A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khai hồ sơ hưởng chế độ, 9 tuổi đã đi bộ đội?

15:19 | 22/02/2018

Mặc dù biết rõ ông Lê Trung Hiếu (chú ruột) không đi bộ đội, không bị ảnh hưởng của chất độc da cam, ...

... thế nhưng với cương vị là Chủ tịch xã Xuân Phú, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, (lúc bấy giờ) ông Lê Quang Vĩnh (nay là Bí thư Đảng ủy xã Xuân Phú) vẫn làm ngơ cho cấp dưới hợp thức hóa để ông Lê Trung Hiếu hưởng chế độ chính sách cho người bị nhiễm chất độc da cam.

Lý lịch đảng viên ông Lê Quang Vĩnh ghi rõ chú ruột Lê Trung Hiếu sinh năm 1959.

Giấy khai sinh ông Hiếu làm lại.

Theo đơn thư tố cáo của người dân thuộc hội làng Đông Hồng, xã Phú Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên (nay là thôn Đông Hồng, xã Phú Cường, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) thì ông Lê Trung Hiếu không đi bộ đội ngày nào và ông Hiếu sinh năm 1959. Thế nhưng ông Hiếu lại nhờ bạn mình ở Binh Đoàn 12 làm giả giấy tờ, xác nhận ông tên là Lê Văn Hiếu (sinh ngày 10/10/1951, quê quán xã Phú Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên; trú quán tại xã Xuân Phú, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) để trục lợi chính sách từ nhiều năm nay. Với cái tên giả và năm sinh giả, để tránh bị lộ, ông Lê Trung Hiếu đã gửi hồ sơ về quê, nhờ anh ruột mình là ông Lê Duy Thưởng (sinh năm 1945) làm lại giấy khai sinh. Dựa vào giấy khai sinh này, ông Hiếu làm lại chứng minh thư nhân dân và thay đổi toàn bộ năm sinh để hợp thức hóa giấy tờ giả hưởng chế độ chính sách.

Bà Đào Thị Hường- Cán bộ LĐTB&XH xã Xuân Phú cho biết, hiện tại ông Lê Văn Hiếu đang hưởng chế độ người bị nhiễm chất độc da cam có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật 61%, mỗi tháng được nhận số tiền 2.522.000 đồng; cùng với đó, con ông Hiếu là Lê Bá Khánh Trình hàng tháng cũng được hưởng số tiền trợ cấp 1.417.000 đồng.

Theo điều tra của chúng tôi, ông Lê Văn Hiếu tên thật là Lê Trung Hiếu (trong lý lịch đảng viên của ông Lê Quang Vĩnh có ghi rõ chú ruột Lê Trung Hiếu sinh năm 1959, ở và làm ruộng tại thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk). Điều đáng nói ở đây là ông Hiếu là em út trong nhà nhưng theo khai hồ sơ, lại có năm sinh lớn hơn cả anh mình và ông đi bộ đội khi mới 9 tuổi. Theo những nhân chứng là người cùng làng đi bộ đội với ông Lê Quang Thảo là anh trai của ông Hiếu cho biết, ông Thảo sinh năm 1956, vì vậy ông Hiếu không thể sinh năm 1951. Trong lý lịch Đảng viên của ông Lê Quang Vĩnh cũng khai chú ông là Lê Quang Thảo sinh năm 1956, đảng viên, bộ đội chuyển ngành, sinh hoạt tại phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Theo tài liệu Sở LĐTB&XH  tỉnh Đắk Lắk cung cấp thì năm 2001, trong bản khai hưởng trợ cấp người bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam ông Lê Văn Hiếu đã khai mình sinh năm 1959, ngày nhập ngũ 6/1/1975, đơn vị K10-559; thời gian ở chiến trường từ ngày 4/3/1975 đến ngày 20/6/1977, địa bàn hoạt động ở Gia Lai-Kon Tum.Thế nhưng từ sự tiếp tay của người thân làm cán bộ ở xã, ông Lê Trung Hiếu đã gian lận tên tuổi thành Lê Văn Hiếu sinh ngày 10/10/1951 để xin xác nhận của Sư đoàn 470.

Qua rà soát ngày 12/2/2007, Sư đoàn 470 (Binh Đoàn 12) đã có Giấy xác nhận số 137, do Đại tá Đỗ Giang Nam, thủ trưởng đơn vị ký có ghi rõ: “Sau khi nhận đơn đề nghị, lãnh đạo Sư đoàn 470 đã chỉ đạo cho cơ quan Quân lực kiểm tra lại. Đơn vị xin xác nhận có đồng chí Lê Văn Hiếu, sinh ngày 10/10/1951, quê quán Phú Cường, Kim Động, Hưng Yên; nhập ngũ 29/7/1969; ngày phục viên 1/1/1977, cấp bậc phục viên Trung sĩ, chức vụ khi phục viên Báo vụ; đơn vị khi xuất ngũ Trung đoàn 547-Sư đoàn 470. Tháng 7/1977 phục viên về địa phương xã Phú Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hải Hưng (Hưng Yên). Tổng thời gian công tác trong quân đội là 8 năm 0 tháng”.

Có được Giấy xác nhận của Sư đoàn 470, ông Lê Trung Hiếu đã nhanh chóng hoàn thiện các giấy tờ như: Biên bản xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Bản khai cá nhân; Biên bản giám định bệnh tật để trục lợi chế độ chính sách.

Làm việc với chúng tôi, ông Lê Trung Hiếu không nhớ rõ tên đơn vị của mình từng chiến đấu mà bảo mọi thông tin về đơn vị ông đều nói đã ghi rõ trong Giấy xác nhận của Sư đoàn 470. Khi hỏi ông Hiếu về những giấy tờ liên quan đến đơn vị ông từng tham gia thì ông đưa ra lý do mọi giấy tờ hồ sơ của ông đã thất lạc hết nên không còn cái nào.  

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk sớm vào cuộc làm rõ, không thể để người không có một cống hiến gì cho quê hương đất nước hàng ngày vẫn trục lợi chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước.     

Nguyễn Tuấn Anh

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ