A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Dưới chân đèo Ea Na ấm áp

09:11 | 18/02/2018

Với những người lần đầu tiên bước chân tới Khoa điều trị phong nằm dưới chân đèo Ea Na (thuộc Buôn Tuôr A, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) ai cũng có cảm giác ái ngại khi nhìn những bệnh nhân phong nơi đây.

 Trại phong Ea Na được nhiều người cho là chỗ lẩn trốn của những người mang trong mình căn bệnh bị cộng đồng xa lánh. Thế nhưng chính nơi đây lại hiện hữu những tấm lòng hết mực yêu thương...

Bác sĩ Tố (bên phải) và điều dưỡng H’Két Êban thăm khám cho bệnh nhân.

28 năm gắn bó với bệnh nhân phong

Năm 1990, bác sĩ Trần Sỹ Tố viết đơn tình nguyện vào công tác tại Trại phong Ea Na. Nay mái tóc điểm sương, ông là trưởng khoa điều trị của trại phong này. 28 năm gắn bó với trai phong Ea Na, ông có quá nhiều chuyện vui buồn. 

Thời kỳ đầu khi ông đến nhận công tác hết sức khó khăn. Khoa chỉ có quy mô 50 giường bệnh thế nhưng số lượng bênh nhân lên tới gần 350 người và toàn là những ca nặng.

Cùng với đó những hiểu biết của người dân xung quanh về bệnh phong còn hạn chế nên người nhiều né tránh không ai dám bước chân đến vì sợ bị lây nhiễm.

Lúc này trại phong chỉ như là nơi cư ngụ của riêng bệnh nhân và cán bộ nhân viên khoa điều trị.

Mặc dù nhà chỉ cách nơi làm việc chưa đầy 500 m, thế nhưng bác sĩ Tố ngủ ở nhà còn ít hơn ngủ ở phòng trực của khoa, bởi những cơn đau của bệnh nhân phong khiến ông không thể nào yên tâm chợp mắt khi chứng kiến tay chân của họ bị hoại tử rụng từng đốt tay, chân.

Nhiều ca bệnh ông cùng nhân viên phải túc trực suốt đêm phẫu thuật cắt lớp thịt hoại tử và tháo từng khớp để người bệnh đỡ đau đớn. 

Trong số hàng trăm bệnh nhân phong phải cắt tay, cắt chân, ca bệnh ông nhớ nhất là vận động ông Y Khó Ralan- một bệnh nhân phong người Gia rai đến từ huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đi cắt chân đến đầu gối vì bị vi khuẩn ăn hoại tử khớp.

Nếu không sớm cắt chân ông Y Khó rất dễ bị nhiễn trùng nặng và ảnh hưởng đến tính mạng.

Thế nhưng ông Y Khó nhất quyết không chịu xuống điều trị bệnh phong ở Quy Nhơn để cắt chân.

Thương bệnh nhân, bác sĩ Tố đã làm giấy cam đoan, hứa sẽ nuôi ông Y Khó suốt đời nếu như ông đồng ý cưa đi cái chân bị bệnh.

Sau khi nhận được lời hứa của bác sĩ Tố, ông Y Khó mới đi cưa chân.

Sau khi cưa chân, ông Y Khó lại về trại phong Ea Na, nơi đã gắn  gần như cả cuộc đời của ông với những người thầy thuốc.

Ông Y Khó mắc bệnh phong từ lúc 10 tuổi, năm 1985 lúc này 17 tuổi nghe tin ở Đắk Lắk có trại điều trị bệnh phong ông đã bỏ buôn làng tìm đến đây để chữa trị.

Thấm thoát vậy mà đã gần 34 năm trôi qua đó cũng là quãng thời gian ông gắn bó với trại phong này. 

Bên cạnh được chăm sóc, thuốc thang đầy đủ ông còn tìm được niềm vui, niềm hạnh phục của cuộc đời mình tại khoa điều trị khi bà H’nhe Siu (cũng một bệnh nhân phong) đồng ý xây dựng gia đình với ông để nương tựa nhau lúc trái gió trở trời. 

Bác sĩ Tố chia sẻ, niềm vui ở đây như được nhân thêm khi những người bệnh tìm về đây chữa trị họ đã tìm được một nửa của mình để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

“Hiện chúng tôi đã có 96 hộ gia đình bệnh nhân phong được Tổ chức PRF (Công Hòa Pháp) tài trợ xây dựng 96 căn nhà kiên cố để bệnh nhân có chỗ sinh hoạt, điều trị bệnh”- bác sĩ Tố cho biết.

Chị H’Kiăt kế nghiệp làm cấp dưỡng của mẹ tại trại phong Ea Na.

Từ bệnh nhân trở thành nhân viên

20 năm gắn bó với Khoa điều trị phong Ea Na cũng là quãng thời gian anh Huỳnh Thanh Phong thấy cuộc đời mình vẫn còn may mắn và ý nghĩa khi vào đây trị bệnh.

Sinh ra và lớn lên ở Bạc Liêu, vì cuộc sống quá khó khăn anh Phong phiêu bạt lên làm nương rẫy cho người dân ở thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông (lúc đó chưa tách 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông).

Sau một thời gian lao động vất vả ở các rẫy vườn, năm 1998 anh phát hiện trên người mình có những đám da bất thường, dùng kim chích không thấy đau.

Đi khám da liễu anh được bác sĩ cho biết, anh bị bệnh phong.

Buồn bã vì không biết tại sao mình lại bị lây nhiễm căn bệnh này anh Phong lặng lẽ nghỉ làm rồi tìm tới khoa điều trị phong Ea Na.

Anh Phong chia sẻ, “lúc mới vào tôi rất hoang mang lo lắng và không liên lạc về nhà cho bất kỳ ai biết mình đang ở trại phong. Mọi thứ lúc đó với tôi như sụp đổ, bởi tôi không hiểu lắm về bệnh này và liệu có chữa khỏi hay không. Thấy nhiều bệnh nhân bị nặng rụng hết ngón tay, ngón chân, bị tháo cả bàn bàn chân, ống chân khiến tôi suy sụp. Tôi nghĩ có lẽ cả đời mình sẽ phải ở trong này điều trị và sợ bị xa đình họ hàng, làng xóm xa lánh”. 

Nhưng rồi, nhận được sự động viên của các y bác sĩ và thấy người bệnh nơi đây vẫn vui tươi yêu đời, anh Phong đã lấy lại động lực để sống.

Sau hơn 1 năm điều trị, anh được bác sĩ Tố cho biết phải theo dõi 3 năm xem mần bệnh có tái phát hay không.

Cũng trong thời gian này, anh được bác sĩ Tố động viên và tạo điều kiện học hỏi cách làm giày, dép cho bệnh nhân trong khoa.

Sau 3 năm vừa làm giày, dép cho bệnh nhân vừa theo dõi bệnh tình, anh Phong được thông báo khỏi bệnh. Niềm vui vỡ òa, và còn vui hơn khi 2001 anh được Khoa điều trị phong tiếp nhận làm kỹ thuật viên giày, dép chính thức.

“Nhờ đến với nơi đây, tôi đã kiếm được một nửa của đời mình, một người vợ ngoan và 2 đứa con xinh khỏe mạnh”- anh Phong xúc động nói.

Anh Phong cho biết, bàn chân người bệnh phong không giống ai, có người bị nhẹ thì cụt mấy đốt, có người bị nặng thì cụt mất nửa bàn chân trước vì vậy phải gọi từng người vào đo chân, rồi đổ khuôn thạch cao mới cho ra hình dạng của đôi dép họ có thể đi.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất của đôi dép bệnh nhân bị phong là mặt đế phải cứng để các vật sắc nhọn không thể đâm thủng và mặt trên phải mền, êm vì người bệnh phong thịt da họ khi bị các vật nhọn đâm không thấy đau, nhưng nếu không phát hiện chữa trị vết thương thì họ rất dễ bị nhiễm trùng và phải cắt bỏ, tháo bỏ các đốt ngón chân, thậm chí cả bàn chân.

“Vì thế mà mỗi đôi dép của họ tôi phải làm thật tỉ mỉ để họ vừa dễ đi, dễ sinh hoạt hàng ngày nhưng phải đảm bảo không bị các vật sắc, nhọn cắt hay đâm thủng gây ra các vết thương”- anh Phong nói và cho biết, việc làm giày, dép cho bệnh nhân phong đối với anh cũng là cách để anh trả ơn cho các thầy thuốc nơi đây đã cứu sống mình, cho mình cuộc đời mới.

Kế nghiệp

Người dân buôn Tuôr A và Tuôr B không ai không biết đến gia đình chị H’Kiăt Êban- người chăm lo từng miếng cơm, cốc nước cho các bệnh nhân phong trại Ea Na.

Là người kế nghiệp mẹ làm cấp dưỡng cho Khoa điều trị phong, chị H’Kiăt luôn chu đáo tận tình với người bệnh như bà mẹ H’Xul Êban của mình năm xưa.

Chị H’Kiăt kể, mẹ chị- bà H’Xul, đã có gần 40 năm làm cấp dưỡng cho trại phong này.

Lúc nhỏ chị thường xuyên vào đây cùng mẹ phụ nấu cơm cho người bệnh. Lúc đầu nhìn người bệnh bị trụi ngón tay, ngón chân chị cũng rất ái ngại vì sợ lây; nhưng càng lớn lên chị càng thấy việc làm của những người như mẹ mình thật nhân văn, nên cái sợ cũng qua đi tự lúc nào.

Thấy gia đình chị nhiều năm làm trong trại phong nhưng không ai bị bệnh tật, bà con buôn làng dần rồi cũng hiểu ra và họ càng quý trọng gia đình chị hơn. 

Chị H’Kiăt chia sẻ, học theo mẹ, để có được bữa cơm ngon cho người bệnh chị phải dậy từ sớm đi chợ mua những thức ăn tươi, chọn các thực phẩm có dinh dưỡng để người bệnh ăn ngon miệng có sức khỏe điều trị bệnh.

Chưa hết chị còn tìm tòi học hỏi không nấu những thức ăn có các chất tác dụng với nhau gây ảnh hưởng đến người bệnh. Bên cạnh đó, chị còn phải nấu thức ăn riêng cho những bệnh nhân theo chỉ định của bác sĩ để không gây nguy hiểm đến bệnh tình của bệnh nhân.

Không chỉ có mẹ chị gắn bó hàng chục năm với Khoa điều trị phong rồi đến chị kế nghiệp mẹ, mà em gái chị H’Két Êban cũng theo học ngành y và vừa được nhận về làm điều dưỡng chăm sóc cho các bệnh nhân nơi đây.

H’Két chia sẻ, gia đình em đã gắn bó với Khoa điều trị phong từ nhiều năm nay, em cũng rất tự hào về mẹ và chị em- những người không sợ bệnh tật vẫn miệt mài cố gắng chăm lo cho người bệnh từng bữa ăn để có đủ sức khỏe chiến đấu với bệnh tật. 

Như một mối lương duyên, hai người con gái của chị H’Kiăt hiện cũng đang theo học ngành điều dưỡng. Đó quả là một điều thật đặc biệt.

Đến trại phong dưới chân đèo Ea Na những ngày này, thật ấm áp. Mùa xuân đất trời cũng là mùa xuân của tình người, của những thầy thuốc, những nhân viên trong trại phong.

Họ không ngại khó khăn gian khổ, hết lòng chăm lo cho những con người không may mắn bị căn bệnh quái ác hành hạ. Điều đó vô cùng có ý nghĩa, khi mà con người đến với con người bằng tình yêu thương...

Ông Hoàng Xuân Duy- Giám đốc Trung tâm da liễu (Sở Y tế Đắk Lắk) cho biết, nếu như năm 2016 toàn tỉnh Đắk Lắk phát hiện 3 trường hợp mắc bệnh phong thì trong năm 2017, không phát hiện trường hợp nào mắc bệnh này.

Thật đáng quý là buôn Tuôr A có gần 200 hộ dân với hơn 80% đồng bào dân tộc tại chỗ và có đến 70 hộ bệnh nhân phong cùng sinh sống nhưng đến nay không có hộ nào phát hiện con cháu bị bệnh phong. 

Nguyễn Tuấn Anh

 

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ