trò ít quần áo ấm, đôi ủng, ít gạo, cái bánh chưng... để học sinh ăn Tết. Còn thầy cô chỉ mong lương không bị chậm để trích ra một khoản góp vào nấu cho học trò nồi bánh chưng”- thầy Cường chia sẻ.

Ngậm ngùi vì thưởng Tết không chỉ là nỗi buồn riêng của những nhà giáo mà còn là nỗi buồn của hàng nghìn công nhân ở những DN tư nhân, DN làm ăn thua lỗ đứng trước nguy cơ phá sản. Gọi đến đường dây nóng của báo Đại Đoàn Kết, không giấu được sự bức xúc, chị Thu Hạnh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cho biết, chị làm công nhân trong một công ty dệt may tư nhân, lương tháng 4 triệu đồng chưa kể phụ cấp ăn ca.

Thế nhưng sắp tới Tết Nguyên đán, công ty tuyên bố làm ăn thua lỗ, công nhân sẽ không có thưởng Tết, chỉ hỗ trợ một chiếc áo sơ mi nam. Buồn phiền, chị và một số công nhân khác có ý kiến với ban lãnh đạo thì nhận được câu trả lời pháp luật không quy định bắt buộc DN phải thưởng Tết cho người lao động, người lao động chỉ được hưởng tiền thưởng Tết theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, quy chế nội bộ của đơn vị về tiền thưởng, thỏa ước lao động tập thể và quan trọng là hiệu quả, năng suất làm việc và tình hình doanh thu mà DN quyết định việc trả thưởng cho người lao động. Do công ty làm ăn thua lỗ nên việc không thưởng Tết là đương nhiên và không phạm luật.

Thưởng Tết chỉ là chiếc áo sơ mi, tôi thì cũng tự nhủ là may vì có không ít nơi còn nợ lương. Đến thời điểm này ngành chức năng vẫn chưa có con số thống kê số người lao động bị nợ lương trong năm 2017 nhưng nhìn vào thống kê 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy sau 6 tháng có trên 5.440 DN hoàn tất thủ tục giải thể, hai phần ba trong số này là DN có vốn dưới 10 tỷ đồng. Song song đó, hơn 37.900 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 21,8% so với cùng kỳ. Như vậy, tổng cộng đã có 43.350 DN buộc phải đóng cửa trong 6 tháng qua, bình quân mỗi tháng gần 7.300 DN. Điều này đồng nghĩa sẽ có hàng nghìn người lao động rơi vào tình cảnh bị nợ lương chứ chưa nói đến thưởng.

Đánh giá về bức tranh thưởng Tết năm 2018, nhiều chuyên gia cho rằng, dù Luật không quy định song thưởng Tết không đơn thuần là công cụ phản ánh sự phát triển của DN trong một năm sản xuất, kinh doanh mà thông qua đó thể hiện trách nhiệm xã hội của DN trong việc bảo đảm, chăm lo đời sống cho người lao động. Tuy nhiên dù đã bước vào “sân chơi” lớn của hội nhập nhưng dường như DN vẫn coi việc thưởng Tết là “phần thưởng” mà không coi đó là sự chia sẻ thành quả. Hệ quả là sau Tết DN phải tìm đủ chiêu trò để tuyển dụng nguồn nhân lực vì người lao động “nhảy việc”.

Giấc mơ xa vời
Chia sẻ về “điệp khúc buồn” mang tên thưởng Tết cho giáo viên, cô Lê Thị Loan- Giảng viên Học viện Quản lý giáo dục nêu ý kiến: Đã tới lúc Bộ GDĐT nên lập quỹ khen thưởng cho ngành giáo dục để chi phần thưởng Tết cho giáo viên một cách ổn định cũng như phát động các phong trào thi đua dạy tốt học tốt. Bởi lẽ, giáo dục là ngành đặc thù không có lương tháng thứ 13 để thưởng Tết cho giáo viên. Đồng tình với quan điểm này, nhiều thầy cô giáo cho hay, dạy học cũng là một nghề, tại sao lại không có thưởng lương tháng thứ 13? Mới đây, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết đề xuất lương giáo viên phải xếp cao nhất trong thang bảng lương đã có từ 20 năm trước nhưng chưa thực hiện được. Điều này cũng đồng nghĩa với việc  thưởng Tết cho giáo viên ở các trường công lập vẫn là giấc mơ xa.     

Vi Cầm

    Lê Minh Long

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ